Ký túc đẩy ra, nhà trọ mời vào

Ký túc đẩy ra, nhà trọ mời vào
TP - Ký túc xá (KTX) đầu năm học mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu nên phần lớn tân sinh viên phải tìm nhà trọ ở bên ngoài với giá đắng chát. Cảnh tân sinh viên tìm chỗ trọ được miêu tả là: Ký túc đẩy ra, nhà trọ mời vào.
Ký túc đẩy ra, nhà trọ mời vào ảnh 1
Ký túc xá Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Hữu Nghĩa

Ký túc xá của đa số các trường đại học hầu như chỉ dành cho đối tượng ưu tiên, do vậy chỉ đáp ứng 15-20 phần trăm nhu cầu chỗ ở của tân sinh viên.

Phần lớn KTX các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội hiện không có đủ phòng cho tân sinh viên. Năm nay KTX  Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) dành 500 phòng cho sinh viên hai trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH KHXH&NV. Mỗi phòng khoảng 8 - 10 người, đáp ứng khoảng 20 - 25 phần trăm nhu cầu sinh viên muốn vào ở KTX.

Ông Ngô Văn Minh, Trưởng phòng Hành chính Công tác sinh viên - Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường có hai KTX (Mễ Trì và KTX tại ĐH Quốc gia) với số lượng phòng lớn nhưng cũng chỉ đáp ứng  35 phần trăm nhu cầu ở của sinh viên.

Chỗ ở trong KTX chủ yếu dành cho sinh viên là con em gia đình chính sách, con thương binh liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay con em đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Vì vậy, phần lớn sinh viên phải ra ở ngoài.

Năm nay trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 3.700 chỉ tiêu, trong đó khoảng 2.700 sinh viên ngoại tỉnh có nhu cầu ở trọ nhưng nhà trường chỉ dành 100 phòng cho 930 sinh viên khoá mới, đáp ứng hơn 20 phần trăm nhu cầu.

Toàn bộ nữ sinh của ĐH Bách khoa có nhu cầu ở KTX đều được giải quyết (không nhất thiết phải là sinh viên thuộc diện ưu tiên).

“Có một tiêu chuẩn mới trong năm nay, SV khi làm thủ tục đăng ký ở KTX phải mang theo giấy kiểm tra sức khỏe của trung tâm y tế trường, đề phòng cúm AH1N1” - Ông Phạm Thanh Nghì, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX Sinh viên- ĐH Bách khoa cho hay.

Tiền phòng năm nay dao động từ 60.000 đồng đến 85.000 đồng/ phòng. Mỗi sinh viên được miễn phí 10 số điện đầu tiên. KTX Mễ Trì giá nhỉnh hơn các trường khác. Sinh viên được sử dụng internet, điện thoại, bình tắm nóng lạnh.

ĐH Sư phạm Hà Nội có phòng dành cho 400 sinh viên K59 trong tổng số 2.004 sinh viên vào học tại trường năm học 2009 - 2010.

Ông Trần Công Thanh, Trưởng ban Quản lý KTX cho biết: Phần nhiều sinh viên phải ở ngoài. Với mức phí 60.000 đồng đến 80.000 đồng/tháng, được miễn phí điện nước, SV ở KTX là SV thuộc diện ưu tiên, hàng năm có khoảng 350 sinh viên thuộc diện này. Số chỗ ở còn lại nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Từ ngày 27/8 đến 28/8, KTX ĐH Quốc gia (ĐHQG) TPHCM bắt đầu tiếp nhận sinh viên đăng ký vào ở. Tuy nhiên,  số lượng sinh viên được tiếp nhận chỉ khoảng 60 phần trăm. Nhiều KTX khác, dù có đầu tư nhiều hơn vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của sinh viên thành phố.

Đối tượng được ở KTX ĐHQG TPHCM là sinh viên đang học tại ĐHQG TPHCM ở khu vực Thủ Đức và thuộc các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Sinh viên có hộ khẩu thường trú tại các xã, vùng khó khăn, con em các đối tượng chính sách của tỉnh Đồng Nai cũng được giải quyết vào ở khu KTX của tỉnh. Riêng KTX của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ giải quyết cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách.

Từ năm nay, Trung tâm Quản lý KTX phối hợp với Công ty Hưng Á đưa vào sử dụng khoảng 1.000 chỗ ở tại khu KTX xã hội hóa. Khu KTX này sẽ góp phần giải quyết thêm nhiều chỗ ở cho sinh viên trong bối cảnh sinh viên ngày càng đông của các trường thành viên ĐHQG TPHCM tại đây.

Ngày 28/8, KTX ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) kết thúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho sinh viên mới vào trường. Từ trước đó, KTX được xem là hiện đại nhất nước đã cho các tân sinh viên đăng ký ở trực tuyến trên trang web của mình.

Ban Quản lý KTX vừa công bố 1.063 chỗ ở KTX cho sinh viên mới năm nay. Có hơn 600 sinh viên không đủ điều kiện xét vào ở KTX này. Những sinh viên này buộc phải thuê trọ bên ngoài.

ĐH Nông lâm TPHCM thông báo cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 1.500 sinh viên trong tổng số gần 3.000 tân sinh viên. Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cũng chỉ dành khoảng 140 chỗ ở KTX cho sinh viên trong năm nay.

Ông Trần Đình Mai, Trưởng ban Công tác Sinh viên, ĐH Đà Nẵng cho biết: Năm học 2009 – 2010, toàn thành phố có khoảng 80.000 sinh viên các hệ, trong đó khoảng 36.000 sinh viên chính quy.

Trong khi đó, KTX tại các trường ĐH, CĐ chỉ cung ứng được hơn 5.000 chỗ trọ, chiếm từ 15-20 phần trăm nhu cầu chỗ ở của sinh viên. Số còn lại phải ra thuê trọ tại các khu dân cư.

Theo ông Phan Minh Thắng – Phó phòng Công tác HSSV, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, chỗ trọ KTX chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế của sinh viên. Hiện có đến hơn 13.000 sinh viên hệ chính quy phải thuê trọ ngoài vì KTX chỉ cung ứng được 2.000 chỗ ở.

Tình trạng cũng tương tự tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Theo Phòng Công tác sinh viên, KTX nhà trường mới chỉ đáp ứng được 15 phần trăm nhu cầu trọ học của sinh viên. Trường có đến gần 6.000 sinh viên phần lớn từ các tỉnh khác đến, trong khi KTX chỉ có khoảng 1.000 chỗ, ngoài ra phải ưu tiên 100 chỗ cho du học sinh Lào.

Hầu hết các trường đều cho rằng, do khó khăn về tài chính, thiếu quỹ đất để đầu tư xây mới hoặc nâng cấp nên việc mở rộng các KTX đáp ứng nhu cầu của sinh viên là rất khó khăn.

MỚI - NÓNG