Làm thầy hay câu chuyện của một cô giáo vô danh

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.
Nửa năm qua, trường không có hiệu trưởng, cũng chẳng có thày cô nào được trả lương. Bây giờ, tôi đã có được bộ áo dài trắng mà mình mơ ước, nhưng nỗi buồn thì lớn hơn nhiều.

Cuộc trò chuyện giữa nhà báo Gia Hiền và một cô giáo (xin không nêu tên vì sinh kế của cô) về những niềm vui, nỗi buồn của một cô giáo. Niềm vui nho nhỏ khi được học trò nghèo tặng quả bưởi, lam cơm… Nỗi buồn thiếu thốn vật chất khi làm giáo viên cắm bản hay nỗi buồn của một cô giáo phải làm “sale” cho trường Cao đẳng. Và nhiều tâm sự khác của một nhà giáo đang “đánh vật” với cơm áo gạo tiền nhưng vẫn đau đáu chuyện “làm thầy”.

Tôi mời cô giáo vào một quán cà phê sách. Cà phê sách, đó là một không gian xa lạ và mới mẻ với một cô giáo đến từ vùng cao như cô. Cô gọi một tách cà phê sữa nóng, vừa uống vừa xuýt xoa khen thơm. Câu chuyện về nghiệp dạy học của cô cứ miên man, đôi lúc ngắt quãng khi đến đoạn xúc động. Những lúc ấy, tôi vờ ngắm nghía quả bưởi Đoan Hùng mà cô nhiệt tình mang tới làm quà. Món quà đầu tiên trong đời giáo viên của cô, cũng là một quả bưởi…

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, tỉnh Phú Thọ. Từ bé nhìn bảng đen phấn trắng đã yêu, nhà nghèo, chỉ mong ước lớn lên được làm cô giáo. Làm cô giáo thì được mặc áo dài trắng, được đánh má phớt hồng, được nhận hoa 20/11. Và được nhà nước trả lương, bố mẹ tôi bảo thế.

Học hết cấp 3, tôi xin được chân văn thư ở một điểm trường cách nhà hơn 70 cây số. Trường ở trên núi, cái xe đạp cũng chẳng có, tôi ở luôn tại trường. Các thày cô trong trường giúp làm một cái lán nứa để ở. Tuần đầu tiên còn chẳng có cửa ra vào, nhìn thông thống ra ngọn đồi trước mặt. Đến lúc có cửa, các thầy cô mới hỏi đêm có nhìn thấy gì không? Là vì, trên ngọn đồi ấy là một cái bãi tha ma. Tôi bảo ma thì không thấy, nhưng thấy đói. Lương văn thư tháng đầu tôi nhận, được một trăm năm chục ngàn, gần 20 năm trước, ở Phú Thọ thì ngần ấy tằn tiện cũng đủ sống cho đến kỳ lương sau. Học theo những thày cô cắm bản khác, tôi mua cá khô làm lương thực chủ đạo. Hai tuần 1 lần, có người gùi cá khô, mắm muối lên trường bán. Chúng tôi ăn cá khô, để lại cái đầu cá, khi nào thời tiết xấu quá, người bán hàng không lên trường được, thì lôi chỗ đầu cá khô ấy ra nấu canh ăn. Được giao cả nhiệm vụ bảo vệ và đánh trống trường, nhưng tôi còn chẳng có nổi cái đồng hồ. Tôi mượn thày hiệu trưởng cái đồng hồ của thày, rồi căn theo đó cắm một cái que trên khoảnh đất sau trường, làm đồng hồ… đất, để đo bóng nắng. Cứ theo đó mà đánh trống báo giờ vào lớp.

Trường được xây theo chương trình 135 của Chính phủ, ba dãy nhà 2 tầng mái bằng khang trang, lớp nào cũng có quạt trần. Nhưng quạt chẳng bao giờ dùng được, vì trường vẫn chưa có điện. Tối tối, chúng tôi đứng trên tầng 2, nhìn xuống tỉnh lộ phía xa, đếm đèn ô tô xe máy, thưa thớt đến độ đếm cả tối chả được quá vài chục.

