Nhập nhèm Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhập nhèm Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu
TP - Gần đây, trên báo địa phương, bạn đọc liên tục thấy các quảng cáo chiêu sinh của “ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu” (BR-VT). Tên trường không rõ ràng gây nhiều thắc mắc cho những người có nhu cầu đào tạo.
Nhập nhèm Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 1
Các cơ sở của Trường ĐH tư thục BR-VT đồng loạt treo bảng hiệu ĐH BR-VT gây nhầm lẫn đây là trường công lập

Các bảng hiệu tên trường đặt tại số 80 Trương Công Định, TP Vũng Tàu và các bảng hiệu quảng cáo ở nhiều địa điểm khác cũng với tên gọi ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu. Vậy “Đại học BR-VT” là trường công lập, dân lập hay tư thục?

Thậm chí mới đây trong một số dịp lễ hội, quan chức ở trường này được giới thiệu các chức danh như Chủ tịch HĐQT Đại học BR-VT, hay Hiệu trưởng ĐH BR-VT... Tại sao lại có sự nhập nhèm như vậy?

Theo Quyết định số 27/2006/QĐ-TTg ngày 27/1/2006 của Thủ tướng  thì trường Đại học tư thục BR-VT được phép thành lập và hoạt động theo cơ chế và tổ chức trường đại học tư thục. (Đây là trường ĐH do một nhóm tư nhân ở BR-VT đứng ra thành lập, trong nhóm này có nhiều người là quan chức địa phương).

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường bán công, tư thục, dân lập phải ghi rõ loại hình để tránh nhầm lẫn. Quyết định số 153/2003/ QĐ- TTG ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường ĐH, Điều 3 nguyên tắc đặt tên trường ghi rõ: Tên của trường ĐH bao gồm các cụm từ sau đây:

a) Cụm từ xác định loại trường: Đại học, trường đại học, học viện;

b) Cụm từ xác định loại hình trường nếu là bán công, dân lập hoặc tư thục”.

Báo Tiền phong số ra ngày 15/12/2005 có bài Bà Rịa- Vũng Tàu: Bán rẻ tài sản nhà nước cho trường ĐH “quan lập”.

Bài báo phản ánh một nhóm tư nhân  trong đó có nhiều người  là quan chức đứng ra thành lập Đại học  tư thục BR-VT. Theo điều 48 Luật GD “Nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân” tuy nhiên  trường tư thục của những quan chức trên lại được ưu ái lấy  cơ sở 80 Trương Công Định của Trường cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) làm cơ sở của mình trong khi CĐCĐ đang thiếu trầm trọng số chỗ ngồi cho SV và phòng làm việc cho GV.

Một điều khiến dư luận bất bình là cơ sở 80 Trương Công Định trị giá khoảng trên 20 tỷ đồng  được trường tư thục “quan lập” này mua  với giá 1,454 tỷ đồng. Trường còn được cấp không 2.369m2 đất trị giá khoảng trên 20 tỷ đồng ở đường Nguyễn Tri Phương khu Trung tâm Thương mại P7, TP Vũng Tàu và 10,8 ha đất trị giá gần 20 tỷ đồng trên đường 3/2 (phường 11, TP Vũng Tàu).

Như vậy việc đặt tên trường Đại học tư thục BR-VT là “Đại học BR-VT” là sai quy định của pháp luật, gây nhầm lẫn cho nhiều người.

Được biết, trước khi có quyết định thành lập trường Đại học tư thục BR-VT, những người quản lý và điều hành ở đây đã cho trưng biển “Đại học dân lập BR-VT”.

Sau khi có QĐ thành lập ĐH tư thục BR-VT họ đã thay biển hiệu “ĐH dân lập BR-VT” bằng biển hiệu “Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu” và liên tục quảng cáo chiêu sinh trên phương tiện thông tin đại chúng với tên gọi trên.

Những nhà quản lý giáo dục ở BR-VT họ có biết việc vi phạm này không? Phó chủ tịch HĐQT của Đại học tư thục BR-VT là bà Nguyễn Thị Chim Lang đang giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục BR-VT; bà Trần Thị Yến, PGĐ Sở Giáo dục BR-VT cũng là ủy viên HĐ QT của ĐH này.

Họ không thể không biết, mà là đã làm ngơ, thậm chí là cố tình vi phạm những quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý giáo dục.

Họ là những quan chức của ngành giáo dục địa phương nhưng lại đứng ra thành lập trường tư thục và phớt lờ những quy định của pháp lệnh về cán bộ, công chức, cũng như vi phạm quy định của nhà nước về quản lý giáo dục, “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Vậy ai sẽ thổi còi họ để mang lại kỷ cương luật pháp?

MỚI - NÓNG