Loạn đào tạo y dược và hệ lụy

Nhiều sự cố y khoa từ sai sót chuyên môn

Tính mạng bệnh nhân nằm trong tay nghề và y đức của nhân viên y tế. Ảnh: Quốc Ngọc
Tính mạng bệnh nhân nằm trong tay nghề và y đức của nhân viên y tế. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Nhiều sự cố y khoa gần đây được cho là liên quan sai sót chuyên môn. Đó là lý do vì sao xã hội đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo và thực hành lâm sàng trong các trường mới được cấp phép mở ngành.

Đánh đu trên sức khỏe người bệnh

Một trong những vụ mới nhất là trường hợp tử vong của hai mẹ con sản phụ Võ Thị Duyên (33 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Chiều 30/11, hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kết luận nguyên nhân gây ra cái chết cho em bé sơ sinh là ngạt trong tử cung, còn chị Duyên chết do thuyên tắc ối.

Ngày 17/11, chị Duyên chuyển dạ, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ. Gia đình choáng váng khi bác sĩ thông báo em bé tử vong do ngộp thở. Chừng một giờ sau, bệnh viện tiếp tục thông báo chị Duyên cũng đã qua đời. Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh, bác sĩ đã không tiên lượng được thai nhi quá lớn, nên khi sinh, em bé bị kẹt vai và chết ngộp. Cháu bé tử vong do sai sót chuyên môn nhưng bác sĩ được cho là không tắc trách về quy trình hay thái độ phục vụ nên sở chỉ đạo rút kinh nghiệm, hạ bậc thi đua đối với kíp trực.

Rất nhiều người bệnh cho rằng, những sai sót chuyên môn có phần lỗi của đội ngũ y bác sĩ do họ không được đào tạo bài bản. Vụ việc xảy ra ở Đồng Nai mới đây cho thấy điều đó. Chiều 19/11, bé trai N.K.N. (26 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu. Bác sĩ siêu âm rồi chẩn đoán bé bị u vùng bẹn thành “thoát vị vùng bẹn” và chỉ định mổ. Khi mở ổ bụng cháu, các bác sĩ “té ngửa” nguyên nhân thật sự gây các triệu chứng sốt, đau gần bẹn không phải là sa ruột như chẩn đoán trước đó mà là do một khối áp xe chứa dịch mủ kích thước khoảng 2x3cm ở vùng bẹn.

Một trường hợp khác, ngày 25/9, ông Trần Quang Cẩm (48 tuổi, ngụ Hội An, Quảng Nam) tử vong vì nhiễm trùng máu. Vài ngày trước, ông Cẩm vào Bệnh viện đa khoa Hội An phẫu thuật u nhỏ ở chân. Đến ngày 21/9, ông sốt cao, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc lao phổi và đề nghị chuyển lên Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch (huyện Tam Kỳ, Quảng Nam). Tuy nhiên, bệnh viện này lại nói ông Cẩm bị nhiễm trùng máu từ vết thương ở chân vừa phẫu thuật nên tiếp tục đưa lên tuyến trên để điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam. Sau đó, ngày 25/9, bệnh nhân tử vong.

Ngay tại TPHCM cũng có chuyện “bác sĩ nói viêm họng, nhưng sau đó trẻ lại tử vong do… bệnh tay chân miệng”. Đó là trường hợp bé gái 8 tháng tuổi của chị Trần Thị Vân (34 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). Ngày 20/9/2014, sau ba ngày bé sốt cao không hạ, người nhà đưa bé vào khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp rồi cho về nhà. Chỉ hơn 6 tiếng sau, cháu bé đã qua đời trong sự đau đớn của gia đình, hàng xóm. Bệnh viện Nhi đồng 2 sau đó đã nhận một phần trách nhiệm đối với ca này.

Đào tạo chưa tới nơi, tới chốn

Một thực tế là nhiều năm qua, đầu vào đào tạo ngành y, dược có sự chênh lệch lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập. Một giáo sư đầu ngành y đã giật mình khi nghe tin đầu vào ngành y một trường ngoài công lập chỉ lấy 15 điểm. Theo giáo sư này, sau này ra trường, sinh viên cũng được tiếng là bác sỹ là việc làm rất nguy hiểm.

Tương tự, việc vào học các ngành, khối ngành sức khỏe càng dễ dàng hơn ở hệ trung cấp, cao đẳng khi chỉ cần đủ điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT là nhận hồ sơ nhập học. Đặc biệt, ở hệ trung cấp, nhiều trường nhận học sinh chỉ cần tốt nghiệp lớp 9,  học 3 năm; học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 học 2 năm; học sinh chưa được công nhận tốt nghiệp THPT (trượt tốt nghiệp lớp 12) học 2 năm + 3 tháng…

Nhân viên tư vấn của một trường trung cấp nói nếu học sinh chưa muốn đi làm thì có thể học liên thông lên CĐ hoặc ĐH ngay tại trường. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề trường đã liên kết với nơi nào chưa thì nhân viên tư vấn này nói: “Hiện nay chúng tôi đang làm việc với một số trường và đang xin chỉ tiêu như ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Thái Bình…”. Cũng theo người này: “Cái khó là xin chỉ tiêu chứ còn giảng viên thì không lo, vì không mời được người này thì người khác dạy”.

Trao đổi với PV, PGS Đặng Vạn Phước, hiệu trưởng Khoa Y, thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng, đào tạo ngành y là một trong những ngành nghề khó nhất vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì thế, người học ngành y trước hết là phải giỏi, hiểu biết rộng, có đạo đức nên đầu vào cần phải thắt chặt. Ông Phước lấy ví dụ, ở một số nước, sau khi chọn được đầu vào cao, quá trình đào tạo ngành y dược cũng phải đáp ứng được nhiều yếu tố như học đầy đủ chương trình, cơ sở vật chất tốt, hiện đại, thực tập phải đúng chuyên môn… “Bên cạnh đó, họ còn có một bài kiểm tra đối với sinh viên mới vào trường để xem người học có phù hợp với ngành y hay không bởi có nhiều em vào ngành y chủ yếu vì thu nhập hoặc vì gia đình ép buộc…”, ông Phước nói.    

Năm 2015, ĐH Y Dược TPHCM lấy điểm trúng tuyển là 28 đối với ngành Bác sĩ đa khoa; 27,25 điểm với ngành Răng- Hàm- Mặt, Dược sĩ 26 điểm… Trong khi đó, ở các trường ngoài công lập, mức điểm nhận hồ sơ đối với ngành Dược sĩ chỉ từ 18- 19 điểm, thậm chí có nhiều trường chỉ lấy thí sinh bằng điểm sàn (15 điểm).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.