Làm văn thư được 1 năm, đến mùa thi năm ấy, tôi được huy động làm giáo viên trông thi, kiêm giải bài cho học sinh. Vâng, cái lệ thi giúp học sinh lên lớp nó có từ lâu rồi anh ạ. Ai ngờ, toán lớp 5, tôi giải thì đúng, còn có thầy cô lại giải sai. Thầy hiệu trưởng thấy thế, bèn cho tôi đứng lớp. Đứng chui thôi, vì mới tốt nghiệp cấp 3, có bằng cấp gì đâu mà dạy. Dạy Toán và Tập làm văn, đứng tên thày cô khác, rồi lĩnh lương ké. Rồi các thày cô cứ tìm cách chuyển đi, chuyển nhiều quá, trường thiếu giáo viên, thế là tôi dạy tăng tiết, tăng môn lên. Cuối cùng thì dạy tuốt tuột, cả Thủ công, cả Thể dục. Thủ công thì dễ rồi, tôi có hoa tay, dạy học trò vẽ hoa lá, trang trí đường diềm. Nhưng thể dục thì phải xuống trường tỉnh, học lỏm mấy bài vận động, về dạy lại cho học sinh. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy bài thể dục ấy, còn lại cho học sinh tự chạy nhảy vui chơi. Học sinh miền núi, đứa nào cũng khỏe từ trong bụng mẹ, chả thấy ốm đau bao giờ.

Được đứng lớp làm cô giáo rồi, nhưng tôi vẫn chưa có tiền may cái áo dài trắng hằng mơ ước. Nhưng không hề gì, hạnh phúc lớn là tôi đã được nếm cảm giác của người thày ngày Hiến chương nhà giáo 20-11. Món quà đầu tiên trong đời nhà giáo, đứa học trò dân tộc Tày giấu sau lưng, rồi hí hửng đưa ra: “Cho cô này”. Nó nói đúng như thế đấy, và đó là một quả bưởi xanh. Ngày hôm đó, mỗi đứa học trò tặng tôi một lam cơm, chất đầy một góc giường. Anh đã ăn cơm lam chưa? Rồi à, nhưng có đúng cơm lam không đấy? Cơm lam xịn, người ta cho gạo vào rồi mới nướng lên, chứ cơm lam bây giờ toàn cơm nấu sẵn rồi nhồi vào ống nứa, ăn cứ bở tơi ra ấy. Học trò của tôi lúc ấy, chúng nó lặn lội mấy quả đồi, dăm con suối mới đến lớp. Có đứa, hôm ấy đến muộn, tôi hỏi lý do, bảo vì hôm nay quanh nhà em toàn rào thôi cô giáo ạ. Nhà nào mà chẳng có rào? Đi qua rào thì mất bao lâu mà đến muộn? Lớp trưởng đứng lên nói thưa cô, “rào” nghĩa là lũ ấy. Tôi thương trò thắt ruột.

