Nói chuyện với các sinh viên Hoa Kỳ

Nói chuyện với các sinh viên Hoa Kỳ
TP - Nhờ có nhiều người quen dạy trong các Đại học Hoa Kỳ nên tôi được giới thiệu đến tham quan và nói chuyện với sinh viên. Nơi tôi được mời nói chuyện đầu tiên là Đại học cộng đồng Consummes River College ở Sacramento - Thủ phủ của Tiểu bang California.
Nói chuyện với các sinh viên Hoa Kỳ ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân nói chuyện với SV Hoa Kỳ

Nhân Festival 2006 và kỷ niệm 700 năm (1306-2006) Thuận Hoá Phú Xuân, bạn yêu cầu tôi  nói về đề tài đó. Người nghe là thầy giáo và sinh viên  tiếng Việt.

Đề tài đã được các thầy giáo và sinh viên tìm hiểu trước. Tôi mới được nói chuyện một buổi nhưng chỉ được nói hơn ba mươi phút, thì giờ còn lại để giao lưu, trả lời những thắc mắc về lịch sử Huế của sinh viên Hoa Kỳ.

Tôi chọn kể một số mẩu chuyện nối với những di tích văn hoá lịch sử mà khách du lịch Mỹ đã từng tham quan. Bắt đầu là chuyện Công chúa Huyền Trân về Chiêm quốc (1306), kế đến sự ra đời của chùa Thiên Mụ (1601), Thủ Phủ Kim Long (1635), Kinh Thanh Huế.

Kinh thành Huế nhắc đến vua Gia Long Minh Mạng, đến chuyện ra đời của cầu Trường Tiền, khách sạn Morin, chuyện vua Bảo Đại trao ấn kiếm ở Ngọ Môn (1945), chuyện bom đạn Mỹ phá sập các cổng Kinh thành hồi tết Mậu Thân (1968). Những di tích nầy đều được minh họa bằng hình ảnh tôi mang theo trong Laptop. Người nghe rất thích thú. 

Tôi vừa nói xong, tiếng pháo tay vang lên và hàng chục cánh tay giơ lên hỏi. Nhiều câu hỏi tôi thường gặp, cũng có những câu hỏi rất bất ngờ. Ví dụ: Sinh viên Việt Nam bây giờ khác với sinh viên của thế hệ các thầy gần nửa thế kỷ trước ra sao?  Lương của sinh viên Việt Nam mới ra trường chỉ có một vài trăm USD mỗi tháng lấy tiền đâu để họ ăn chơi, sắm xe cộ, nhất là xe Honda sang trọng tốn kém đến vậy? 

Nhiều câu hỏi sinh viên đặt ra đã làm các thầy giáo lo cho tôi, họ sợ tôi không trả lời được hoặc trả lời ngụy biện làm mất uy tín với sinh viên. 

Tôi biết chuyện sẽ xảy ra như thế cho nên khi bắt đầu cuộc giao lưu tôi đã gài trước ý kiến: “Tôi là nhà nghiên cứu, đã viết nhiều sách về Huế, tuy nhiên không phải chuyện gì tôi cũng biết, chuyện gì cũng nhớ hết... cho nên sinh viên cứ hỏi thoải mái, câu nào tôi chưa trả lời ngay được tôi sẽ trả lời sau qua e-mail”.

Quả nhiên, sau buổi nói chuyện hai tuần, trong lúc đi chơi ở Trung tâm Nghiên cứu Không gian Nasa ở Houston, ngồi nghỉ trưa mở internet, tôi nhận được gần ba mươi câu của sinh viên Consummes River College do các thầy giáo tập hợp và dịch qua tiếng Việt.

Ở cuối những câu hỏi có ý kiến của người dịch gửi tôi “Nhiều sinh viên Hoa Kỳ rất thích diễn giả vì diễn giả biết nói - “I don’t know” (Tôi không biết). May mắn là tất cả những câu hỏi sinh viên chuyển đến tôi đều trả lời được cả và không phải dùng đến điều sinh viên rất thích tôi.

