PGS Lê Hữu Lập: Bỏ biên chế giáo viên có đi kèm tăng thu nhập?

PGS Lê Hữu Lập
PGS Lê Hữu Lập
TPO - “Chừng nào không có nguồn kinh phí của nhà nước bổ sung nhằm tăng lương cho giáo viên của các trường công lập (hưởng ngân sách) tham gia vào quá trình chuyển đổi thì đề án sẽ chẳng có gì thay đổi về chất cả và rất khó khả thi”- PGS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nêu ý kiến về việc chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động.

Trước băn khoăn của dư luận về lộ trình thực hiện thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. 

Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện.

Xóa biên chế giáo viên phải đi kèm với tăng lương, tăng thu nhập

PGS Lê Hữu Lập, Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, bỏ biên chế giáo viên sang hợp đồng lao động không phải xa lạ gì đối với các nước phát triển. Ngay ở nước ta hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng không theo luật công chức, viên chức.

“Tất cả các giáo viên, giảng viên đều ký hợp đồng lao động với Hiệu trưởng nhà trường và hệ thống này hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp rất hiệu quả, họ đã thu hút được đội ngũ giảng viên trẻ, năng động hoặc những người dạy giỏi có nhiều kinh nghiệm”- PGS Lập chia sẻ.

PGS Lập cũng cho rằng, việc tiến tới bỏ biên chế giáo viên trong ngành giáo dục là chủ trương đúng đắn, một trong các giải pháp tạo động lực lớn cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đó cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Lập, trong điều kiện kinh tế xã hội cũng như thực tế của ngành giáo dục hiện nay việc bỏ biên chế giáo viên còn rất nhiều câu hỏi chưa dễ trả lời.

PGS Lập cho rằng, hệ thống giáo dục công lập hiện nay dựa chủ yếu vào ngân sách và một phần học phí của người học. Quỹ lương cho giáo viên được xác định từ nhu cầu định biên và có thể nói khung lương giáo viên hiện nay là tương đối thấp.

“Vậy ngân sách Nhà nước có thể tiếp tục bổ sung để thu hút đội ngũ giỏi, hoặc động viên được những người có năng lực hay không? Xóa bỏ biên chế giáo viên phải đi kèm với tăng lương, tăng thu nhập, nếu không sẽ dẫn đến một bộ phận giáo viên sẽ khó khăn hơn”- PGS Lập nhận định.

Khó khả thi?

PGS Lập cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT chỉ thí điểm ở những trường có điều kiện, là những trường công lập có thương hiệu, được nhà nước cho phép tự cân đối thu chi từ nguồn học phí và các hoạt động dịch vụ khác (các trường này không hưởng ngân sách) thì việc bỏ biên chế hay không bỏ biên chế không quan trọng đối với giáo viên vì nhà trường hoàn toàn có chính sách lương ưu việt để khuyến khích người tài, ở đây thu nhập của giáo viên được trả theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.

“Chừng nào không có nguồn kinh phí của nhà nước bổ sung nhằm tăng lương cho giáo viên của các trường công lập (hưởng ngân sách) tham gia vào quá trình chuyển đổi thì đề án sẽ chẳng có gì thay đổi về chất cả, và rất khó khả thi”- PGS Lập nhận định.

PGS Lập cho rằng, mục tiêu nâng cao chất lượng, nâng cao thu nhập, đảm bảo công bằng mà Bộ trưởng đưa ra là quá hay.

“Nhưng vấn đề lấy từ đâu ra thu nhập tăng, nếu không phải là từ người học. Như vậy các chính sách học phí tăng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân có con em theo học. Nếu không thì ngân sách nhà nước phải gánh”- PGS băn khoăn.

Khi triển khai cần rất thận trọng, tính toán cụ thể

PGS Lập chỉ ra một thực tế,  hiện nay đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện Ngành giáo dục không phải là ít. Ngành Giáo dục cũng không thể đưa họ ra khỏi dây chuyền và cũng không thể có đội ngũ giáo viên mới có năng lực để thay thế họ được ngay.

“Như vậy quá trình xác định năng lực, phẩm chất của giảng viên khi chuyển sang hợp đồng không phải là dễ dàng, rồi tình trạng cào bằng, hoặc lạm quyền, tiêu cực, mất dân chủ sẽ xuất hiện. Và còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến năng lực quản lý, cơ chế kiểm soát quyền lực minh bạch đối với đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục; Việc giải quyết các chế độ trợ cấp mất việc làm”- PGS Lập nói.

PGS Lập cho rằng, việc bỏ biên chế giáo viên là nhằm tạo ra những động lực cho sự phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tuy nhiên để triển khai cần rất thận trọng, tính toán cụ thể, có lộ trình và xây dựng văn bản pháp lý đầy đủ. Theo tôi, trước tiên chỉ triển khai ở các cơ sở giáo dục đại học, hoặc các trường phổ thông chất lượng cao (tuyển sinh theo nhu cầu người học). Các trường này tự cân đối được kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định 77 của Chính phủ”- PGS Lập ý kiến.

MỚI - NÓNG