Rồi tôi quyết xuống Hà Nội thi đại học, không thể dốt mãi mà đứng lớp được. Tôi tự xin sách vở về học, học ngày học đêm, vừa học vừa soạn giáo án. Thế mà năm ấy thi, đỗ cả Đại học Tổng hợp lẫn Đại học Công đoàn. Tôi chọn học Tổng hợp, xin được nhà trường cho cái giấy gửi đi học. Bố mẹ khóc bảo, con đi học bố mẹ không có tiền cho con. Tôi nói không sao, con tự kiếm tiền học được. Tôi xuống Hà Nội, dành dụm được ít tiền, ở ký túc. Đến kỳ sau là đã có học bổng, cứ thế tằn tiện mà học xong mấy năm Đại học thôi. Trở lại địa phương, tôi xin chuyển đến một trường cấp 2. Năm năm tiếp theo, chuyển thêm 3 lần nữa, cuối cùng thì làm giảng viên 1 trường Cao đẳng gần nhà. Tôi lập gia đình, rồi ly hôn, một mình nuôi con - bây giờ là “mốt”, gọi là “single mom” đấy anh nhỉ, nhưng trên quê tôi định kiến lớn lắm, một mẹ một con rất là khổ. Hai mẹ con về ở với ông bà ngoại, trông hết vào đồng lương giáo viên đứng lớp. Ở quê, chẳng có ai dạy thêm học thêm cả, tôi chỉ biết cần mẫn đứng lớp thôi. Được cái, học viên đông lắm, có năm hơn 3.000 cơ, cho nên sức dạy được bao nhiêu là dạy thôi. Quy định là 500 tiết 1 năm, dạy nhiều hơn thì cứ mỗi tiết được 18.000 đồng. Mười tám nghìn đồng thôi, mà có năm tính ra tôi được hơn 10 triệu tiền dạy vượt mức ấy, chia ra 18.000 đồng, anh hình dung là tôi đứng lớp nhiều đến thế nào.

Một hôm, thày hiệu trưởng nói, có suất học bổng Cao học tiếng Anh ở Hà Nội, liên thông với trường ở Hoa Kỳ, Sở giáo dục thông báo đấy, có ai thi không? Tôi đăng ký thi, dù ngoại ngữ cấp 3 tôi học là tiếng Pháp. Rồi tôi cắm đầu vào học, chỉ có 3 tuần thôi, chẳng có ai dạy cả. Tôi lấy từ điển ra, học thật nhiều từ mới. Thế mà lúc thi, tôi đỗ. Lại xuống Hà Nội. Lần này thì khó hơn, vì học bổng chỉ miễn tiền học, không hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Tôi mượn sổ đỏ của bố mẹ, cắm ngân hàng, lấy tiền ăn học. Hết 2 năm, tôi lấy bằng cao học, cũng có thêm quan hệ ở Hà Nội. Cô giáo dạy tôi bảo, cô có đứa con năm nay thi Đại học, mà cô không kèm được nó, em về kèm nó cho cô, cùng với đứa em họ nó nữa. Tôi nhận lời, mà không ngờ nó mở ra một sinh kế mới.

Từ ấy, tôi cứ chạy xe lên xuống Phú Thọ - Hà Nội. Ban đầu chỉ kèm một chỗ ấy thôi, sau học trò khá lên, phụ huynh khen, người này giới thiệu người kia, tôi nhận đến mấy mối kèm gia sư kiểu ấy. Rồi tôi nhận dạy cả cho 1 số trường dân lập ở Thủ đô. Lịch dạy bây giờ rất căng, gần như tuần nào tôi cũng chạy xuống Hà Nội 3-4 lần. Vất vả, nguy hiểm nữa, đường xá xa xôi, nhưng có thêm thu nhập nuôi con.

Thu nhập quan trọng lắm, vì lúc này, trường Cao đẳng của tôi ở Phú Thọ bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Việc các trường Cao đẳng, Đại học dân lập ở Hà Nội hạ thấp điểm sàn, gom học viên, khiến những trường Trung cấp, Cao đẳng miền núi như trường tôi sụt giảm học viên thê thảm. Từ vài ngàn học viên mỗi năm, chỉ trong 2 năm trường tôi chỉ còn nhận được 50 hồ sơ, đến năm ngoái còn đúng 17 bộ. Không thể mở chỉ 1 lớp, chứ đừng nói đến 1 khóa học, với 17 học viên, vậy là phải xoay. Ban giám hiệu giao nhiệm vụ, mỗi giáo viên trong trường phải gọi được 5 học viên nhập học, còn thành viên ban giám hiệu thì gọi 3 học viên. Rốt cuộc, chính thày hiệu trưởng không thể kiếm đủ 3 hồ sơ, nên bỏ quy định ấy. Trường xoay cách khác, là tìm đến các trung tâm giáo dục thường xuyên, “mua” lại học viên, mỗi đầu học viên, trả cho các trung tâm ấy 500 nghìn đồng. Như thế cũng gom được vài trăm học viên, đủ để khai giảng. Nhưng trung tâm lại đòi phải trả tiền trước, không thì họ “bán” học viên cho trường khác. Trường làm gì có quỹ nhiều thế, ban giám hiệu bèn có “sáng kiến”: cho người ngoài vào thuê phòng ký túc xá để có thêm kinh phí hoạt động (không có học viên thì ký túc cũng để không thôi mà). Nhưng việc ấy là sai nguyên tắc, chuyện lọt ra, thày hiệu trưởng bị cách chức. Nửa năm qua, trường không có hiệu trưởng, cũng chẳng có thày cô nào được trả lương.

