Không thể tùy tiện tăng hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.
TPO - Trước ý kiến đề xuất cần giảm chỉ tiêu trường công để tạo cơ hội cho các trường ĐH ngoài công lập có thêm cơ hội tuyển sinh, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Thưa bà, vừa qua, có ý kiến đề xuất một trong hai giải pháp để các trường Đại học ngoài công lập có cơ hội phát triển đó là giảm chỉ tiêu của các trường Đại học công lập khoảng 5% chỉ tiêu trong 7 năm. Ý kiến của Bộ về đề xuất này như thế nào? Bộ có đưa ra lộ trình để yêu cầu các trường Đại học công lập giảm chỉ tiêu trong thời gian tới không? Lộ trình như thế nào, thưa bà?

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải thực hiện được thực hiện theo các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành (thông tư 32, thông tư 57). Vì vậy, không thể tuỳ tiện tăng hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh của bất cứ trường nào, nếu không có lý do luật định.

Về nguyên tắc, trường công và trường tư đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có quy định nào còn bất cập thì cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định đó để đảm bảo sự bình đẳng.

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy thí sinh không đăng ký vào học một số trường không phải là do thiếu nguồn tuyển mà do các trường, ngành này chưa xây dựng được uy tín chất lượng để thu hút thí sinh. Vì thế không có cơ sở nào để khẳng định rằng nếu giảm chỉ tiêu của trường công thì các thí sinh đó sẽ vào học trường ngoài công lập.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ các trường Đại học công lập hiện nay đang tuyển sinh “kịch trần” theo tiêu chí Bộ GD&ĐT đề ra vì học phí quá thấp. Họ phải lấy số lượng để bù kinh phí đào tạo. Hướng giải quyết của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới là như thế nào, thưa bà?

Khi học phí thấp mà nguồn lực đầu tư từ nhà nước còn hạn chế thì khó có thể nâng cao chất lượng như mong muốn. Một số nước Châu Âu (như Pháp, Đức…) sinh viên đóng học phí rất thấp nhưng chính phủ các nước này cấp bù cho các trường rất lớn. 

Một số nước chính phủ không cấp bù cho các trường thì sinh viên phải đóng học phí rất cao (như Anh, Mỹ, Úc…). Để các trường có thêm nguồn lực tài chính, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành hành Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học để các trường đủ điều kiện có thể nâng cao chất lượng đào tạo tương xứng với mức học phí cao hơn mà người học có thể đóng góp. 

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy thí sinh không đăng ký vào học một số trường không phải là do thiếu nguồn tuyển mà do các trường, ngành này chưa xây dựng được uy tín chất lượng để thu hút thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Các chương trình tiên tiến, chương trình Kỹ sư chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế của một số trường… đều có quyền thu học phí cao hơn nếu đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng. Cả nước hiện đã có khoảng 250 chương trình chất lượng cao, học phí cao để các trường có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng; không phụ thuộc vào khung học phí của nhà nước. 

15 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 cũng đã thực hiện nguyên tắc này. Cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo thay học phí đã và đang được nghiên cứu, khi ban hành sẽ tạo điều kiện cho các trường, đặc biệt là các trường công lập chưa tự chủ có quyền chủ động tính học phí tương đương với chất lượng dịch vụ đào tạo, chủ động về nguồn thu, không phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo.

Đồng bộ với nội dung trên, chính sách tín dụng sinh viên và chế độ đối với sinh viên thuộc diện được ưu tiên cũng phải được tính toán hợp lý để không giảm cơ hội học tập cho các đối tượng này.

Với các trường ĐH ngoài công lập, được biết Bộ đang rà soát 9 nội dung của các trường này. Vậy sau khi có kết quả, Bộ có ý định đề xuất Chính phủ giải thể những trường nào không đạt yêu cầu không? Vì thực tế, cho đến giờ, nhiều trường Đại học ngoài công lập “sống” lay lắt, chất lượng đào tạo không đảm bảo nhưng do trong luật quy định nên chưa thể giải thể hay bị đình chỉ hoạt động?

Quyết định Số: 64/2013/QĐ-TTg đã quy định về điều kiện đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học, học viện. Việc giải thể một trường ĐH phải thực hiện theo đúng căn cứ, trình tự luật định.

Thực hiện Kế hoạch khảo sát, rà soát các mặt hoạt động của trường ngoài công lập chủ yếu là để hỗ trợ các trường phát triển theo tiêu chí đảm bảo chất lượng bền vững và xây dựng chính sách của nhà nước sát thực, đảm bảo bình đẳng công tư và công bằng về lợi ích của xã hội, của người học và của nhà đầu tư. 

Điều đó bao gồm cả việc chỉ ra những mặt hạn chế của một số trường và giải pháp để các nhà đầu tư, nhà quản lý… khắc phục những bất cập, nếu có, để phát triển bền vững lâu dài. Nếu quá trình rà soát phát hiện ra trường cụ thể nào đó có đủ căn cứ để đình chỉ hoạt động hoặc phải giải thể thì Bộ sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG