Ôn thi giai đoạn “nước rút”: Đừng lao vào những bài khó

Thủ khoa khối D năm 2016 - Nguyễn Thu Trang (bên phải)
Thủ khoa khối D năm 2016 - Nguyễn Thu Trang (bên phải)
TPO - Hơn 866.000 thí sinh trên cả nước sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ở giai đoạn "nước rút" này, theo nhiều giáo viên, ngoài kiến thức thì tâm lí thoải mái là yếu tố quan trọng quyết định việc đỗ hay trượt.

Năm nay, môn Toán lần đầu được Bộ GD&ĐT thực hiện dưới hình thức thi trắc nghiệm. Bài thi có 50 câu được làm trong 90 phút, tương ứng 1,8 phút cho mỗi câu. Cấu trúc đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, tạo thuận lợi cho thí sinh. 

Môn Toán: Hổng đâu, ghi nhớ lại ngay đến đó

Theo thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán của Hà Nội cho rằng, thay vì lao đầu vào bài khó, những câu vận dụng, vận dụng cao, hãy đọc lại kiến thức cũ, đọc lại vở ghi chép, đọc lại lời giải các đề mà mình đã ôn.

“Đọc lại toàn bộ kiến thức liên quan đến môn thi, hổng đâu, ghi nhớ lại ngay đến đó, đến chuyên đề nào, thấy câu hay, cần thử sức, lấy bút làm ngay và xem lại luôn cách giải nếu khó khăn”- Thầy Cường cho biết.

Với môn Toán học cần đọc kỹ lại từng chuyên đề nhỏ của các phần : Khảo sát hàm số và câu hỏi liên quan ; Loga mũ ; Tích phân ; Số phức ; Thể tích khối đa diện (đọc kỹ lí thuyết về khối đa diện, đa diện đều, mặt phẳng đối xứng, đỉnh cạnh mặt….) ; Thể tích các khối chóp, lăng trụ (theo các dạng) ; …

Cũng theo thầy Cường, sau khi đọc và ghi nhớ lại tàm tạm thì đọc những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao tương ứng của từng phần. Đặc biệt chú ý lại các câu hỏi về đọc đồ thị, công thức lãi ngân hàng, giá trị lớn nhất nhỏ nhất, ứng dụng tích phân tìm vận tốc, quãng đường, min max của số phức, ….

“Tóm lại là những câu vận dụng cao mình đã biết làm và hiểu cách làm, yêu thích. Cách thức ôn tập là : đọc chậm, tập trung trong khung thời gian chiều từ 14h-16h30 có bút trên tay để nháp lại. Nếu đã ổn định về mặt kiến thức thì mỗi môn lấy tạm một đề nào đó đã ôn ngồi tập trung thử làm lại để tạo tâm lí và thói quen thời gian khi thi đúng vào khung giờ thi của mình”- thầy Cường cho hay.

Ôn thi giai đoạn “nước rút”: Đừng lao vào những bài khó ảnh 1

Thủ khoa Ngô Vương Minh

Tư vấn về cách làm bài, thủ khoa Ngô Vương Minh- thủ khoa khối A, B cũng như thủ khoa ĐH  Y Hà Nội với 29,75 điểm (năm 2015) đã chia sẻ nhiều bí kíp để đạt điểm cao ở môn Toán.

Theo Vương Minh, năm nay là năm đầu tiên môn Toán đổi mới theo phương pháp trắc nghiệm, vì thế điều quan trọng nhất với thí sinh là cần chú ý rèn luyện tốc độ.

Môn Toán kiến thức chủ yếu rơi vào chương trình lớp 12, các em cần học thật kĩ phần hình không gian, phần ứng dụng tích phân và các bài toán ứng dụng đạo hàm, những dạng mà trước đây tự luận không xuất hiện thì bây giờ là vấn đề mới mẻ với trắc nghiệm, chú ý rèn luyện.

 “Khi ôn tập nên chia thành 2 mục lớn, vấn đề câu dễ ( 0 – 7 điểm) và câu khó ( 8 – 10 điểm) để tiến hành ôn luyện, đạt mục tiêu làm nhanh và chắc câu dễ, rèn tư duy qua tiếp xúc nhiều câu khó”- Minh chỉ dẫn.

Kiến thức thay đổi không nhiều, chỉ ở hình thức thi

Thủ khoa Ngô Vương Minh cho rằng, môn Toán phải tập trung học rộng cả lý thuyết lẫn bài tập, và phải học đều, kĩ từng trang SGK, không như ngày xưa tự luận có 10 câu rõ ràng về chủ đề thì bây giờ với 50 câu là khá bao quát.

“Các em cũng nên luyện nhiều đề, mình nhấn mạnh luyện đề để chúng ta có thể bình tĩnh, vào phòng thi hoàn toàn chủ động và không rơi vào trạng thái lo lắng. Làm đề để biết sức ta ở đâu, sai đâu sửa đấy”- Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Minh cũng chỉ ra, các em cần chú trọng học thêm các dạng về hình không gian( mặt nón, cầu,..), ứng dụng đạo hàm, tích phân, những câu hỏi thực tế về lãi xuất hay diện tích,.. những câu sẽ quyết định điểm 10 của chúng ta.