Bây giờ, tôi đã có được bộ áo dài trắng mà mình mơ ước, nhưng nỗi buồn thì lớn hơn nhiều. Ngày Hiến chương nhà giáo năm ngoái, tôi không nhận được một bông hoa, một tờ thiệp, thậm chí không một lời chúc mừng. Học viên đến lớp với tâm thế của người trả tiền, các em không còn tôn trọng người thày nữa. Tôi rời lớp học vắng tênh, quyết định xin chuyển công tác xuống Hà Nội. Chẳng dễ thế đâu anh, bao nhiêu công nhờ vả, chạy chọt. Muốn xuống Hà Nội, phải rất nhiều tiền, dù chỉ là trường ngoại thành thôi. Mà muốn được dạy ở đấy, cũng phải có hộ khẩu Hà Nội, lại tiền. Tất cả mất hơn 300 triệu. Tiền ở đâu ra? Tôi lại mượn sổ đỏ của bố mẹ để cắm cho ngân hàng. Buồn cười anh nhỉ, để được đi học phải cắm sổ đỏ, mà để được đi dạy thì cũng lại phải cắm sổ đỏ.

Hôm thi kỹ năng giảng dạy ở trường mới, trước hội đồng giám khảo, tôi giảng một bài Anh văn về danh họa Picasso. Cô chủ tịch hồi đồng giám khảo cuối buổi mắng tôi: “Cô định thể hiện gì ở đây? Nếu là tôi ấy à, tôi sẽ dùng một dẫn chứng giản dị là bức họa nàng Monalisa. Đấy một bức họa nổi tiếng như thế của Picasso mà cô cũng không biết, lại cứ nói đâu đâu!”. Tôi lặng im không dám nói lại, hơi bực, sao cô ấy lại không biết bức Monalisa là của Leona Da Vinci anh nhỉ? Nhưng thôi nghĩ cũng an ủi, vì giáo viên trình độ như thế, thì mình về đây cũng không đến nỗi thua kém lắm.

Tôi trở về trường ở Phú Thọ, sau 1 tháng xin nghỉ phép để đi “chạy” việc. Vào lớp, không thể ngờ, học sinh chúng nó viết lên bảng: “Chào mừng cô về với chúng em”. Đấy là lứa học viên năm nay, những đứa mà tôi lên sở tìm từng bộ hồ sơ bị loại vì thi trượt, những đứa tôi đến từng nhà nói chuyện với phụ huỵnh thuyết phục cho con theo học. Cô trò ôm nhau khóc. Đó là buổi dạy cuối cùng của tôi ở trường cũ.

Ngày 20/11 năm nay, tôi chân ướt chân ráo xuống Hà Nội, vẫn chưa được chính thức đi dạy, hai mẹ con sống bằng tiền tôi đi dạy thêm. Chắc cũng lại không hoa, không quà, không lời chúc. Nhưng thôi, buồn một chút, vẫn được làm thày là mừng rồi. Tôi cám ơn cuốn từ điển anh tặng nhé, quý quá, cuốn từ điển của tôi đã cũ và rách hết cả. Đấy, mải miết kiếm sống, lâu lắm có nạp thêm được cái chữ nào vào đầu…

Gia Hiền (ghi)
Theo Theo Ngày Nay
MỚI - NÓNG