Nhiều trường ĐH thi môn năng khiếu

Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Năm nay, nhiều trường khác dự kiến cũng sẽ thi năng khiếu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Năm nay, nhiều trường khác dự kiến cũng sẽ thi năng khiếu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong năm 2015, việc tuyển sinh vào các ngành năng khiếu của các trường ĐH và CĐ có nhiều chuyển biến đáng lưu ý. Thậm chí, có trường trước đây không thi, nay cũng xem năng khiếu là tiêu chí quan trọng trong xét tuyển.

Có thể thi môn nặn tượng để vào Trường ĐH Y Dược

Điểm mới nhất trong phương án tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Y Dược TP.HCM là bổ sung môn thi năng khiếu cho ngành kỹ thuật phục hình răng.

Cụ thể, 100 thí sinh sẽ được chọn ra qua vòng sơ tuyển dựa vào kết quả 3 môn toán, hóa, sinh trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tham dự kỳ thi năng khiếu để chọn ra 20 người trúng tuyển.

Lý giải điều này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết kỳ thi này sẽ kiểm tra các thủ thuật liên quan đến phục hình răng. Thực tế, có những sinh viên giỏi nhưng không đáp ứng được kỹ năng khéo léo cần có của công việc này.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết một trong các phương án dự kiến mà hội đồng tuyển sinh trường đang xem xét là có khả năng thí sinh sẽ dự thi môn nặn tượng.

Theo một tượng mẫu và bột thạch cao sẵn có, thí sinh sẽ tự tạo ra một tượng giống tượng mẫu. Qua đó, thí sinh sẽ thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo mà một cử nhân kỹ thuật phục hình răng cần có.

Điều chỉnh cách thức thi

Cùng với sự thay đổi trong xác định chuyên ngành, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã điều chỉnh cách thức thi năng khiếu vào ngành quản lý văn hóa. Trước đó, ngành này có nhiều chuyên ngành khác nhau gồm: quản lý hoạt động âm nhạc, sân khấu, tổ chức sự kiện, biên tập và dẫn chương trình…

Thí sinh phải lựa chọn từ đầu các nội dung thi năng khiếu của từng chuyên ngành cụ thể. Nhưng nay các chuyên ngành này được gom chung thành chuyên ngành tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, phần thi năng khiếu cũng thay đổi.

Theo thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Trưởng khoa Quản lý văn hóa - nghệ thuật, chuyên ngành này sẽ xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia hai môn văn hóa, trong đó môn văn bắt buộc và có thể chọn lựa một trong các môn còn lại gồm: toán, sử, tiếng Anh, địa.

Thí sinh dự thi môn năng khiếu với hai nội dung: trình diễn tiết mục nghệ thuật tự chọn (tối đa 7 phút), trả lời câu hỏi về kiến thức văn hóa, xã hội và nghệ thuật (tối đa 5 phút).

Thạc sĩ Khoa nhấn mạnh: “Thay vì dự thi từng môn phù hợp với từng chuyên ngành như trước, nay thí sinh được lựa chọn một trong các tiết mục: hát, đàn, múa, diễn kịch, vẽ và thuyết trình.

Phần trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp của hội đồng giám khảo có thể về kiến thức nền văn hóa xã hội và nghệ thuật, nhưng cũng có thể về chính tác phẩm mà thí sinh vừa dự thi”.

Giảm từ 8 giờ xuống 5 giờ là thay đổi quan trọng nhất trong phần thi năng khiếu của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2015. Thạc sĩ Vũ Đăng Rung, quyền Trưởng phòng Đào tạo, cho biết thay đổi đầu tiên thuộc về môn văn.

Năm nay trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia thay vì xét tuyển điểm trung bình học bạ môn này. Thí sinh có điểm môn văn từ 5 trở lên mới đủ điều kiện dự thi môn năng khiếu dự kiến bắt đầu vào ngày 12/7.

Trường quyết định rút ngắn thời gian làm bài thi môn bố cục và trang trí xuống còn 5 giờ (thay vì 8 giờ thi liên tục như trước đây).

“Điều này sẽ tránh kéo dài thời gian thi gây áp lực cho thí sinh. Nội dung thi không đổi nhưng đề thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với bài thi ngắn hơn”, thạc sĩ Rung nhấn mạnh.

Bớt môn văn hóa, tăng năng khiếu

Trong khi đó, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết dự kiến năm 2015 trường này sẽ bỏ việc xét tuyển môn toán với ngành giáo dục mầm non.

Từ năm 2014 trở về trước, ngành này thi tuyển 3 môn toán, văn và năng khiếu. Nhưng năm nay, trường xét tuyển một môn văn hóa và 2 môn năng khiếu.

Hai môn năng khiếu tách ra thành hai cột điểm riêng biệt từ các phần trong môn thi năng khiếu trước đây gồm: hát nhạc, kể chuyện đọc diễn cảm (trong đó kể chuyện đọc diễn cảm điểm sẽ nhân hệ số 2).

Về môn văn hóa, thí sinh được lựa chọn một trong số 3 môn: văn, ngoại ngữ, lịch sử và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Cũng theo thạc sĩ Hạp, nội dung và cách thức thi hai ngành có xét tuyển môn năng khiếu (sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật) cơ bản như năm 2014.

Năm nay, Trường ĐH Văn Lang dự kiến sẽ tổ chức thi riêng các môn năng khiếu. Ngoài ra, trường vẫn tổ chức xét tuyển thí sinh đã dự thi môn năng khiếu ở 7 trường ĐH gồm: Kiến trúc TP.HCM, Kiến trúc Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, Nghệ thuật Huế, Mỹ thuật TP.HCM, Tôn Đức Thắng và Mỹ thuật công nghiệp.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo cho biết năm nay trường dự kiến mở rộng xét thêm thí sinh đã dự thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, bởi dự thảo quy chế đã cho phép trường xét tuyển thí sinh dự thi môn năng khiếu ở các trường tổ chức thi riêng.

Theo Hà Ánh
Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG