Nơi lo giảm, chỗ hứa hẹn tăng thí sinh

Nơi lo giảm, chỗ hứa hẹn tăng thí sinh
Tất cả các trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013. Theo đó, nhiều thay đổi về chủ trương tuyển sinh sẽ được áp dụng cụ thể theo đặc điểm từng trường.

Nơi lo giảm, chỗ hứa hẹn tăng thí sinh

> 41 chuyên ngành được tuyển sinh thạc sĩ trở lại
> 57 ngành không được đào tạo tiến sĩ

Tất cả các trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013. Theo đó, nhiều thay đổi về chủ trương tuyển sinh sẽ được áp dụng cụ thể theo đặc điểm từng trường.

Phụ huynh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn Trường đại học Kỹ thuật - hậu cần Công an nhân dân tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013. Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn Trường đại học Kỹ thuật - hậu cần Công an nhân dân tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013. Ảnh: Như Hùng.

Thay cho việc bổ sung khối A1 một cách rụt rè ở nhiều trường ĐH của năm 2012 khi lần đầu tiên bộ cho phép áp dụng tuyển sinh khối thi này thì năm 2013, rất nhiều trường đã mở rộng cánh cửa tuyển lựa thí sinh dự thi khối A1, tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề, trường học và tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh dự thi ba môn toán, vật lý, tiếng Anh.

Đột phá lớn nhất là hệ thống các trường ĐH, học viện khối ngành công an (trừ Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy) đều có tuyển sinh khối A1. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính dù năm 2013 mới thực hiện bổ sung khối A1, nhưng việc tuyển sinh khối thi này được áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo hiện có, trừ ngành ngôn ngữ Anh.

Kinh tế lo giảm thí sinh

Theo TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các trường ĐH có bề dày đào tạo về nhóm ngành kinh tế vẫn giữ chỉ tiêu như cũ.

Thực tế, chỉ tiêu đào tạo các ngành này ở những trường ĐH có truyền thống đào tạo lâu năm gần như không biến động. Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) vẫn giữ 4.500 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo và hai mã chương trình riêng.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ tiêu vẫn giữ ổn định qua các năm, năm nay nhà trường tuyển 4.000 chỉ tiêu. Trường ĐH Thương mại 4.100 chỉ tiêu, Học viện Tài chính 3.350 chỉ tiêu, Trường ĐH Tài chính - marketing 3.900 chỉ tiêu... Trong khi đó Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) đến giờ cuối giảm còn 1.250 chỉ tiêu (so với 1.700 chỉ tiêu của năm 2012).

Tuy nhiên, thông tin cắt giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế đang khiến nhiều thí sinh thấp thỏm lo cơ hội việc làm sau ra trường. Theo GS.TS Nguyễn Quang Dong - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, suy luận này hoàn toàn không có cơ sở.

“Với các trường kinh tế tốp trên, chủ trương này của bộ không gây bất cứ xáo trộn nào. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, dự kiến chất lượng thí sinh dự thi không thấp hơn năm trước và điểm chuẩn cũng sẽ không nhiều biến động”- GS Dong phân tích.

GS Dong cũng cho rằng có thể chất lượng thí sinh kinh tế không giảm, nhưng số lượng dự thi dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nhóm ngành công nghệ- kỹ thuật.

Khối khoa học xã hội: hứa hẹn nhiều thí sinh

Nhiều thay đổi về chủ trương tuyển sinh được áp dụng cụ thể theo đặc điểm từng trường. Năm 2012, Học viện Báo chí và tuyên truyền bổ sung tuyển sinh khối A nhằm tăng lượng thí sinh nam, tăng nhóm thí sinh có thiên hướng tư duy logic theo học các ngành khoa học xã hội.

Tuy nhiên, thực tế số lượng dự thi quá ít, không đủ bố trí phòng thi, lại phải tổ chức thêm cả một đợt thi, số trúng tuyển cũng chưa đến 10 người nên năm 2013 khối A lại bị loại khỏi kế hoạch tuyển sinh của trường.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), việc tuyển sinh khối A tiếp tục được áp dụng với khá nhiều ngành như báo chí, ngôn ngữ học, chính trị học, xã hội học...

Trong khi đó các trường đào tạo nhóm ngành khoa học xã hội, luật ở phía Nam vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh như năm ngoái. Cụ thể, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) 2.850 chỉ tiêu, Trường ĐH Luật TP.HCM 1.500 chỉ tiêu...

Tuy nhiên, tại các buổi tư vấn tuyển sinh, lượng thí sinh quan tâm tới nhóm ngành này tăng đột biến. “Nhóm ngành luật, khoa học xã hội đang có nhiều cơ hội việc làm nên thí sinh chuyển hướng quan tâm tới nhóm ngành này” - ThS Lê Văn Hiển, Trường ĐH Luật TP.HCM, nói.

Giảm chỉ tiêu bác sĩ đa khoa

Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Y dược TP.HCM là 1.610 (bậc ĐH 1.510 chỉ tiêu và bậc CĐ ngành dược sĩ 100 chỉ tiêu). Như vậy, tổng chỉ tiêu bậc ĐH của trường năm nay giảm 150 chỉ tiêu so với năm 2012.

Lý giải việc cắt giảm chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa, PGS.TS Lý Văn Xuân - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết năm nay chỉ tiêu ngoài ngân sách, hợp đồng đào tạo dành cho thí sinh các tỉnh Tây Nam bộ sẽ được tính riêng. Nhiều khả năng các địa phương Tây Nam bộ sẽ hợp đồng đào tạo ngành bác sĩ đa khoa, nếu vẫn giữ nguyên chỉ tiêu cộng thêm số chỉ tiêu này nhà trường không kham nổi.

“Hiện Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đang xin Bộ GD-ĐT, khi nào có thông tin chính thức nhà trường sẽ thông báo sau. Bộ giao bao nhiêu, nhà trường đào tạo bấy nhiêu. Có lẽ dự kiến điểm chuẩn tối thiểu cũng bằng năm trước. Đừng thấy đăng ký ít mà nghĩ điểm chuẩn thấp. Thí sinh liệu sức đạt điểm cao mới đăng ký vào” - GS Xuân nói.

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG