Lên rẫy mời trò

Các thầy giáo đang vận động gia đình ông Xồng Nhìa Tu đưa 2 đứa con đang theo lên rẫy về bản.
Các thầy giáo đang vận động gia đình ông Xồng Nhìa Tu đưa 2 đứa con đang theo lên rẫy về bản.
TP - Cứ đến đầu năm học khi các giáo viên miền xuôi còn đang nghỉ ngơi thì những giáo viên rẻo cao thay phiên nhau lên rẫy vận động học sinh về trường. Đi ngày chẳng đặng, các thầy giáo lại lặn lội đêm hôm đến thuyết phục từng gia đình.

Trường THCS Tri Lễ 4 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) cách trung tâm xã hơn 30km, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Do sống tách biệt với bên ngoài, đường đi lại rất khó khăn nên trường không có cô giáo, chỉ có thầy giáo.

Thời điểm vào mùa làm rẫy cũng là lúc bắt đầu năm học mới, nhưng học sinh đến trường rất ít. Các ngôi nhà ở bản thường chẳng có người, bố mẹ học sinh kéo nhau lên rẫy ở đến hết mùa rẫy mới về. Các thầy giáo lại chia thành từng tốp 2 đến 3 người lên tận rẫy vận động để phụ huynh cho con em đến trường.

Người viết đã theo chân thầy Lang Văn Nhàn, hiệu trưởng trường THCS Tri Lễ 4 và thầy Xồng Bá Thành lên rẫy vận động học sinh đến trường. Lần lên rẫy “săn” học trò này hướng đến khu vực Khe Sầu Lầu nằm sát với xã Nậm Giải (Quế Phong). Con đường nhỏ ngoằn ngoèo bám theo sườn núi. Những lúc lên dốc, các thầy lại phải xuống xe, rú ga hết cỡ mới bò lên nổi những con dốc đất trơn, mùi lốp xe cà vào nền đường khét lẹt. Trên dọc đường đi thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những đứa trẻ theo mẹ lên rẫy làm lúa, đứa lớn tự chơi một mình, đứa bé được mẹ địu trên lưng.

Lên rẫy mời trò ảnh 1

Nhọc nhằn con chữ vùng cao.

Gia đình ông Xồng Nhìa Tu (SN 1966), trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ có 15 người con, nhưng chỉ có con trai thứ 13 đến trường. Thường xuyên thiếu ăn, cả hai vợ chồng và 12 người con đầu đều mù chữ nên chẳng bao giờ ông quan tâm đến việc học hành của con cái. Năm ngoái, khi cháu Y Pênh đến tuổi đi học, các thầy giáo đến nhà vận động nhưng cuối cùng vợ chồng ông Tu vẫn dắt em lên rẫy nên lỡ mất một năm học.

Với quyết tâm đưa em Y Pênh đến trường, các thầy giáo lần này lại lên rẫy để vận động ông Nhìa Tu; vận động cho người con trai áp út là Xồng Bá Lỳ vừa học xong lớp 5 tiếp tục được ra trung tâm xã để học lên THCS. Sau hơn một giờ các thầy thuyết phục, vận động, ông Nhìa Tu đã đồng ý đưa hai con về bản, đến trường nhập học.

Trời chập choạng tối, các thầy mới về đến trường, ăn vội bữa cơm đã được giáo viên ở lại trường nấu sẵn, để đêm lại tiếp tục vào bản đi vận động học sinh đến trường. “Ở đây không có điện, người dân thường ngủ sớm, còn cánh đàn ông đang mùa đi lấy nhộng nên phải đi vào bản thật sớm mới gặp được”, thầy Nguyễn Trọng Quyền, hiệu phó trường TH Tri Lễ 4 giải thích.

 Con đường nhỏ ngoằn ngoèo bám theo sườn núi. Những lúc lên dốc, các thầy lại phải xuống xe, rú ga hết cỡ mới bò lên nổi những con dốc đất trơn, mùi lốp xe cà vào nền đường khét lẹt.

MỚI - NÓNG