Ngân sách dành cho giáo dục: 90% để trả lương

Ngân sách dành cho giáo dục: 90% để trả lương
Ông Lê Minh Hồng - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội - cho biết, qua kiểm tra cho thấy nhiều nơi chi cho lương (và các khoản liên quan tới lương) đến 90%, thậm chí 93%.
Ngân sách dành cho giáo dục: 90% để trả lương ảnh 1
Hiện nay ở nước ta,người giàu, người nghèo trả tiền cho giáo dục như nhau?
 Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2001, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GD&ĐT chỉ 15,2%. Năm nay, tỷ lệ đó là 18%. Dự chi năm 2008, con số này sẽ đạt 20%. Như vậy, mức tăng trưởng tỷ trọng đầu tư rất đáng kể. Nhưng  thực tế, giá trị thực tế đầu tư còn thấp xa so với nhu cầu phát triển.

Ngân sách: chủ yếu để trả lương và xây “vỏ”

Theo ý kiến của các đại biểu tham gia cuộc toạ đàm cấp cao “Cơ chế, chính sách tài chính trong lĩnh vực GD&ĐT” (do UB Kinh tế và NS cùng phối hợp với UB Văn hoá, GD, Thanh thiếu niên nhi đồng của QH tổ chức tại HN cuối tháng 3 vừa qua) thì những nỗ lực tăng tỷ trọng đầu tư cho GD&ĐT của Nhà nước trong những năm qua không “thấm vào đâu” so với nhu cầu phát triển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khuyến cáo, khi đánh giá sự đầu tư, hãy nhìn thẳng vào con số tuyệt đối (quá nhỏ!) chứ đừng để con số tốc độ phát triển “ru ngủ”. Con số “tuyệt đối” của tỷ trọng 18% (năm nay) là 41,600 tỷ đồng.

Với một đất nước có khoảng gần 23 triệu người đi học thì đó quả là một con số ít ỏi! Chính một đại diện Bộ KH&ĐT (ông Nguyễn Thế Nghĩa) cũng nhận định: “Dù tỷ trọng đầu tư cho GD&ĐT tăng đáng kể nhưng từ thực tế GDP và NSNN chung còn thấp nên giá trị thực tế đầu tư còn thấp xa với nhu cầu phát triển để tăng quy mô và chất lượng GD&ĐT”.

Nguồn lực hạn hẹp là như vậy nhưng quá trình phân bổ, sử dụng lại chưa hợp lý. Hiện nay, việc phân bổ chi GD cho các địa phương theo dân số trong độ tuổi căn cứ vào nguyên tắc: đảm bảo tỷ lệ chi lương và các khoản có tính chất lương, trích theo lương tối đa 85% tổng chi thường xuyên; các chi ngoài lương tối thiểu 15%. Nhưng ở nhiều nơi, cơ cấu này chưa đảm bảo.

Ông Lê Minh Hồng - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội - cho biết, qua kiểm tra cho thấy nhiều nơi chi cho lương (và các khoản liên quan tới lương) đến 90%, thậm chí 93%. Chỉ còn lại chưa đến 10% chi cho các hoạt động khác nên chất lượng hoạt động nghiệp vụ không cao là điều dễ hiểu.

Còn ông Huỳnh Quang Hải (Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính) cho rằng, chính nguyên tắc phân bổ chi GD theo dân số trong độ tuổi đi học khiến một số địa phương có tỷ lệ về số người đi học/ số dân trong độ tuổi lớn (như khu vực đồng bằng Bắc Bộ) cần số lượng GV và cán bộ quản lý lớn nên chi phí lương và quản lý cao, làm cho chi nghiệp vụ chuyên môn thấp.

Tiêu chí dân số lại căn cứ vào hộ khẩu thường trú. Nhiều địa phương do tăng dân số cơ học (tạm trú) và tăng do di dân tự do như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên... vẫn phải chi GD&ĐT theo dân số có hộ khẩu nên các địa phương này gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện GD.

Về chi cho đầu tư phát triển GD, mấy năm qua Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng các cơ sở GD&ĐT ở tất cả các cấp học. Nhưng số lượng trường học thì nhiều lại phân tán mà NSNN thì có hạn nên chưa tập trung xây dựng được một hệ thống trường sở chính quy hiện đại. Một số công trình lớn được xây dựng song chủ yếu tập trung xây dựng “vỏ” vì chưa đủ vốn để đầu tư thiết bị tương xứng với nhiệm vụ GD&ĐT.

Người giàu, người nghèo trả tiền cho GD như nhau!?

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, đầu tư NSNN cho GD&ĐT nên xác định là cần được tập trung vào khối GD phổ thông. Còn với khối ĐH thì chỉ cần NSNN đầu tư vào 2 trường ĐH Quốc gia, 14 trường ĐH trọng điểm và một số trường ĐH vùng đặc thù như Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long.v.v... Còn lại cần phải huy động nguồn vốn từ xã hội.

Vấn đề đặt ra là cần phải có cơ chế để huy động được nguồn lực này. Chẳng hạn, cần phải hình thành chính sách như thế nào về việc thành lập những trường ĐH, CĐ công lập mới? Quản lý các trường ngoài công lập (NCL)  ra sao? Chuyển đổi các trường NCL thành trường tư thục như thế nào? Vấn đề học phí?

Việc giám sát các nguồn thu của hệ thống trường NCL cũng được các đại biểu phàn nàn là chưa chặt chẽ. Đặc biệt trước vấn đề học phí, theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì đây là vấn đề quá lớn quá nhạy cảm. Vì thế, mặc dù 2 trường ĐH Quốc gia đã được Chính phủ cho phép thí điểm làm đề án tăng học phí nhưng hiện vẫn phải “nghe ngóng”.

Một số đại diện trường ĐH có mặt trong cuộc toạ đàm cho rằng, nhất thiết cần phải tăng học phí. Nhưng tăng học phí như thế nào để không loại trừ tính công bằng xã hội lại là một câu hỏi chưa trường nào có câu trả lời.

Một vị hiệu trưởng trường ĐH bức xúc: “Thật vô lý khi hiện nay trong khi nhà nước thì không có tiền, vậy mà những người dân có thu nhập cao lại đóng tiền học cho con em họ như mức của những người nghèo!”

Trong hoàn cảnh nguồn lực từ NSNN đầu tư cho GD&ĐT còn ít ỏi như hiện nay, việc tìm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác trong xã hội quả là một bài toán khó. Khó nhưng trước sau gì rõ ràng cũng cần phải có lời giải đáp.

MỚI - NÓNG