Môn sử phải biết suy luận

Môn sử phải biết suy luận
Ông Phạm Văn Roanh - Nguyên tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM khuyên, đối với môn lịch sử, học sinh nên học theo sách giáo khoa.
Môn sử phải biết suy luận ảnh 1
Ông Phạm Văn Roanh. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Sau đó, học sinh tự tóm tắt lại những sự kiện, hệ thống hóa kiến thức cho dễ nhớ bằng cách làm dàn ý cho mỗi bài học hoặc làm phép so sánh giữa những bài có cấu tạo gần giống nhau.

Ví dụ như ba bài: chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh đều có các phần hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, ý nghĩa lịch sử nên có thể so sánh một cách dễ dàng.

Và để nhớ những mốc thời gian  theo qui định, học sinh cần học theo các sự kiện quan trọng, ví dụ năm 1930 có hai sự kiện cần phải nhớ là việc thành lập Đảng và cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Khi làm bài thi môn lịch sử cần đi thẳng vào vấn đề chứ không nói dông dài, bài làm môn sử không phải là một bài luận văn hay thuyết giảng về chính trị. Nhiều em viết lan man dẫn đến lạc đề. Hãy đọc kỹ đề bài, hiểu rõ câu hỏi và thiết kế những kiến thức đã học theo ý đồ của câu hỏi, đừng bắt câu hỏi phải đi theo kiến thức có sẵn của mình.

Dĩ nhiên khi học bài trên lớp cũng như ôn tập học sinh cần rèn thói quen suy ngẫm, phân tích, suy luận… Có thể đối với những môn khác, phần suy luận của thí sinh là lấy từ kinh nghiệm sống (của chính bản thân thí sinh hoặc của người khác), từ sách vở, báo, đài…

Nhưng với lịch sử, phần suy luận đòi hỏi thí sinh phải hiểu vấn đề và biết nên lấy chi tiết, sự kiện lịch sử nào để chứng minh, giải thích theo yêu cầu của đề bài.

Ba năm trở lại đây, đề thi tuyển sinh môn sử tuy được đánh giá bình thường (không quá dễ và không quá khó) nhưng luôn đòi hỏi thí sinh phải biết suy luận.

Tôi đi chấm thi và thấy rất nhiều em có học bài nhưng điểm vẫn thấp vì không hiểu câu hỏi, đề yêu cầu đằng này nhưng lại trả lời đằng khác.               

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG