Người nối nhịp cầu nhân tài

Người nối nhịp cầu nhân tài
TPO - Tiến sỹ Võ Văn Tới vừa được bổ nhiệm làm GĐĐH Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) cuối tháng Hai vừa qua. Ngay những ngày đầu tháng Ba, TS Võ Văn Tới đã trở lại Việt Nam và bắt tay ngay vào công việc với lịch làm việc ba tuần kín đặc tại Hà Nội và TPHCM.
Người nối nhịp cầu nhân tài ảnh 1
Tiến sỹ Võ Văn Tới

Trong nhiệm kỳ mới này tại VEF, TS Võ Văn Tới sẽ áp dụng ngay mô hình tuyển sinh điển hình của VEF, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nhằm tìm kiếm nhân tài sang học tập ở những trường đại học hàng đầu nước Mỹ và trở về cống hiến cho quê nhà.

Nếu như mấy năm trước, TS Võ Văn Tới là một thành viên trong Hội đồng Quản trị của VEF thì nay ông trở về Việt Nam với tư cách Giám đốc Điều hành VEF.

Khi được hỏi: “Vì sao ông lại nhận nhiệm vụ ở vị trí thấp hơn trước?”, TS Tới cười hiền: “Vâng, tôi muốn được làm “quân” để được gần gũi với Việt Nam hơn. Mục đích của tôi lúc nào cũng là mong muốn đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật ở Việt Nam. Tôi thấy  VEF hoạt động rất tốt và muốn mang hoài bão của mình tới những gì gần gũi hơn”.

Yêu sao hai tiếng “Việt Nam”

Tình yêu quê hương của TS Võ Văn Tới rất khó diễn tả được thành lời. Ông chỉ biết rằng, tình yêu đó đã ngấm vào xương máu, trí óc của mình. Dù đi học ở những phương trời xa như Thụy Sỹ hay Mỹ, ông vẫn khao khát ngày trở về Việt Nam để được cống hiến cho quê nhà.

Trong tương lai không xa, chắc chắn sẽ có người Việt Nam đoạt giải Nobel. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam bởi sự thông minh và cần cù của họ.

Có lẽ, TS Võ Văn Tới là một trong số không nhiều những người Việt Nam ra nước ngoài mà không pha trộn tiếng nước ngoài trong cái tên của mình. Cái tên cha sinh mẹ đẻ của ông vẫn như vậy trong suốt 40 năm qua - Võ Văn Tới.

Các công trình khoa học, các báo cáo khoa học của mình, ông đều lấy tên là Võ Văn Tới mà không hề thêm tên tiếng Anh hoặc đảo vị trí họ và tên. Nhiều bài viết của ông khi đăng trên một số tạp chí khoa học bị sửa đổi thành “Toi Van Vo” nhưng ông yêu cầu họ cứ giữ nguyên cái tên Việt Nam cũng như cách sắp xếp tên họ kiểu Việt Nam của mình.

Vinh danh nước Việt

Năm 1968, chàng trai Võ Văn Tới rời Sài Gòn đi du học tại Thụy Sỹ. Ngành học đầu tiên của ông là micro engineering (vi kỹ thuật) tại Học viện Công nghệ, một trong hai trường kỹ thuật nổi tiếng của Thụy Sỹ. Năm 1983, ông được nhận học bổng sang tu nghiệp Post Doc (sau tiến sỹ) tại Đại học Havard (Mỹ).

Ngay khi mới tốt nghiệp tại Thụy Sỹ, ông đã phát minh ra chiếc máy đo độ nhạy của mắt với ánh sáng chớp tắt. Đầu những năm 90, chiếc máy có thể tự nhỏ thuốc vào mắt để chữa bệnh khô mắt, thiên đầu thống được ông sáng chế đã được nhiều bài báo và chương trình truyền hình tại Mỹ ca ngợi.

Chiếc máy thứ ba mà ông sáng chế cũng liên quan tới mắt. Đó là máy kiểm soát sự lưu thông của máu trong võng mạc. Hiện tại, ông đang tập trung nghiên cứu về tế bào gốc để từ đó tìm hiểu nguyên nhân phát sinh của bệnh ung thư.

Năm 2004, TS Võ Văn Tới được ĐH Tufts (Mỹ) trao giải “Giáo sư giỏi nhất” về giảng dạy và định hướng cho trường. Cũng trong năm 2004, ông được nhận giải “Vinh danh nước Việt” lần đầu tiên do báo điện tử VietNamNet tổ chức.

TS Tới là người đã sáng lập ra chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh và giúp thành lập Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Tufts. Không chỉ vậy, ông đã cống hiến những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình để sáng lập mạng lưới các giáo sư người Việt tại các trường đại học Bắc Mỹ, xây dựng Hiệp hội Kỹ thuật Y sinh ảo của Việt Nam trong khoa Kỹ thuật Y sinh của Đại học Tufts.

TS Malcolm Gillis - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF - nhận xét: “Tiến sỹ Võ Văn Tới là một giáo sư xuất sắc trong ngành Kỹ thuật Y sinh và có nhiều tâm huyết cho sự phát triển khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học Việt Nam.

Với những hiểu biết sâu sắc của ông về văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam và Mỹ, tiến sỹ Tới là người có thể giúp VEF nâng cao năng lực về khoa học và công nghệ của Việt Nam, thông qua việc trao đổi giáo dục, giúp ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”.

MỚI - NÓNG