Mô hình trường học mới (VNEN): Không nên rập khuôn, máy móc

Lớp học theo mô hình VNEN tại Thái Nguyên.
Lớp học theo mô hình VNEN tại Thái Nguyên.
TP - Ngay từ khi ban hành, dự thảo điều lệ trường tiểu học đã vấp nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Tuy vậy, theo quy định các Sở GD&ĐT vẫn có cơ hội đóng góp ý kiến những điểm được và chưa được đến trước ngày 25/7 gửi về Bộ GD&ĐT.

Mỗi lớp 35 học sinh là không thực tế

Tại khoản 1, điều 17 dự thảo điều lệ trường tiểu học quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Trên thực tế, nếu nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN - theo mô hình của Colombia), các trường học khó để đáp ứng việc này.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cho rằng: “Nếu điều lệ đi vào thực tiễn, thì quy định 35 học sinh/lớp phải được áp dụng. Các trường học tại Hà Nội hiện nay đa số có từ 50 - 60 em/lớp phải xử lý thế nào? Xây thêm trường, tuyển thêm giáo viên là điều khó trong điều kiện hiện nay”, ông Cương nói.

Lãnh đạo một Sở GD&ĐT cũng chia sẻ quan điểm, rất đồng tình ủng hộ ngành trong việc đổi mới toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, trước một mô hình cần có lộ trình thử nghiệm, lấy ý kiến phụ huynh, xã hội cũng như áp dụng có chọn lọc, cái gì không phù hợp ở điều kiện nước ta thì nên thay đổi để phù hợp hơn.

Cũng theo ông Cương, bản điều lệ còn có nhiều điều chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như Điều 45 quy định thưởng, phạt trong đó có nói không được công bố tên học sinh vi phạm trước lớp. Tùy theo mức độ vi phạm có thể nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp hoặc thông báo cho gia đình, sẽ khó để uốn nắn học sinh. Theo ông Cương, lâu nay, việc giáo viên, nhà trường khen thưởng hay kỷ luật học sinh đều có tác dụng giáo dục đạo đức, khuyến khích các em học tập. 

Ví như, ở trường ông, một giáo viên nhìn thấy học sinh vứt vỏ kẹo ra sân trường, ngay lập tức, khi vào lớp học, cô giáo sẽ nhắc nhở em làm thế là không được, là thiếu ý thức. “Nếu ngay cả việc nhắc nhở học sinh trước lớp mà cũng không được phép thì sẽ thay đổi toàn bộ việc dạy học sinh ở trường và việc Tiên học lễ, hậu học văn khó đạt hiệu quả giáo dục”, ông Cương nói.

Ông Cương cho rằng, việc đưa mô hình trường học mới vào Việt Nam là điều nên làm, đáng ủng hộ. Tuy nhiên, phải tùy điều kiện thực tiễn Việt Nam để có cách làm phù hợp chứ không nên bê nguyên khuôn mẫu trường học từ Colombia về rập khuôn vào nước mình. “Vì rập khuôn nên các cháu chỉ học lớp 2 thôi đã giữ chức Chủ tịch, Phó chủ tịch. Trong lớp thì có nhiều ban bệ như một tổ chức nhà nước như vậy là không nên. Từ “chủ tịch” là quá xa vời, không thân thiện, gần gũi với học sinh. Tại sao, chúng ta không giữ nguyên từ “lớp trưởng” như lâu nay, và áp dụng cách học, cách dạy kiến thức của mô hình trường học kiểu mới”, ông Cương nói.

Phải có lộ trình

Theo bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ tiểu học Bộ GD&ĐT, sau khi mô hình trường học mới đưa vào thí điểm ở một số trường được đánh giá kết quả tốt. Đặc biệt, mô hình học nhóm, học sinh chủ động học và hỏi bài vở, không còn thụ động ngồi nghe giáo viên giảng bài đã giúp học sinh tự tin, độc lập, yêu trường lớp hơn rất nhiều.

Bà Đào Thị Thủy, Hiệu phó Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, một trong những trường đầu tiên tại Hà Nội áp dụng mô hình giáo dục trường học mới VNEN chia sẻ, dự thảo chỉ cụ thể hóa thông tư 30, trong đó, việc không xử phạt học sinh trước lớp cũng được trường áp dụng. Nếu giáo viên không hài lòng về học sinh trong ứng xử, học tập giáo viên cũng chỉ nhắc nhở, hướng dẫn cách khắc phục trực tiếp hoặc ghi vào sổ cho phụ huynh biết.

Theo bà Thủy, quan điểm của trường là luôn học tập cái mới nhưng có chọn lọc. Kể cả khi học theo mô hình nhưng không phải trường áp dụng hoàn toàn mà cái gì tốt mới học theo, đồng thời áp dụng từ từ từng bước một. Vì thế, tiếp cận mô hình trường học VNEN 4 năm nay nhưng trường mới chỉ dám thử nghiệm trên 8 lớp, trong đó buộc phải chọn những giáo viên gần như chủ lực của trường để đứng các lớp học này và trường cũng chưa có kế hoạch sẽ áp dụng toàn bộ các lớp học theo mô hình mới. Lý giải việc không vội vàng áp dụng mô hình cho toàn trường, bà Thủy cho rằng: “Trước một cái mới nên có lộ trình thử nghiệm, đánh giá, thăm dò ý kiến phụ huynh, dư luận nếu không rất dễ thất bại”.

Bà Thủy cũng chia sẻ, khi đưa vào các trường học ở Việt Nam, thì mô hình này mới chỉ áp dụng ở cách thức tổ chức lớp học, cách dạy, cách học, còn giáo trình dạy có biên soạn lại nhưng cơ bản vẫn theo sách giáo khoa cũ. 

MỚI - NÓNG