Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp

TS Đàm Quang Minh
TS Đàm Quang Minh
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng, nếu như thi luận luôn có vấn đề về sai sót và nhầm lẫn nhưng nếu trắc nghiệm có thể áp dụng máy chấm với chi phí rất thấp và gần như không có khái niệm phúc tra điểm. Khả năng gian lận trong quá trình chấm bài cũng rất thấp.

Trao đổi với PV về vấn đề thi trắc nghiệm, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho biết, thi trắc nghiệm ra đời vào những năm 1950 do nhà tâm lý học giáo dục của Trường ĐH Columbia Edward Thorndike và Benjamin Wood phát kiến. Từ đó thi trắc nghiệm luôn được coi là công cụ vô cùng hữu hiệu để thực hiện các đánh giá mang tính khách quan cao. Thi trắc nghiệm đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa. 

Việc Bộ GD&ĐT dự kiến áp dụng đồng loạt hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Văn) vào năm 2017 đang khiến dư luận băn khoăn, nhất là môn Toán. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp. Nếu như thi luận thì luôn có vấn đề về sai sót và nhầm lẫn nhưng nếu trắc nghiệm thì có thể áp dụng máy chấm với chi phí rất thấp và gần như không có khái niệm phúc tra điểm. Khả năng gian lận trong quá trình chấm bài cũng rất thấp.

Như hiện nay, chỉ cần chi phí chấm bài ở mức vài chục ngàn nhân lên với gần 1 triệu thí sinh thì chi phí chấm bài đã ở mức vài chục tỷ đồng cho mỗi môn thi, chưa kể đến các chi phí tổ chức chấm thi còn cao hơn nhiều so với chi phí chấm bài. Thí sinh cũng không mất 1-2 tuần chờ đợi mà có thể biết kết quả ngay lập tức nếu hệ thống được chuẩn bị tốt.

Chính vì những lý do như vậy mà thi trắc nghiệm được các quốc gia áp dụng cho hầu hết các kỳ thi mang tính quốc gia. Các bài thi trắc nghiệm thường được nhắc đến nhiều nhất như IELTS, TOEFL, SAT, ACT, GMAT có tính chuẩn hóa cao và áp dụng cho các môn Tiếng Anh hay Toán.

Vì vậy cho rằng áp dụng thi trắc nghiệm và bước lùi trong thi cử là không thỏa đáng khi mà các quốc gia tiên tiến đều áp dụng. Tôi cho rằng áp dụng thi theo cách thức này là phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu hóa và cải cách lần này đang tiến gần hơn đến các chuẩn mực trên thế giới.

Có nhiều ý kiến cho rằng, kết quả thi trắc nghiệm không phân loại được học sinh giỏi và không phát huy được khả năng tư duy của học sinh?

Lý do đưa ra này chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ như kỳ thi SAT hay TOEIC được coi là đánh giá rất sát với năng lực thực của người học. Hơn nữa cũng không nên coi kết quả thi THPT là căn cứ duy nhất để đánh giá năng lực người học.

Các trường đại học đang giảng dạy các ngành rất khác nhau và cần những năng lực khác nhau.

Cách sử dụng một thang đo duy nhất như hiện nay là không phù hợp và các trường đại học cần chủ động thay đổi phương pháp tuyển sinh của mình. Tùy theo ngành và tùy theo nhu cầu, các trường đại học cần có phương án để có đúng và đủ số sinh viên phù hợp với nhu cầu của trường.

Nhiều trường đại học trên thế giới yêu cầu sinh viên phỏng vấn hoặc viết luận để có thêm căn cứ tuyển sinh đúng những sinh viên phù hợp với trường của mình.

Việc tuyển sinh ĐH, CĐ theo 4 phương án của Dự thảo thì đều dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia do các địa phương chủ trì. Ông có thấy lo ngại gì không?

So với cách đây chỉ vài năm, phương thức tuyển sinh đại học hiện nay đã cởi mở hơn và thuận tiện hơn cho các trường đại học khá nhiều. Trường ĐH FPT cũng là trường luôn chủ động trong việc tuyển sinh nên những thay đổi được đề xuất tôi thấy khá bình thường. Tôi không thấy có bất kỳ lo ngại gì.

Trước những thông tin đa chiều về dự kiến phương án thi mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, Ông đánh giá thế nào về việc này?

Việc kiểm tra đánh giá xét cho cùng là để đánh giá năng lực của người học. Vì vậy người học cần thể hiện được năng lực của mình bằng kết quả làm bài. Nếu đề thi hoàn toàn nằm trong khuôn khổ kiến thức, kỹ năng của chương trình phổ thông thì việc bài thi có tích hợp hay tổ hợp cũng không quan trọng. Tất cả chúng ta đều chưa nhìn thấy dạng thức đề thi thực tế dự kiến như thế nào nên tôi cho rằng các phản đối hiện nay là chưa đủ cơ sở.

Nếu chúng ta chưa hiểu rõ bài kiểm tra đó như thế nào mà phản đối thì đó là phản đối có sự thay đổi. Vấn đề là liệu giáo dục Việt Nam có cần thay đổi hay không? Hiện nay ngay cả những quốc gia tiên tiến họ vẫn có những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều thập kỷ qua, giáo dục Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy giáo dục lạc hậu và ngày càng có nhiều người “tị nạn giáo dục”? Đó là do những cải cách về giáo dục của chúng ta vẫn rụt rè và thỏa hiệp. Khi thấy kết quả trước mắt thấp hơn là lại không dám thực hiện tiếp.

Ví dụ như tại Mỹ, khảo sát mới đây khi áp dụng tiêu chuẩn giáo dục mới theo Common Core, điểm số của học sinh đã giảm so với năm 2013 là năm mà Common Core chưa được áp dụng rộng rãi. Lập tức có rất nhiều phụ huynh và học sinh phản đối. Tuy nhiên những chuyên gia giáo dục, những thầy cô giỏi vẫn lên tiếng bảo vệ thay đổi này vì cho rằng học sinh đã có được nhiều kỹ năng hơn về giải quyết vấn đề và được suy nghĩ nhiều hơn là chỉ học kiến thức.

Tôi cho rằng nếu cải cách mà không có sự phản đối thì không gọi là cải cách. Vấn đề là phải kiên định và có thể chấp nhận những khó khăn có thể có khi bắt đầu thực hiện. Nếu không thì nền giáo dục sẽ vẫn tiếp tục thêm trì trệ và lạc hậu.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG