Những việc cần làm sớm cho một kỳ thi chung

Thí sinh đang làm bài thi môn Toán tại hội đồng thi Học viện Ngân Hàng - Hà Nội kỳ thi năm 2014. Ảnh: Như Ý
Thí sinh đang làm bài thi môn Toán tại hội đồng thi Học viện Ngân Hàng - Hà Nội kỳ thi năm 2014. Ảnh: Như Ý
TP - Kỳ thi quốc gia với 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ là bước đổi mới đột phá, quan trọng và kịp thời. Tuy nhiên, để thành công, rất nhiều việc phải làm và cần làm sớm để có thể thông báo cho thí sinh kịp chuẩn bị.

Khi thực hiện kỳ thi này, ngành GD&ĐT có thể kế thừa thành tựu của nề nếp thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ba chung trong những năm qua nên chắc sẽ không có thay đổi đột ngột nào và không có gì ảnh hưởng lớn đến thí sinh và nề nếp thi cử.

Với những ĐH vùng có nhiều trường thành viên như ĐH Thái Nguyên, có ý kiến cho rằng sẽ gặp khó khăn; nhưng, mấy năm qua, ĐH Thái Nguyên được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng tự chủ tuyển sinh, có sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT và học bạ kết hợp với kiểm tra đánh giá đối với những ngành năng khiếu cũng như dùng kết quả ba chung… Đây là một mô hình tự chủ phát huy tác dụng rất tốt mà ngành GD&ĐT có thể áp dụng cho các ĐH đặc thù.

Đề thi với bốn mức độ

Với một kỳ thi 2 trong 1 như kỳ thi quốc gia, việc ra đề thi là rất quan trọng. Trong mấy năm trở lại đây, việc ra đề thi đã đạt được thành tựu đáng kể: cho ra phổ điểm rõ ràng, phân loại tốt…

Đặc biệt, đề thi năm 2014 được đánh giá cao ở chỗ đã thoát khỏi kiểm tra kiến thức thuần túy và tập trung vào đánh giá năng lực, tính sáng tạo, khả năng liên hệ thực tiễn của thí sinh.

Với kinh nghiệm như thế, hy vọng đề thi năm 2015 sẽ có phần đề dành cho đánh giá tốt nghiệp và phần đề đáp ứng việc xét tuyển. Theo đó, đề thi cần có những câu hỏi đánh giá, lựa chọn học sinh rõ ràng ở 4 mức độ khác nhau: đánh giá tốt nghiệp ở mức trung bình tối thiểu, mức vào ĐH tối thiểu, mức vào ĐH cho trường tốp 2 và mức đảm bảo tuyển chất lượng đầu vào với thí sinh học các trường năng khiếu, trường đào tạo tinh hoa.

Nhiều việc cần làm ngay

Trong 7-8 tháng, có rất nhiều việc phải làm ngay và làm gấp rút. Việc thứ nhất là sớm công bố các cụm thi để các trường, các địa phương có thể huy động đội ngũ, cơ sở vật chất. Việc này tưởng đơn giản nhưng sẽ phức tạp nếu xác định 3-4 đơn vị cùng phối hợp.

Trường ĐH, Sở GD&ĐT, UBND… ai là đơn vị chủ trì là câu hỏi lớn thứ nhất cần được giải đáp. Trong 3-4 đơn vị như thế, đơn vị nào tham gia với trách nhiệm đến đâu, thống nhất hành động chung thế nào… Tất cả đều phải được bàn thảo giữa các bên để phân công và chịu trách nhiệm. Ví dụ, hàng năm có khoảng 60.000-70.000 thí sinh thi ở cụm Thái Nguyên.

Trước đây, kỳ thi diễn ra 2 đợt, nay chỉ còn một đợt, thời gian thi lại dài hơn thì đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo. Việc thứ hai là, do kỳ thi là mới, quy chế của kỳ thi quốc gia cũng cần sớm hoàn thiện để giải đáp được những thắc mắc như: cụm thi ở địa phương có nghiêm túc như cụm thi do ĐH chủ trì không, trước đây trường nào tổ chức thi thì bù lỗ trường ấy, nay ai bù lỗ cho số thí sinh ảo…

Đặng Kim Vui
Giám đốc ĐH Thái Nguyên
MỚI - NÓNG