Siết tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh:

Nhiều trường xin hoãn vì lo bị đóng cửa

Không dồn sinh viên vào một số ngành quá đông mà trường không đủ năng lực đáp ứng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Không dồn sinh viên vào một số ngành quá đông mà trường không đủ năng lực đáp ứng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Bộ GD&ĐT vừa thảo luận về việc xác định lại tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng đã có những trường xin … hoãn thực hiện! Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 57 quy định về các tiêu chí để các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, quy định này đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nhiều trường đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh kiểu…trên trời.

Thả nổi chỉ tiêu?

Theo thông tư kể trên, một trường có thể xác định số lượng chỉ tiêu lớn nhất có thể đào tạo. Xác định chỉ tiêu của một trường chủ yếu dựa vào 2 tiêu chí: số lượng giảng viên trên 1 sinh viên và diện tích xây dựng trên 1 sinh viên. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, thông tư đã có nhiều bất hợp lý.

Theo một cán bộ tuyển sinh ĐH khu vực Hà Nội, có những trường, mặc dù đạt tổng thể nhưng có những ngành có tỷ lệ này không kiểm soát được. Ví dụ, tỷ lệ chung của trường đảm bảo 25 sinh viên trên 1 giảng viên nhưng trong nội bộ trường đó, ngành kinh tế có tỷ lệ tới 60 sinh viên/giảng viên trong khi, ngành khác có thể có số sinh viên rất lèo tèo. Ngoài ra, còn một thực tế khác là các trường đều đào tạo đa ngành, khiến cho ngành kinh tế, tài chính… thì đông, nhưng các ngành chính như nông nghiệp hay lâm nghiệp lại ít người học.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để ban hành một thông tư khác thay thế Thông tư 57. Dự kiến, sẽ có quy định riêng về tỷ lệ cho từng khối ngành như:  y- dược, khoa học-công nghệ, kinh tế - xã hội… theo nguyên tắc sẽ không dồn sinh viên vào một số ngành quá đông mà trường không có đủ năng lực đáp ứng.

“Tôi ví dụ, trường nào tuyển vượt trên 15% mới bị phạt hành chính khoảng mấy trăm nghìn đồng. Mấy trăm nghìn thì đáng bao, mấy triệu cũng chả sao!”.

Cán bộ tuyển sinh của một trường Đại học

Một yêu cầu cần sửa đổi khác đó là, thông tư cũ mới chỉ quy định theo giảng viên chính, giảng viên cơ hữu mà chưa tính đến các bộ phận phục vụ giảng dạy hoặc thỉnh giảng. “Trong khi đó, giáo dục càng phát triển thì càng phải sử dụng nhiều đến  giảng viên thỉnh giảng”, đại diện một trường ĐH tại Hà Nội nói.

Một cán bộ có trách nhiệm tham dự cuộc họp của Bộ GD&ĐT bàn về thông tư mới cho biết: Khi bộ đưa ra các tiêu chí mới nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo từng ngành như đã nói ở trên, một số trường kinh tế, ngành kinh tế sẽ có thể phải đóng cửa khi thông tư mới này được thực hiện vì thông tư dự thảo quy định: khối kinh tế và xã hội phải đảm bảo 25 sinh viên/1 giảng viên; khối ngành kỹ thuật - công nghệ là 20/1 giảng viên…

Cũng theo vị cán bộ này, trước sức ép của dự thảo quy định mới và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không đáp ứng được điều kiện, đại diện lãnh đạo một số trường đã tìm mọi lý lẽ để xin hoãn thực hiện. Cụ thể đã xin hoãn thực thi tới 3 năm để đỡ... sốc và còn có cơ hội mỗi năm cắt giảm chỉ tiêu dần dần.  Đứng trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho hay là sẽ giảm chỉ tiêu trong tương lai chứ không tăng tràn lan.

Chế tài “trên giấy”, các trường đua nhau vượt rào

Một trong những điều khiến nhiều trường “vượt rào” trong tuyển sinh là chế tài, theo nghị định xử phạt còn quá nhẹ. “Tôi ví dụ, trường nào tuyển vượt trên 15% mới bị phạt hành chính khoảng mấy trăm nghìn đồng. Mấy trăm nghìn thì đáng bao, mấy triệu cũng chả sao!”, một cán bộ tuyển sinh miêu tả quan điểm của những trường sẵn sàng “vượt rào”.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Quan điểm của Bộ GD&ĐT không tăng chỉ tiêu để giữ chất lượng và thay đổi tiêu chí xác định tuyển sinh là cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi có quy định mới, Bộ GD&ĐT cần có một bộ phận kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo tiêu chí tuyển sinh của các trường một cách nghiêm minh, công khai, minh bạch và có chế tài xử phạt nặng hơn mới mong thông tư mới thành công.

MỚI - NÓNG