Mang mơ ước cho học trò khiếm thính

Học sinh Vũ Đăng Hiếu và Lê Phương Anh. Ảnh: Nghiêm Huê.
Học sinh Vũ Đăng Hiếu và Lê Phương Anh. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - “Dẫu biết rằng trên đường đời còn có những chông chênh, gập ghềnh nhưng hãy yên tâm vì vẫn luôn có các thầy cô và chúng tớ luôn bên bạn. Hãy cứ mạnh rạn bước đi đi rồi đường sẽ phẳng lặng”. Đó là những câu cuối trong bức thư mà học sinh Vũ Đăng Hiếu, lớp 5A Trường PTCS Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội viết gửi cô bạn gái khiếm thính cùng lớp Lê Phương Anh.

Giữa tháng 4, trường PTCS Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội đã tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao của các em học sinh chào mừng ngày chăm sóc bảo vệ người khuyết tật Việt Nam 18/4. Ngày hội thực sự mang đến cảm xúc đặc biệt đối với tất cả khách mời và các em học sinh trong trường. Đó là màn múa theo tiếng nhạc bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song của các em học sinh khiếm thính. Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn cho biết khi múa theo nhạc ca khúc “Nơi đảo xa” các em không hề nghe thấy và chỉ múa trong yên lặng.

Nhưng xúc động hơn cả đó là bức thư được điểm cao nhất trong cuộc thi Bức thư gửi bạn do nhà trường phát động của học sinh Vũ Đăng Hiếu, lớp 5A. Bức thư Hiếu viết gửi chính cô bạn khiếm thính học hòa nhập cùng lớp của mình là Lê Phương Anh. Không may mắn như Hiếu, Phương Anh bị điếc bẩm sinh. Nhưng suốt những năm tiểu học vừa qua, Phương Anh luôn vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Phương Anh viết chữ rất đẹp. Em đã tham dự cuộc thi viết chữ đẹp và giành giải 3 của quận Đống Đa. Cô Trịnh Thị Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A cũng cho biết, Phương Anh thông minh, xinh xắn. Em học khá tốt các môn.

Ở trường PTCS Xã Đàn còn có hai thầy cô khá đặc biệt. Đó là cô Đào Thị Hồng và thầy Phạm Anh Duy. Cả hai đều là giáo viên khiếm thính dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh của trường.

Thầy Phạm Anh Duy  sinh năm 1986 tại Hà Nội và bị khiếm thính bẩm sinh. Sau khi học xong THCS, THPT và CĐ tại Đồng Nai, thầy quay ra Hà Nội tìm việc. Năm 2015, thầy vào dạy học tại trường PTCS XÃ Đàn theo chương trình dạy ngôn ngữ ký hiệu của Dự án IDEO. Nhưng sau một năm chương trình kết thúc, lúc đó, thầy Phạm Văn Hoan, hiệu trưởng nhà trường đã có buổi nói chuyện và chia sẻ với thầy Duy về mong muốn của thầy. Thầy Phạm Văn Hoan cho biết, khi hỏi thầy Duy về mức thu nhập mà thầy mong muốn để có thể đáp ứng được nhu cầu và nuôi được gia đình? Thầy Duy đã trả lời thầy chỉ mong mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng. “Khi nghe Duy nói thế, tôi đến ôm Duy và thực sự xúc động vì sự chân thành của em” – thầy Hoan chia sẻ.

Trong khi đó, tâm sự về sự lựa chọn của mình, thầy Duy nói: “Tôi rất thương và yêu các trẻ khiếm thính. Mong ước thời gian tới của tôi là tôi sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm dạy học để dạy trẻ khiếm thính tốt hơn.”.

Còn cô Đào Thị Hồng thì cho biết, từ ngày tiểu học, cô đã thích nghề giáo và ước mơ trở thành cô giáo. Học xong phổ thông, cô quyết tâm thi cao đẳng sư phạm. “Nhưng ngày đó, miền Bắc chưa có trường nào đào tạo sư phạm dành cho người khiếm thính.” – cô Hồng cho hay. Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Đồng Nai, cô Hồng được Chi hội người điếc Hà Nội mời ra cộng tác tại một số dự án và dạy học tại trường PTCS Xã Đàn từ năm 2014.

MỚI - NÓNG