Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn kì thi THPT Quốc gia 2016

Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn kì thi THPT Quốc gia 2016
TPO - Đề thi có cấu trúc tương tự như năm 2015. Đề có kiến thức tương đối cơ bản, không quá khó đối với học sinh. Phạm vi kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình ngữ văn 12. Tuy nhiên học sinh vẫn phải nắm chắc kỹ năng làm văn từ lớp 11 mới có thể giải quyết tốt đề thi này.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường – Giáo viên Ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI

Đề thi đảm bảo mục tiêu lấy kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, không đánh đố học sinh, phân hóa tốt. Các câu phân hóa tập trung ở câu số 3 và câu 7 của đọc hiểu, câu 2 của phần làm văn. Trong đó, câu 2 của làm văn đòi hỏi học sinh phải có quan điểm, suy nghĩ riêng thì mới làm tốt được. 

Với đề thi này, phổ điểm phổ biến sẽ nằm trong khoảng 6-7 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt được 8 – 9 điểm, số học sinh đạt trên 9 điểm sẽ hiếm.

TS. Trịnh Thu Tuyết: Đề vừa sức với học sinh nói chung, phổ điểm có thể từ 6-7,5. Yêu cầu sáng rõ, minh bạch, không đánh đố hay lắt léo! Kiểm tra được kiến thức và kĩ năng cơ bản các em đã được cung cấp trong cấp học phổ thông! 

Nội dung kiểm tra kiến thức và kĩ năng không mới, nhưng các câu hỏi đọc hiểu và NLXH đã khơi sâu hơn mạch nguồn những xúc cảm thẩm mĩ và giá trị nhân văn cho người viết, đề cập được những vấn đề vừa muôn đời, vừa mang tính thời sự về cách sống trung thực, bản lĩnh, sự hoà nhập, sẻ chia trong cộng đồng xã hội! Câu NLVH kiểm tra kiến thức cơ bản, trọng tâm của tác phẩm đồng thời vẫn khơi gợi những khát vọng Vĩnh hằng của con người trong cuộc sống!

Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương – Giáo viên trường THPT Quốc tế Newton

Đề thi môn Ngữ văn hay, vừa sức và có tính phân loại cao. Nội dung kiến thức và kỹ năng phù hợp, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản của chương trình vừa cập được những hiểu biết cần thiết trong cuộc sống hiện đại.

Hiểu biết tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ dân tộc nói chung luôn là điều cần thiết đối với học sinh và đó cũng là nhiệm quan trọng của giáo dục. Bên cạnh đó vấn đề cuộc sống trong mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, vấn đề thái độ ứng xử hèn nhát hay có dũng khí cũng là điều không thể thiếu trong việc định hướng nhân cách cho con người. 

Phần đọc hiểu không đánh đố học sinh, nắm chắc các kiến thức tập làm văn và tiếng Việt như: chủ đề của đoạn văn biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phát hiện từ ngữ và hình ảnh thơ tiêu biểu…học sinh đã có thể đạt được ½ số điểm.

 Phần nghị luận xã hội câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, vấn đề không quá mới những đầy tính thực tiễn và cách hỏi vẫn tạo được hứng thú cũng như có định hướng cho người làm bài. Phần nghị luận văn học hỏi về tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt – một vấn đề khá gần gũi với học sinh nhưng cách hỏi theo kiểu đưa ra ý kiến nhận định lại có thể làm mới câu hỏi và yêu cầu ở học sinh kĩ năng xử lí đề tốt.

 Đề có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường ĐH, CĐ… Như vậy đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2016

MỚI - NÓNG