Nữ sinh chuyên 'thủ khoa'

Thanh Thủy (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) trong chuyến tình nguyện tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).
Thanh Thủy (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) trong chuyến tình nguyện tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).
TP - Hà Thanh Thủy, thủ khoa kép (vừa thủ khoa tuyển sinh đại học, vừa thủ khoa tốt nghiệp) Đại học Sư phạm Hà Nội gây ấn tượng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc, đứng đầu nhiều kỳ thi mà còn là một thủ lĩnh năng động trong các hoạt động Đoàn, Hội, từ thiện.

Thủ khoa “tài tử”

Khi được hỏi Thanh Thủy cười xòa: “Em không có bí quyết gì đặc biệt. Em thuộc dạng học hành khá “tài tử”, không quá coi trọng việc học sách vở hay “dùi mài kinh sử” trên thư viện. Em thấy trải nghiệm, học hỏi thực tế cuộc sống là một điều vô cùng thú vị và cần thiết. Vì thế, ngoài thời gian học trên giảng đường, em thường tranh thủ đi du lịch và tham gia các hoạt động từ thiện”.

Thủy học đều các môn, nổi trội nhất là môn văn. Từ lớp 6, Thanh Thủy học chuyên văn ở một trường huyện thuộc Lạc Thủy, Hòa Bình. Lên cấp 3, chiều theo ước muốn của bố mẹ, Thủy thi vào lớp chuyên hóa nhưng thiếu nửa điểm, nhưng cô bé lại đỗ thủ khoa lớp chuyên văn. Từ đó, Thủy gắn bó với môn văn như một cái duyên.

Năm lớp 12, Thủy xuất sắc giành giải Nhì Quốc gia môn văn. Với thành tích đó chỉ cần thi đại học đạt 14 điểm/3 môn là Thủy được lựa chọn trường học theo ý thích. “Khi biết kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia, tinh thần em khá thoải mái, không có ý định ôn thi đại học vất vả nữa mà nghỉ ngơi, xả hơi, chỉ cần thi đạt được chừng đó điểm thôi. Nhưng rồi thầy cô mắng “sao em dễ dàng bằng lòng thế, cứ nỗ lực học, thi xem kiến thức mình đến đâu, mình đang đứng ở đâu trong cuộc sống chứ”. Còn 2 tháng nữa đến ngày thi đại học, em lao vào ôn thi. Kết quả là thủ khoa đầu vào khối C, trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 28,5 điểm”, Thanh Thủy kể. Thủy tiếp tục thi vào lớp văn chất lượng cao của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với thành tích học tập xuất sắc và sự năng nổ của bản thân, Thanh Thủy được bầu làm lớp trưởng lớp văn chất lượng cao. 4 năm liên tục, Hà Thanh Thủy luôn chứng tỏ được vị trí “thủ lĩnh” của mình ở mọi phương diện, từ học tập đến hoạt động xã hội. Thủy tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, giành giải Nhì nghiệp vụ Sư phạm cấp khoa:  môn Giảng văn khối I, II năm học 2011 – 2012;  môn Sân khấu hóa năm học 2013 -2014; môn Thiết kế đồ dùng dạy học - ứng dụng công nghệ thông tin năm học 2014 – 2015. Điểm trung bình chung học tập toàn khóa đạt 3,77/4,0 điểm.

Trước khi biết kết quả tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, Thanh Thủy làm hồ sơ xin về giảng dạy tại trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội. Hồ sơ nộp được 1 tháng, Thủy nhận được sự đồng ý từ Ban giám hiệu nhà trường. “Đến thời điểm này, em đã có hơn 2 tháng làm một cô giáo dạy văn thực thụ của một trường chuyên. Tương lai đường dài không biết thế nào nhưng hiện tại em thấy làm cô giáo dạy văn thật thú vị. Mỗi một buổi dạy là một sự trải nghiệm để mình trưởng thành hơn”, Thanh Thủy tâm sự.

Trải nghiệm để sống nhân ái hơn

“Làm lớp trưởng lớp chuyên văn không hề đơn giản. Bởi lớp hầu hết chỉ có con gái, mỗi người một cá tính riêng. Làm vừa lòng tất cả mọi người rất khó”, Thủy bộc bạch. Để tạo sự đoàn kết, gắn bó và giúp các thành viên trong lớp có sự trải nghiệm thực tế sinh động, Thủy thường tổ chức những chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. Chuyến đi nhớ nhất của Thủy là chuyến tình nguyện mùa hè xanh kéo dài một tháng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) năm 2013. Hằng ngày, Thủy thức dậy từ lúc 4 rưỡi sáng cùng các bạn quét dọn, vệ sinh khuôn viên Trung tâm, rồi vệ sinh phòng ốc, nấu cơm, chăm sóc, kể chuyện cho các cô, chú thương binh.

“Hằng ngày, trò chuyện lắng nghe những câu chuyện, tâm tư của các cô chú thương binh em càng thấy thương, thấy lòng mình day dứt nhiều lắm. Có một chú thương binh bị cụt 2 chân, tuổi đời còn khá trẻ. Ở lứa tuổi đó, chú rất khát khao tình cảm, có được tổ ấm riêng cho mình. Chú ấy hiện cũng có người thương. Thi thoảng, “người ấy” có vào Trung tâm thăm chú. Nhưng chú đã không thể vượt qua sự mặc cảm tật nguyền của bản thân, sợ sự đàm tiếu dư luận. Nghe chú tâm sự, cảm nhận được sự đau đớn của chú khi phải che giấu nỗi niềm riêng, em mới thấm phần nào nỗi khổ của người lính sau chiến tranh”, Thanh Thủy bộc bạch.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Thanh Thủy vừa được tuyên dương là 1 trong 98 thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm 2015; được lựa chọn là 1 trong 10 thanh niên Thủ đô tiêu biểu tham gia diễu binh dịp 2/9 sắp tới.

MỚI - NÓNG