Nữ giảng viên “đa năng”

Nữ giảng viên “đa năng”
TP - Trong tập thể nữ cán bộ giảng dạy b ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS-TS Phạm Thị Ngọc Yến – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Đo và Tin học Công nghiệp, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA), là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Nữ giảng viên “đa năng” ảnh 1

Chị được nhiều người biết đến bởi tính năng động, sôi nổi trong hoạt động khoa học, lòng say mê, tâm huyết với lao động dạy học.

Chị bước chân vào trường đại học khi cuộc chống Mỹ cứu nước đã kết thúc. Sau khi tốt nghiệp và công tác tại ĐH BKHN một thời gian, chị được cử đào tạo bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ ở Pháp.

PGS-TS Phạm Thị Ngọc Yến tích cực tham gia các đề tài NCKH hợp tác quốc tế, đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ cho cả học viên người Việt Nam lẫn người nước ngoài, trong đó có 3 đề tài của ASIA – Link (liên kết các phòng thí nghiệm quốc tế đào tạo trình độ cao), 2 đề tài của Cộng đồng Pháp ngữ (AUF), 1 đề tài cấp Nhà nước phối hợp với Viện Công nghệ thông tin xử lý thông tin tiếng nói cùng nhiều đề tài cấp bộ và trường.

Trong năm học 2005 – 2006, chị đã viết 15 bài báo, trong đó có 5 bài được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Những hoạt động nghiên cứu khoa học sôi nổi trong lĩnh vực này của chị đã lôi cuốn các nhà khoa học nước ngoài tham gia.

Cùng với nghiên cứu khoa học, PGS-TS Phạm Thị Ngọc Yến rất say mê và tâm huyết với lao động dạy học. Đối tượng lên lớp của chị rất đa dạng: Sinh viên chính quy, sinh viên các lớp “Kỹ sư tài năng”, “Kỹ sư chất lượng cao”.

Chị phải lên lớp với 7 giáo trình khác nhau. Chị còn phải dành nhiều thời gian hướng dẫn học viên cao học làm luận án thạc sỹ, tiến sỹ.

Theo chị Yến, điều quan trọng nhất đối với người thầy là chữ “tâm”. Nếu thầy cô có tâm sáng, tấm lòng chân thành, hết lòng vì sinh viên, nhất định sẽ thuyết phục được sinh viên, lao động của người thầy nhất định đạt kết quả tốt.

Do chưa hiểu các môn học nên khi phân ngành, có đến 80, 90% sinh viên vào Khoa Điện muốn theo học ở các ngành Tự động hóa, Điều khiển tự động, Hệ thống điện,… mà không thích học ngành của chị.

Chị và các đồng nghiệp trong bộ môn phải làm tất cả những gì có thể để sinh viên hứng thú và yêu mến ngành học. Tất cả đều phải chứng minh bằng các giờ lên lớp, thực hành, những kiến thức truyền đạt cho họ và thực tiễn sau này ra công tác của sinh viên. Đến năm, thứ tư, thứ năm gần như 100% sinh viên ngành chị thấy yêu mến và gắn bó với ngành học.

MỚI - NÓNG