“Nam tiến” đại học

“Nam tiến” đại học
Những mùa thi gần đây, số thí sinh các tỉnh phía Bắc đang có xu hướng "đổ bộ" vào đăng ký dự thi và theo học tại các trường ĐH phía Nam

Hiện tượng này đang ngày càng tăng, đặc biệt là khi Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng phương thức "3 chung" cùng với việc bỏ giới hạn ưu tiên khu vực trong tuyển sinh...

Gần 64% sinh viên đến từ phía Bắc!

Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nếu như năm 2001 không có một thí sinh nào của Thanh Hóa dự thi thì sang năm 2002 đã có 59 thí sinh. Bước sang năm 2003, số lượng tăng hơn gấp ba lần: 200 thí sinh. Và đến năm 2004 vừa qua, số thí sinh của riêng tỉnh Thanh Hóa dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là 283.

Một tỉnh gần hơn là Hà Tĩnh, năm 2001 cũng không có thí sinh nào đăng ký dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng đến năm 2002 đã có 42 thí sinh và đến năm 2004 thì con số đã là 213.

Số thí sinh của 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng trúng tuyển vào trường ĐHDL Văn Hiến:
Năm 2001: 56   SV
Năm 2002: 157 SV
Năm 2003: 201 SV
Năm 2004: 242 SV

Không chỉ biểu hiện qua số thí sinh dự thi, thống kê về số thí sinh trúng tuyển cũng thấy rõ xu hướng ấy. Các khu vực phía Bắc khác như Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung bộ cũng có một sự gia tăng tương tự. Xu hướng này cũng không đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều trường ĐH.

Số thí sinh phía Bắc tăng thì thí sinh ở các khu vực khác giảm trong từng trường. Điều này được nhìn thấy khá rõ tại các trường ĐHDL vốn chỉ xét tuyển như Trường ĐHDL Văn Hiến là một ví dụ. Trong các khu vực, TP.HCM là địa phương có số thí sinh trúng tuyển vào trường này giảm nhiều nhất từ năm 2001 đến nay. Năm 2001, số thí sinh của TP.HCM trúng tuyển vào trường này là 308 nhưng đến năm 2004 chỉ có vỏn vẹn 31 thí sinh. Trong khi đó số thí sinh các tỉnh phía Bắc lại lên đến 485, chiếm gần 64% tổng số sinh viên nhập học tại Trường ĐHDL Văn Hiến.

Ở Trường ĐHDL Bình Dương tình hình còn rõ nét hơn. Là một trường ĐH địa phương, đóng ngay trên địa bàn tỉnh, có mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nhưng trong gần 1.400 chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ có 189 thí sinh là người Bình Dương trúng tuyển. Trong khi đó, chỉ tính riêng số thí sinh của tỉnh Thanh Hóa trúng tuyển vào trường này đã lên đến 66 người.

Nguyện vọng 2, 3: Số lượng áp đảo

Thống kê số lượng thí sinh phía Bắc trúng tuyển vào các trường ĐH trong năm 2004 cho thấy Nghệ An là tỉnh có số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH phía Nam đông nhất với gần 2.500 thí sinh. Kế đó là Thanh Hóa với hơn 2.400 và các tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình mỗi tỉnh xấp xỉ 1.500 thí sinh.

Số thí sinh này rải đều vào hầu hết các trường ĐH ở phía Nam với con số mỗi trường khoảng vài chục đến hàng trăm thí sinh. Nam Định là một ví dụ. Có đến 41 thí sinh của tỉnh này trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và gấp ba lần số đó trúng tuyển vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM. Đặc biệt có đến hơn 60 thí sinh của tỉnh trúng tuyển vào Trường ĐHDL Hồng Bàng.

Đáng chú ý là số thí sinh các tỉnh phía Bắc trúng tuyển vào các trường ĐH phía Nam bằng các nguyện vọng 2, 3 cao hơn hẳn so với số thí sinh đăng ký dự thi. Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập nhận xét: "Thí sinh phía Bắc đăng ký dự thi thì cơ hội trúng tuyển chỉ tương đương với thí sinh các tỉnh phía Nam, nhưng với nguyện vọng 2, 3 thì ưu thế vượt trội hẳn". Hiện tượng này được thể hiện khá rõ qua các trường ĐH không tổ chức thi tuyển.

Chính vì chỉ xét tuyển từ kết quả thi tuyển sinh vào các trường ĐH nên số thí sinh trúng tuyển vào trường chủ yếu đến từ phía Bắc. Điểm qua số lượng thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐHDL Hồng Bàng cho thấy ngay cả các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc cũng có không ít thí sinh trúng tuyển vào trường này. Và tập trung nhiều là thí sinh các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng như Hà Tây (35 thí sinh), Hải Dương (42), Nam Định (64), Hải Phòng (34)...

Năm 2005 này được dự báo tình hình cũng không có nhiều thay đổi. Theo ghi nhận của nhiều trường từ số hồ sơ được nộp, số lượng thí sinh phía Bắc tiếp tục tăng lên.

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH công lập lớn cho biết chỉ thống kê sơ qua trong 1.000 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường đã có đến gần 80 hồ sơ đăng ký của thí sinh các tỉnh Thái Bình; số thí sinh các tỉnh khác trong vùng cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Xu hướng "Nam tiến" này không chỉ cảnh báo cho thí sinh các khu vực khác phải nỗ lực hơn trong cuộc đua ngày càng quyết liệt, mà ngay những nhà hoạch định chính sách, các trường làm nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương cũng không thể không lưu ý.

MỚI - NÓNG