Trong lúc nói chuyện tôi có nhắc đến hồi những năm giữa thập niên sáu mươi tôi tham gia Phong trào đô thị chống Mỹ đòi hoà bình cho Việt Nam, sinh viên Đại học Berkely ở Hoa Kỳ đã bãi khoá ủng hộ chúng tôi.

Nghe thế, anh Đỗ Hữu Th - trên đường đưa tôi về San Jose, cho xe ghé tạt vô Đại học Berkely trong một vùng sát chân núi để cho tôi được thăm những giảng đường, những quảng trường mà thầy giáo và sinh viên Mỹ hội thảo, mít-tinh, biểu tình chống chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam.

Rất tiếc, chiều hôm đó hơi tối và trời mưa quá tôi không được tiếp xúc với một người cũ nào ở đây. Tôi đứng giữa quảng trường rộng mênh mông, nghe anh Th. kể chuyện tranh đấu cũ mà tưởng tượng đến những đêm không ngủ vì chiến tranh Việt Nam của sinh viên Đại học Berkely.

Bên tai tôi nghe âm vang đâu đây tiếng hô khẩu hiệu “Peace Now ! Peace Now” (Hòa bình ngay bây giơ!) của hàng ngàn sinh viên Mỹ. Trời lạnh mà tự nhiên tôi thấy ấm áp trong lòng.

Gần một tuần sau, ở Los Angeles, tôi lại được một người họ Đỗ  khác - anh Đỗ Hữu M., lái xe đón tôi ở chùa Việt Nam để vào thăm Đại học UCLA (University of California – Los Angeles) nơi M. đang làm việc. 

Cũng lại trời mưa. Trường Đại học UCLA trải rộng trên một diện tích gần bằng trung tâm thành phố Huế.  Riêng Parking (chỗ để xe hơi) của mỗi  khoa có thể để được bốn ngàn xe con. Mà trường UCLA có hàng chục khoa.

Trường Y khoa có riêng một Bệnh viện ở bên cạnh dành cho sinh viên thực tập. Để cho sinh viên khỏi mất thì giờ đi lại, có các tuyến xe Bus UCLA miễn phí chạy lòng vòng trong trường.

Anh Đỗ Hữu M. thu xếp cho tôi được gặp bà Barbara S.Gaerlan, Ph.D. -Phó Giám đốc TTNC Đông Á (East Asian Studies Depart - ment). Đúng 1h30 chiều bà Barbara tiếp tôi. Bà Barbara có lẽ là người Mỹ lai Nam Á, cao lớn nhưng gọn gàng. Bà giới thiệu những công trình nghiên cứu về Đông Nam Á của UCLA và nói rõ vị trí quan trọng của Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ. Bà hỏi về các công trình nghiên cứu Huế của tôi.

Tôi trình bày tóm tắt với bà 4 chuyên đề mà tôi chưa hoàn thành...

Bà cho biết 4 đề tài đó rất mới đối với Đại học UCLA và Trung tâm của bà. Bà gọi điện thoại và viết thư giới thiệu tôi với các giáo sư hiện đang nghiên cứu Việt Nam tại UCLA để họ giúp tôi. Bà bảo tôi:

- Nếu ông muốn, UCLA có thể giúp cho ông một cái phòng ở và một máy điện toán để nghiên cứu tại UCLA trong 6 tuần...

Tôi cám ơn bà. Sự thực thì tôi còn đâu thời gian nữa để trở lại UCLA nghiên cứu. Đây là một kỷ niệm đẹp trong giao tiếp Mỹ Việt mà thôi.

Sau chuyến tham quan các Đại học Hoa Kỳ, cái không khí học sôi nổi, hăm hở của sinh viên Hoa Kỳ thấm vào tôi... Tôi ước mơ sau khi Việt Nam làm thành viên thứ 150 của WTO, cái không khí học tập đó con cháu tôi sẽ được hưởng nhưng không phải ở Hoa Kỳ mà ở tại Việt Nam, tại Huế của tôi.

Gác Thọ Lộc, cuối đông 2006!

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân

MỚI - NÓNG