Mô hình trường học mới: Theo hay không theo?

Một tiết học ở Trường Tiểu học Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Một tiết học ở Trường Tiểu học Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
TPO - Vừa qua, kết quả đánh giá của Ngân hàng thế giới đối với mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam dường như không làm dư luận hài lòng. Vẫn còn thấy thiếu thiếu cái gì. Trong khi đó, một số lãnh đạo ngành còn cảm thấy VNEN là một từ khóa nhạy cảm.

Vậy theo hay không theo?

Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai VNEN đối với cấp tiểu học. Năm học 2015 - 2016, có trên 3.700 trường tiểu học triển khai áp dụng mô hình này; hơn 1600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6.

Năm học 2017 - 2018, số lượng đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học tăng lên 4.800 trường tại 58 tỉnh, TP với tỷ lệ 18% HS tham gia; cấp THCS có 1.500 trường trên 51 tỉnh, thành tham gia VNEN trong năm học mới, tỷ lệ HS là 13%... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đột ngột dừng triển khai VNEN như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh,…

Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi có kết luận về việc triển khai mô hình VNEN năm học 2016 – 2017, nhiều tỉnh quyết định tạm dừng triển khai đại trà mô hình này trong năm học 2017 - 2018.

Mô hình trường học mới (VNEN) bắt đầu thí điểm ở TP.Hải Phòng từ năm học 2012 - 2013, tại Trường tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An). Đến nay, toàn TP. Hải Phòng có 1.586 lớp của 128 trường tiểu học thuộc 12/15 quận, huyện tham gia dạy học theo mô hình này, với tổng số 55.833 học sinh.

Nhưng trong năm học 2017-2018, TP. Hải Phòng chính thức dừng chương trình giáo dục mô hình trường học mới (VNEN) sau 4 năm thí điểm với nhiều ý kiến trái chiều từ phía nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh.

Vì VNEN có nhiều ưu điểm nhưng thực tiễn chưa phù hợp để triển khai. Dạy và học theo mô hình VNEN cần bảo đảm 3 điều kiện: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số học sinh mỗi lớp (20 - 30).

Tuy nhiên, hầu hết các trường tiểu học tại TP. Hải Phòng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu cho mô hình mới, không đủ không gian cần thiết cho học sinh học tập và hoạt động. Đội ngũ giáo viên thì bỡ ngỡ và khó khăn khi thực hiện mô hình này.

Nhiều giáo viên tỏ ra “đuối sức” với VNEN. Giáo viên cho rằng phải mất nhiều tháng để xây dựng giáo án cho phù hợp, đồng thời vẫn phải duy trì giáo án cũ cho các lớp không học VNEN.

Về phía học sinh, lứa tuổi tiểu học lại chưa đủ ý thức để chủ động tiếp cận kiến thức như VNEN mong muốn, nên nhiều em đã bị tụt hậu, hổng kiến thức khá nhiều. Thầy cô đành áp dụng lại cách học cũ để giúp học sinh đỡ tụt dốc.

Trong khi nhiều địa phương ngưng áp dụng mô hình VNEN hoặc tỏ ra e dè trước mô hình này thì TPHCM sẽ tiếp tục áp dụng và triển khai nhân rộng mô hình trường tiểu học VNEN.

Cụ thể, lãnh đạo Sở đề nghị, đối với trường tiểu học đang thực hiện mô hình trường học mới: tiếp tục duy trì nhưng cần làm tốt việc đánh giá, tổng kết, điều chỉnh các hoạt động, bổ sung các điều kiện để thực hiện mô hình ngày càng có hiệu quả cao. Các trường cần sử dụng, bảo quản tài liệu hướng dẫn học đã được cấp để dùng chung cho nhiều năm...

Đối với trường tiểu học có nhu cầu áp dụng mô hình trường học mới, trước hết phải theo tinh thần tự nguyện. Đồng thời, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện theo quy định, giáo viên được tập huấn, tham quan, hiểu rõ về mô hình; tham mưu với chính quyền, vận động các lực lượng xã hội hỗ trợ cùng tham gia, trao đổi với cha mẹ học sinh tạo sự đồng thuận khi triển khai mô hình trường học mới….

Được biết, hiện TPHCM có trên 60 trường tiểu học áp dụng VNEN, trong đó phần lớn ở khối lớp 2 và lớp 3.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ cũng khẳng định sẽ không “buông tay” với VNEN  mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

MỚI - NÓNG