Mùa “chạy trường”: Bắt đầu nóng

Mùa “chạy trường”: Bắt đầu nóng
Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai… tháng Ba chạy trường. “Không đúng! Mùa “chạy trường” đã đến từ sớm hơn”. Đó là lời khẳng định của một vị phụ huynh học sinh lớp 1 tương lai.
Mùa “chạy trường”: Bắt đầu nóng ảnh 1
để vào được trường điểm, cha mẹ HS phải đau đầu

Đứa con trai đầu lòng của chị sẽ vào lớp 1 vào tháng 9/2005. Tuy nhiên, chị đã bắt đầu tìm cửa “chạy trường” cho con mình từ mùa hè năm ngoái.

Hàng năm, thời gian tuyển sinh đầu cấp cho các trường phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội được Sở GD&ĐT quy định là từ 1/7 đến 30/7. Trong đó, từ 1 đến 15/7 là thời gian phát và nhận đơn tuyển sinh diện đúng tuyến. Từ 15/7 trở đi mới là thời gian giải quyết những trường hợp trái tuyến. Nhưng mới sau Tết Âm lịch, một số phụ huynh (PH) có nhu cầu xin học (trái tuyến) cho con trong năm học tới đã gọi điện cho phóng viên báo Tiền Phong để mếu máo rằng, “người ta” sắp chỗ đâu vào đấy hết rồi!? Thực tế đó có thể xuất phát từ nỗi lo lắng thái quá của một số PH. Tuy nhiên, một thực tế khác cũng cho thấy, bắt đầu từ tháng 3 – tháng 4 hàng năm, nhiều PH đã phải đôn đáo tìm cách “chạy trường” cho con em mình.

Chị H. có cậu con trai đầu lòng sinh năm 1999, tháng 9 tới, cháu mới bắt đầu vào học lớp 1. Học trường nào thì “hạ hồi phân giải” vì mẹ cháu đang phải “chạy”. Công cuộc “chạy” của chị H. được khởi động từ hè năm ngoái – nghĩa là khi chưa bắt đầu thời gian chính thức tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2004 – 2005. Qua giới thiệu của một người họ hàng, chị làm quen với chị Đ. – một người mà nhờ đặc thù công việc nên quen biết rộng trong ngành GD&ĐT. Oái oăm thay, mục tiêu chị H. hướng tới lại là một trường “đắt giá” thuộc loại nhất quận Hoàn Kiếm. Kể từ khi được giới thiệu, hầu như tháng nào chị H. cũng gọi điện hoặc đến thăm chị Đ. và “chăm sóc” chị Đ. một cách kỹ lưỡng.

“Chạy trường” sớm như thế chẳng riêng gì chị H. Hiệu trưởng một trường phổ thông cho biết, có những vị PH con đang rất nhỏ (khoảng 2 – 3 tuổi) đã đánh tiếng “bác chuẩn bị mấy năm nữa cho em một suất”. Kèm theo sự đánh tiếng ấy là sự “chăm sóc” cho mối quan hệ giữa PH và hiệu trưởng.  Tết rồi các ngày lễ hiệu trưởng có quà đã đành. Ngay cả “gia đình em đi nghỉ về” hoặc “nhà em đi công tác nước ngoài về” cũng có của ngon vật lạ hoặc món quà đắt tiền “biếu bác”. Nhiều PH “chạy trường” được cho con do nhờ mối quan hệ thường không xác định được mức độ “tốn kém” cụ thể thường là vì “đầu tư dài hơi” như thế.

Cái khó trong tuyển sinh lớp 1 là các trường không biết dựa vào tiêu chí nào để xét tuyển khi mà Luật GD quy định mọi trẻ em 6 tuổi đều được quyền đến trường. Tiêu chí ưu tiên hàng đầu của các trường là HS “đúng tuyến”. Số chỉ tiêu còn lại dành để tuyển HS “trái tuyến”. Tuy nhiên, một số trường có tiếng là “điểm” lại bị sức ép căng thẳng giữa cung – cầu diện “trái tuyến”. Với những trường này, tiêu chí để tuyển sinh trái tuyến là mối quan hệ. Người không có mối quan hệ thì “chạy” để có mối quan hệ.

Theo dư luận xã hội, “giá” để vào trường này trường kia là số lượng “vé” khác nhau. Thực chất, đó là các mối quan hệ đã được “lượng hoá” thành tiền. Một PH khẳng định với chúng tôi, con họ (đang là HS lớp 1) được vào học trường T. S là nhờ “mua suất” (3 triệu đồng) của một cán bộ làm ở UBND quận Đống Đa. Có những PH tỏ ra sẵn sàng “chi” rất nhiều tiền nhưng lại không tìm được “dây” (mối quan hệ). Vì thế, “mối quan hệ” để vào một số trường càng trở nên đắt giá, thậm chí thành... vô giá! Tuy nhiên, vẫn có một “mặt bằng” giá cả tuỳ theo trường được các PH kháo với nhau rằng đắt giá nhất là một số trường thuộc quận Hoàn Kiếm như Tràng An, Trần Quốc Toản, Thăng Long... Giá một suất để “chạy” vào những trường này nghe nói nhiều trăm USD. Thậm chí, có trường hợp PH “khoe” rằng họ chạy trường cho con hết gần 1000 USD!?