Thủ khoa  khối D chia sẻ bí quyết làm bài thi 

 Với tổng điểm 3 môn đạt 28,13 (Toán 9,25; Ngữ văn 9 và Tiếng Anh 9,88), Nguyễn Thu Trang (lớp 12A Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội) trở thành thí sinh có điểm thi khối D1 cao nhất cả nước năm 2016.

Nữ thủ khoa khối D1 cũng cho rằng, đối với môn Toán, Trang  học theo từng chuyên đề, học chắc một lần các chuyên đề phần 7 điểm đầu, tập trung vào 3 chuyên đề cho 3 điểm phân loại cuối.

 Ngoài ra, Trang cũng cho biết, với môn Toán cần làm thật nhiều bài tập theo các cách khác nhau. Trước khi thi, em đọc lại những bài khó không làm được.

“Môn Toán em cố gắng làm thật nhiều bài tập, nghĩ theo nhiều hướng khác nhau; Khi làm bài tập luyện tập, cố gắng nghĩ hết sức, đến bao giờ làm được thì thôi. Khi luyện đề sắp thi, giới hạn thời gian suy nghĩ. Ghi lại cách làm những bài mình không làm được, trước khi thi đọc lại”- Trang nhấn mạnh.

Nữ thủ khoa cũng cho biết, phải biết tận dụng tối đa chức năng của máy tính cầm tay Casio; Có đầy đủ đồ dùng học tập, chọn thước kẻ dài chính xác, compa xịn dễ quay, bút chì và tẩy loại tốt, bút bi/bi nước màu đẹp không nhòe.

Môn Ngữ Văn: Học theo sơ đồ tư duy

Với môn Văn, nữ thủ khoa Nguyễn Thu Trang học theo sơ đồ tư duy, từ kiến thức thầy cô cung cấp và tài liệu thu thập được, làm thành bài phân tích và xây dựng dàn ý cho từng bài.

 Trang cho rằng, cần dựa vào kiến thức thầy cô cung cấp và tài liệu, tự xây dựng lại một bài phân tích cho từng tác phẩm, tìm những thông tin bình luận liên quan

 “Làm nhiều bài tập nhưng chỉ xây dựng dàn ý chi tiết, trước khi thi làm cụ thể thành bài để giới hạn thời gian”- Trang nhấn mạnh.

 Với kết cấu bài thi Tiếng Anh, thí sinh sẽ làm 50 câu trong thời lượng 60 phút. Theo Nguyễn Thu Trang, trong giai đoạn ôn thi này, việc luyện đề sẽ mang lại tác dụng hơn ôn tập kiến thức. Bởi sau mỗi đề thi, học sinh thấy được phần kiến thức nào mình nắm chắc, phần nào đang yếu để có kế hoạch tập trung khắc phục.

Năm nay, bài thi Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là tổ hợp mới, bao gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Mỗi môn trong bài thi tổ hợp có 40 câu, thi trong 50 phút.

Với môn Lịch sử, Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, từ các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT có thể thấy kiến thức trong đề thi trắc nghiệm rải đều tất cả các phần, các chương của chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện hành.

Các câu hỏi sẽ có các cấp độ từ nhận biết kiến thức đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo “ma trận đề” của Bộ. Số lượng kiến thức của phần lịch sử thế giới là 30% và lịch sử Việt Nam là 70%.

Bên cạnh đó, từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, hãy học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề.

Ở phần lịch sử thế giới, các em nên học và ôn theo từng vấn đề, chuyên đề với 6 nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới từ 1945 đến 2000: Trật tự thế giới hai cực Ianta; Sự hình thành, phát triển và khủng hoảng, sụp đổ của hệ thống CNXH của Liên Xô, Đông Âu; Phong trào giải phóng dân tộc Á- Phi- Mỹ La tinh.

Mốc thời gian quan trọng kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thí sinh phải nhớ

Sáng 21/6: Họp cán bộ coi thi tại các điểm thi.

14h chiều 21/6: Thí sinh đến phòng thi nghe phổ biến quy chế, lịch thi và điều chỉnh sai sót (nếu có).

Sáng 22/6: Thí sinh dự thi môn Ngữ Văn.

Chiều 22/6: Thí sinh dự thi môn Toán.

Sáng 23/6: Thí sinh dự thi bài thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên.

Chiều 23/6: Thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ.

Sáng 24/6: Thí sinh dự thi bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội.

Ngày 7/7: Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh.

Từ 8 đến hết 17/7: Đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo kể từ ngày công bố kết quả thi.

Ngày 14/7: Thời hạn các Sở GD&ĐT công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Ngày 15/7: Dự kiến các thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến và trực tiếp bằng phiếu.

Ngày 17/7: Thời hạn Hiệu trưởng các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.

Ngày 24/7: Là thời hạn các Hội đồng thi phải hoàn thành tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).

Ngày 26/7: Thời hạn các Sở GD&ĐT hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.