Kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham gia kỳ thi toán quốc tế:

Người tài cần được đối xử đặc biệt

GS Ngô Bảo Châu và một số thầy từng dạy hoặc dẫn đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế
GS Ngô Bảo Châu và một số thầy từng dạy hoặc dẫn đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế
TP - Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Toán Việt Nam học tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham gia kỳ thi toán học quốc tế IMO. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhiều đại biểu đồng ý rằng cần phải có những cách đặc biệt, tương xứng để đào tạo người tài cho đất nước.

Giá trị khích lệ

Tại buổi lễ, ngoài phần tôn vinh những cá nhân từng bước lên đỉnh vinh quanh trong cuộc chơi đỉnh cao dành cho học sinh phổ thông, tôn vinh các thế hệ nhà giáo và cán bộ lãnh đạo có những đóng góp to lớn trong lịch sử 40 năm Việt Nam tham gia IMO, các đại biểu dành một lượng lớn thời gian phân tích giá trị của việc tham gia kỳ thi mang lại cho đời sống giáo dục và cho xã hội.

GS Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành hai HCV liên tiếp trong hai kỳ IMO chia sẻ: “Thành tích của đoàn Việt Nam ở kỳ thi IMO năm đầu tiên và những năm tiếp theo là sự khích lệ vô cùng to lớn đối với các em học sinh chuyên toán lớp dưới và tôi không phải là một ngoại lệ.

Khi còn học phổ thông, tôi luôn được nghe về các anh Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Lê Bá Khánh Trình, Đàm Thanh Sơn… như những tấm gương sáng trong học tập, là hướng mà mình phải phấn đấu. Việc những người đi trước làm tấm gương cho người đi sau vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay”.

“Nhưng nếu như các bạn trẻ cần quên ngay tấm huy chương vừa nhận được, thì các nhà quản lý lại đừng bao giờ quên tấm huy chương đó, vì nếu biết đầu tư đúng lúc, từ những tấm huy chương Olympic, xã hội có thể có những tài năng thực sự, những người mang lại lợi ích lớn lao cho nước nhà”.

GS Hà Huy Khoái

Theo GS Ngô Bảo Châu, kỷ niệm 40 năm IMO là một dịp rất tốt để chúng ta công nhận công lao của những người đi trước như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, GS Hoàng Tụy, GS Phan Đức Chính, nhà giáo Lê Hải Châu.v.v…

Đây cũng là một dịp để chúng ta nhận ra rằng nhờ có “gia đình chung” là mái trường chuyên toán mà trong cộng đồng toán học Việt Nam có sự hiện diện của tình bằng hữu, tình yêu thương. “Nhưng yêu thương, bằng hữu không đủ. Chúng ta phải luôn là tấm gương để thế hệ sau soi vào, như chúng ta đã từng soi vào tấm gương của thế hệ đi trước”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Cũng theo GS Ngô Bảo Châu, dẫu không thể quên được những cố gắng thầm lặng bền bỉ trong nghiên cứu, ứng dụng của toán học Việt Nam nhưng vẫn phải thấy rằng hệ chuyên toán thực sự là nguồn sinh lực của toán học Việt Nam.

Nói về sự “thay da đổi thịt” của toán học Việt Nam hôm nay so với thời điểm 4 - 5 năm trở về trước, GS Châu nhắc lại cơ duyên để năm 2010 Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển toán học Việt Nam đến năm 2020: Vì năm 2007, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức IMO nên mới có sự kiện quy tụ được hầu hết các cựu thành viên IMO, để từ đó có cuộc trao đổi chân tình với ông Nguyễn Thiện Nhân - lúc đó là Phó Thủ tướng - về tương lai của toán học Việt Nam, và nhờ vậy, mới có đề án này.

Không nước nào coi nhẹ IMO

GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho rằng, những thành tích xuất sắc tại IMO của Việt Nam 40 năm qua không phải ngẫu nhiên, cũng không phải chỉ do “luyện gà chọi”, mà có nguyên nhân từ trí tuệ Việt Nam, từ giáo dục đỉnh cao, từ truyền thống hơn nửa thế kỷ qua và sự chuẩn bị công phu, đào tạo, thi tuyển học sinh giỏi toán các cấp trong cả nước. GS Nhung cho rằng không chỉ Việt Nam mà hầu như các nước đều coi trọng cuộc thi IMO.

“Ở nhiều nước, khi đăng cai IMO, tham gia Ủy ban Tổ chức thường có Tổng thống, Thủ tướng hoặc Chủ tịch Quốc hội và tất nhiên có Bộ trưởng GD&ĐT. Nhiều hoàng tử, công chúa đã tham gia các buổi trao giải. Tại IMO được tổ chức ở Mỹ, Tổng thống Bush không đến dự trực tiếp được nhưng đã đọc lời chào mừng từ xa qua màn hình. Bởi vậy, không thể nói như một số người là chỉ ở nước ta, người ta mới quá quan tâm đến IMO”, GS Nhung nhận xét.

GS Hà Huy Khoái cũng cho rằng, việc có những cách đặc biệt để đào luyện những người tài là điều hiển nhiên, đặc biệt khi xét từ góc độ sư phạm thì điều lý tưởng là mỗi cá thể đều cần phương pháp giảng dạy riêng thích hợp. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để sau những thành tích xuất sắc ở cuộc chơi đỉnh cao dành cho học sinh phổ thông, chúng ta thật sự có những tài năng khoa học và ở các lĩnh vực đời sống - xã hội?

GS Khoái ví von trong cuộc chạy marathon đến đỉnh cao khoa học thì những tấm huy chương vàng IMO mới là sự ghi nhận thành công của một kilomet đầu tiên. Vì thế, với các học sinh đoạt huy chương ở IMO thì các em nên nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, chứ không phải như một thành công trong cuộc đời.

Còn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ góc nhìn lạc quan về tương lai toán học Việt Nam, khi mà từ hệ thống trường chuyên chúng ta gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi IMO, hiện nay lại có chương trình trọng điểm phát triển toán học và thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán: “Ba công đoạn này giờ đây được kết nối với nhau, chuẩn bị có hệ thống và đó là điều kiện hết sức quan trọng, có tính bền vững cho phát triển toán học Việt Nam”.

MỚI - NÓNG