Nhà nghiên cứu giáo dục nói gì việc giáo sư mặc quần đùi, áo rách giảng bài

GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi nói chuyện gây tranh cãi trên mạng
GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi nói chuyện gây tranh cãi trên mạng
TPO - Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng tại sao lại quan tâm đến việc người ta mặc gì. Phẩm giá, năng lực của giáo sư không nên đánh giá qua cái quần đùi.

Mấy ngày qua dân mạng “dậy sóng” hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP HCM mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên.

Thông tin nhanh chóng gây ra luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội với người ủng hộ, người phản đối khi cho rằng, cách ăn mặc này không phù hợp môi trường giáo dục.

Nhà nghiên cứu giáo dục nói gì việc giáo sư mặc quần đùi, áo rách giảng bài ảnh 1 GS Thành mặc áo may ô, quần đùi trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24/4.
Sao lại đi quan tâm đến người ta mặc gì?

Đề cập cách ăn mặc của Giáo sư Trương Nguyện Thành, Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc)  nêu quan điểm, cá nhân ông chấp nhận chuyện GS Thành ăn mặc thế để giảng dạy và thấy đó là bình thường.

“Tại sao lại quan tâm đến ông ấy mặc gì, người ngồi nghe GS giảng thấy chấp nhận được thì là được còn người ngoài xem rồi phàn nàn để làm gì”- Ông Phạm Hiệp quan điểm.

Cũng theo ông Hiệp, không nên vì chuyện ăn mặc của GS để nâng quan điểm, đánh giá đạo đức của người thầy làm gì và càng không nên khái quát thành quy chế.

Còn về việc hình ảnh GS mặc áo may ô, quần đùi là minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo thì đó cũng có thể coi là một kỹ thuật trong giảng dạy: “Về nguyên tắc, giảng dạy không chỉ bằng văn bản, lời nói mà có nhiều cách, trong đó trang phục minh họa cũng là một cách”- ông Hiệp cho biết thêm.

“Tôi thấy lạ với cách phản ứng với GS. Cá nhân tôi không làm như GS.  Chúng ta nên phân biệt cái nào là cái riêng, cái nào là cái chung. Cái đáng nói thì chúng ta không nói, lại đi quan tâm về việc người ta ăn mặc gì. Tôi thấy các cô mặc váy cũng hở như GS mặc quần đùi, áo may ô hôm đó đấy. Nếu phản đối GS mặc như vậy thì theo tôi nên phản đối luôn việc phụ nữ mặc váy đi”- ông Phạm Hiệp khẳng định.

Nhiều giáo sư trên thế giới mặc lòe loẹt

TS Đỗ Văn Đăng, đang làm sau Tiến sĩ tại ĐH Phủ Osaka (Nhật Bản) cho rằng, ở Nhật Bản các giáo sư về cơ bản vẫn ăn mặc chuẩn nhưng không bắt buộc về chuyện ăn mặc.

“Thỉnh thoảng có giáo sư Nhật cũng vậy, ăn mặc phá cách. Trường tôi cũng có 1-2 thầy free Style, Quần áo loè loẹt. Tôi thì thích free Style nhưng nên mặc lịch sự sẽ tôn trọng người đối diện và tôn trọng mình “- TS Đăng nói.

TS Đăng cũng cho rằng, về mặt tự do cá nhân không vấn đề nhưng đó là thể hiện sự tôn trọng người đối diện.

Còn Ths Lê Thu Lý (Sydney, Úc) cho rằng, GS ở trường bà trước cũng không có ai mặc như vậy khi giảng bài.

Tuy nhiên, Ths Lý cũng đưa ra quan điểm qua hình thức bề ngoài không thể nào đánh giá hết được một con người.

“Cần phải xem GS Trương Nguyện Thành mặc quần áo đó trong hoàn cảnh nào, mục đích hướng đến là gì rồi phán xét”- bà Lý cho hay.

Bộ GD&ĐT yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi giảng dạy

Trả lời VOV ngày 25/4, nhà giáo Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 16 về đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên, đạo đức nghề nghiệp; quy định dành cho Giáo sư (GS), Phó Giáo sư.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên. Theo đó, nhà trường phải xác minh xem Giáo sư Trương Nguyện Thành ngồi ở đâu, có mặc quần áo như phản ánh hay không trước khi có kết luận chính thức.

Tuy nhiên, sáng 26/4, Phóng viên Tiền Phong gọi cho ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) để xác minh thông tin trên nhưng chưa có câu trả lời.

MỚI - NÓNG