Những sinh viên đi... giật lùi

Những sinh viên đi... giật lùi
Một xóm trọ có hơn 10 SV ĐH thì trong đó có 4 bị đuổi, 3 bị dừng. Có trường ĐH dù đã cố gắng "khoan hồng" nhưng lượng SV "rơi rụng" vẫn chiếm đáng kể.

Thấy tôi đang ngồi trên bậc tam cấp, chị Th hộc tốc đạp xe vào hỏi: “Em có biết thằng H, em chị sao lại bị đuổi học không”. H là SV năm thứ 3, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Mẹ mất, bố ngoài 80, gia đình khó khăn nên các anh chị phải nghỉ học, chỉ còn H được ưu tiên. Nghĩ đến tương lai của em, chị Th đành chôn vùi tuổi xuân, cố ở vậy nuôi em nên người.

Nhưng sau 3 năm theo học, H “vác” ba lô trở về với "tấm bằng" bị kỷ luật. Gia đình, bạn bè không ai biết tại sao bị đuổi, chỉ biết từ ngày H về, miệng lúc nào cũng phì phèo thuốc lá và không ngày nào thiếu rượu. Sau vài tháng tạ lỗi với gia đình, H đành ngậm ngùi vào Nam làm thuê.

Một trường hợp khác là cô "sinh viên" N.T.H. Đến bây giờ gia đình  cũng không biết con gái mình đang học chính thức ở trường nào hay đang làm thuê ở đâu.

Lúc nhận giấy báo (cũng chẳng ai xác định được giấy báo giả hay thật) đậu vào một trường có tiếng ở Hà Nội, mẹ H vay ngân hàng 3 triệu cho con gái nhập học.

Nhưng sau 2 tuần, H gọi điện về gia đình thông báo vì sức khoẻ không đủ nên trường chuyển đến trường khác. Hàng tháng, H vẫn nhận tiền gia đình gửi qua địa chỉ bà chủ nhà.

Gia đình cũng không biết H học gì. “Hôm trước, thấy nó đưa tới lịch khoa quản trị kinh doanh, Trường ĐH Hùng Vương về, chẳng biết thế nào”, anh trai H nói. Trong khi đó, H lại thi ĐH khối C.

Lô đề và điện tử +...

Để chứng minh việc mình bị dừng học là chuyện đương nhiên, N.C (ĐH Kinh tế) cho tôi hay: "chơi điện tử, lô đề nhiều, vì thế hàng ngày phải chạy tiền trả nợ, tiền chi tiêu hàng ngày. Còn thời gian đâu mà học. Mà có đến lớp thì... tâm hồn treo số lô, đề. Có người đưa lô đề tính cầu, nhẩm số, để tối về đánh".

Còn T.Q.V.từng là SV Trường ĐH Giao thông. Hồi còn học ĐH, V là tay đánh đề, nghiện thuốc vào loại hàng đầu, điển hình của những tay chơi điện tử, V không trừ trò nào.

Kỳ thứ nhất năm 1, V còn có tiếp học phí, nhưng điểm thi toàn 1 với 2, đến kỳ II, V nướng tiền học phí, tiền ăn vào lô để điện tử. “Đằng nào cũng thi lại” nghĩ thế,V lao vào các trò không chút rụt rè. 2 năm sau, V bị đuổi học. Về quê ôn thi lại 2 năm nhưng vẫn không đậu vì "ngựa quen đường cũ"...

Khảo sát ở các trường ĐH, thực trạng này luôn ở mức báo động.

Thư gửi gia đình: Đi đâu?

Đuổi học, dừng học, nhịn đói... là căn bệnh trầm kha của SV, nhưng một vấn đề đáng sợ hơn. Phần lớn các SV này rơi vào bệnh trầm cảm nghiêm trọng. Nhiều người, ức chế vì áp lực, dẫn đến tự tử. Nhiều SV bị đuổi không dám cho gia đình biết, sống vật vờ và dẫn đến tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.

Hàng năm, các trường ĐH thường gửi thư về chúc tết gia đình kèm với bảng điểm tổng kết, các khoản đóng góp. Thế nhưng, số thư đến tay phụ huynh chiếm tỷ lệ không nhiều (nhất là ở các tỉnh vùng xa).

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), cứ đến tết lại phát phong bì cho SV ghi địa chỉ gia đình. Thế nhưng "4 năm học ĐH, gia đình tôi chỉ nhận được duy nhất một lần vào năm 1” chị Nguyễn Thị Thu, có em đang học khoa Đông phương học cho hay.

Ở các trường tự nhiên, kỹ thuật, số lượng thư “đến” rất hiếm.

Nhiều gia đình không biết cách nào liên hệ với nhà trường với khoa nên chỉ biết ngồi lo.

“Thấy con cái nhà người ta bị đuổi, tôi lo lắm, gọi điện ra nhà trọ thì không gặp, bà chủ khó tính nên cũng không dám gọi nhiều. Nhà trường không biết gặp thế nào”. Ông Hoành, phụ huynh SV Cường (ĐH Kiến Trúc,HN) cho hay.

Nhiều SV vì sợ gia đình nên ghi “bừa” một địa chỉ không có thật. Nhà trường cứ thế theo địa chỉ ấy mà gửi đi, không cần biết thư có đến tay gia đình được hay không.

Ngoài nỗi lo tiền gửi bưu điện hàng tháng cho con, giờ đây các bậc phụ huynh lại mang nỗi ám ảnh sợ con không thể tốt nghiệp được.

Theo Dương Sinh
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.