Nhìn nhận một cách công bằng, lựa chọn trường nào để học cho con em mình là nhu cầu chính đáng của PHHS. Anh N.N.K (P. Phúc Đồng, Q. Long Biên) nói: “Tôi  muốn con tôi được học ở nơi tốt nhất mà tôi có thể lo được”. Không chỉ là nhu cầu cần được chọn trường tốt mà các PH sống ở HN còn có một nhu cầu khác: sắp xếp việc học của con thuận lợi với hoàn cảnh gia đình. Có nhiều PH muốn xin cho con học ở trường gần nơi mình công tác - đương nhiên là trái tuyến. Hơn nữa, việc người sống một nơi – hộ khẩu một nơi là hiện tượng khá phổ biến đối với các hộ dân trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là một “kênh” góp phần quá tải nhu cầu học trái tuyến.

Xác định chuẩn và xây dựng tất cả các trường học ở HN đạt đến chuẩn – đó là cách tốt nhất để hạn chế tình trạng tất cả HS trái tuyến dồn vào một số ít trường “điểm”. Tuy nhiên, đó lại là một tương lai không xác định được bao giờ sẽ đến! Vì thế, hiện nay ở HN không còn cách nào khác là PH cứ đến mùa lại cuống lên “chạy trường”.

Hiệu trưởng nói gì?

Cô giáo Hoàng Kim Phấn (Hiệu trưởng trường TH Bán công Tràng An, Q. Hoàn Kiếm): Việc tuyển sinh của trường tôi suốt mười mấy năm qua là do trường với Phòng GD&ĐT, UBND quận phối hợp thực hiện. Diện tuyển là HS nằm rải rác trên địa bàn quận. Ngoài ra còn có một số HS ở các quận khác.
Thông thường trường tuyển 40% chỉ tiêu. Còn Phòng và Quận là 60%. Không có văn bản nào bắt buộc thế nhưng đó là một quy định được các bên tự hiểu và tự giác thực hiện. Tiêu chí để tuyển sinh vẫn là phụ thuộc vào mối quan hệ. Mỗi năm, chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất tuyển sinh (theo quy định của Sở GD&ĐT) nhưng công tác chuẩn bị thì làm từ trước đó khá lâu. Có thể nói, đến thời điểm này, các suất tuyển sinh lớp 1 cho năm học tới của chúng tôi (phần trường thực hiện) đã đâu vào đấy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thinh (Hiệu trưởng trường TH Quang Trung, Q. Hoàn Kiếm): Năm ngoái, chúng tôi tuyển khoảng 210 HS vào lớp 1 (chưa kể 29 HS lớp tiếng Pháp). Trong đó, khoảng 30% là HS trái tuyến. Trong 30% HS trái tuyến đó, trường được tự tuyển một nửa, nửa còn lại là của Phòng GD&ĐT và UBND quận. Tiêu chí để tuyển HS trái tuyến vẫn là mối quan hệ như nhiều trường khác. Sức ép nhu cầu được tuyển sinh trái tuyến ở trường tôi khá căng thẳng. Nhưng tôi cứ đúng nguyên tắc mà làm nên cũng chẳng ngại. Vào mùa tuyển sinh, quả là tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Tôi không trốn tránh, nhưng hạn chế đến mức có thể để không phải tiếp xúc trực tiếp với những người có nhu cầu xin cho con học trái tuyến. Ai có nhu cầu gì tôi đều không tiếp xúc ở nhà mà đề nghị ra trường giải quyết. 

PHẢN HỒI TỪ BẠN ĐỌC

Tên: Cao Thị Thuỳ Giang; Email: chim_en_vn@yahoo.com

 Chạy trường liệu có phải là giải pháp tốt nhất?

Sau khi đọc xong bài báo tôi thực sự cảm thấy bất ngờ. Những chuyện xảy ra như thế này thật lạ và tôi cũng chưa bao giờ hình dung ra một kiểu học như thế này.

Giờ đây có lẽ trong cuộc sống hiện đại nhiều gia đình thành phố đã đầy đủ mọi thứ về vật chất, bởi vậy họ muốn con em mình có thể chọn được những trường tốt nhất hoặc gần chỗ làm của các bậc phụ huynh nhất cho tiện cả đôi đường. Đó thực sự là yêu cầu chính đáng.

Thế nhưng, xét trên một khía cạnh nào đó thì những việc làm như thế này theo tôi hẳn vẫn chưa phải là giải pháp thực sự cần thiết. Chúng ta hãy hình dung xem trên những miền quê của chúng ta đa phần còn nghèo nàn, mỗi xã chỉ có một trường tiểu học vậy mà chúng ta vẫn đào tạo ra đuợc một thế hệ con người đầy tài năng và trí óc sáng tạo.

Rồi những thế hệ đi trước hãy tự hỏi chính bản rthân mình xem họ trước đây có cần những việc tương tự như thế này không, có cần chạy vạy để chon trường tốt không khi họ mới chỉ là những học sinh cấp một chữ a chưa biết, chữ b vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy mà họ vẫn thành đạt, vẫn sung túc thì tại sao ngày nay cứ phải chạy ngược chạy xuôi khi mà chưa cần thiết?

Hơn nữa các em mới chỉ là học sinh vỡ lòng đang chuẩn bị bước vào học những kiến thức cơ bản nhất thì chưa hẳn đã cần phải lo lắng quá sớm đến như vậy. Việc vào được trường tốt là hay song không phải là thiết yếu. Nhưng có lẽ một lý còn quan trọng và quyết định hơn nhiều đến việc học tốt hay không còn chính là do ý thức học tập của các em. Việc này chắc hẳn chẳng cha mẹ nào thể "chạy" thay cho con em mình hơn là việc tụ rèn giũa cho các em một tinh thần học tập tự giác trong mọi hoàn cảnh.

Thiết nghĩ việc học hành là quan trọng nhưng các vị phụ huynh hãy luôn nhớ rằng: thời gian còn nhiều, còn dài và hãy để cho chính con em họ trưởng thành và phát triển một cách tự nhiên toàn diện.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.