PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và những quyết định khác người

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và đồ dùng học tập (máy bay mô hình)
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và đồ dùng học tập (máy bay mô hình)
TP - Biết thầy Tống đem tài liệu nghiên cứu ra chợ trời bán ve chai, học trò xót xa hỏi thầy có ân hận khi quyết định trở về giữa lúc đất nước loạn lạc để sống trong cảnh túng thiếu, thay vì ở nước ngoài làm việc với thu nhập mà nhiều người nằm mơ cũng không nghĩ tới.

Đã sang bên kia sườn dốc cuộc đời, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM vẫn nói sự trở về của ông cuối năm 1974 là quyết định đúng đắn nhất trong đời.

Hết lòng vì học trò

Chúng tôi may mắn được dự một tiết dạy của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống. Thầy về hưu gần chục năm và vẫn được nhà trường mời thỉnh giảng chuyên ngành kỹ thuật hàng không bậc đại học và cao học.

“Chỉ tội các em đến lớp mà mặt tái nhợt vì đói. Tôi khổ từ nhỏ, quen rồi. Bố mẹ từ Huế tản cư ra Quảng Trị, giáp biên giới với Lào rồi sinh ra tôi trong nghèo đói. Bữa cơm nào cũng độn khoai, sắn. Người dân ví vùng quê ấy là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nghe ám ảnh đến bây giờ.

 Tôi phải học vỡ lòng ở đình làng, trẻ con bẻ lá quét bụi rồi ngồi dưới đất mà học”.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống

Tiết dạy bắt đầu lúc 12 giờ 30, sớm hơn 45 phút so với giờ học chính thức nhưng có khá đông sinh viên đến lớp. Thầy tranh thủ giờ nghỉ trưa, dạy ngoài giờ và không nhận thù lao để trang bị các kỹ năng thực hành cho sinh viên một cách bài bản.

Nhiều giảng viên kỳ cựu vẫn còn nhớ hồi thầy Tống tình nguyện dạy thêm môn khí động học (không phải là môn học bắt buộc). Từ đó, nhiều sinh viên đã chế tạo ra máy bay dây thun đem ra Sở thú bán cho trẻ con, giải quyết những cơn đói triền miên thời bao cấp.

Thời ấy, gia đình thầy Tống cũng khó khăn không kém. Gần chín năm ở xứ người, thầy mang về vỏn vẹn 2.000 USD và trên một tấn sách. Cả nhà trông vào đồng lương “chết đói” của thầy. Tài sản, tư trang trong nhà lần lượt ra đi. Hết áo ấm, máy ảnh, đến máy đánh chữ. Không còn gì, thầy chọn những cuốn tạp chí bắt mắt đem ra chợ trời bán cho người ta làm giấy bao sách vở.

Thầy Tống vẫn nhớ có người bảo các thầy là “tiến sỹ chăn bò”. Tận dụng khuôn viên trường, công đoàn mua một con bê nuôi lớn để cải thiện. Các thầy phân công nhau chăn bò. Nhiều người tận dụng đất trống trồng sắn (khoai mì), đào ao thả cá rô phi. Sắn trồng dưới gốc cây mọc không nổi, cá thì lứa nào cũng chết gần hết.

Ao nhà vẫn hơn…

Tình cờ biết thầy đem sách đi bán, có học trò xót xa hỏi thầy có ân hận khi quyết định trở về, trong lúc người ta tìm mọi cách để di tản, thậm chí vượt biên ra nước ngoài, thầy Tống chỉ cười.

Thầy kể: Tôi đỗ đầu tú tài ở Huế. Năm ấy toàn miền Nam có 25 người được học bổng du học. Tôi là một trong số ấy. Trước khi đi, chúng tôi phải cam kết làm việc cho chính quyền 10 năm để trả nợ. Nếu tốt nghiệp đại học hoặc lấy bằng thạc sỹ thì chỉ được thực tập một năm là về nước, học lên tiến sỹ thì được tự do. Bằng tiến sỹ ngày ấy như giấy thông hành quốc tế, được định cư ở Canada và nhiều nước châu Âu.

Cuối năm 1965, Nguyễn Thiện Tống sang Australia học ngành kỹ thuật hàng không tại trường đại học Sydney và xuất sắc đỗ thủ khoa với thứ hạng fist class honours. Với kết quả đó, thầy được trường đại học Sydney cấp học bổng toàn phần học thẳng lên tiến sỹ mà không cần qua chương trình đào tạo thạc sỹ.

Thầy may mắn được làm việc và cộng tác với nhiều nhà khoa học lừng danh, trong đó có vị giáo sư chuyên nghiên cứu về khí động học của phi thuyền con thoi, được nhiều giải thưởng danh giá của NASA. Sau khi thầy Tống bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, vị giáo sư nói trên muốn thầy tiếp tục cộng tác và sẵn sàng giới thiệu thầy sang làm việc tại các phòng nghiên cứu, cơ quan không gian của Anh, Mỹ, thu nhập mỗi tháng hàng nghìn USD nhưng thầy đã cương quyết từ chối.

Cuối năm 1974, thầy Tống xin nhận bằng sớm rồi đưa cả gia đình về nước. Khi ấy Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn. Quan chức ùn ùn di tản ra nước ngoài. Thầy Tống lâm vào cảnh thất nghiệp phải xin dạy không lương tại trường đại học kỹ thuật Phú Thọ.

Thầy Tống nhớ lại: Tháng 4/1975, hội đồng nhà trường họp, quyết định phát bằng non cho sinh viên. Trưởng khoa ký văn bằng rồi ra nước ngoài. Chỉ còn ba người ở lại phát bằng tốt nghiệp cho các em. Ngày 30/4/1975, chúng tôi bàn giao trường cho lực lượng tiếp quản.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống vẫn nhớ đến GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Khi còn là hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM, ông Quân đã yêu cầu thầy Tống soạn chương trình đào tạo, đặt nền móng cho ngành kỹ thuật hàng không.

Đội ngũ giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không của trường Đại học Bách khoa hiện nay đều có trình độ tiến sỹ, bảo vệ luận án ở nước ngoài. Nhiều học trò của thầy Tống đang là các chuyên gia nổi tiếng như PGS-TS Nguyễn Anh Thi, TS Nguyễn Chí Công, thạc sỹ Nguyễn Phụng Tâm - kỹ sư trưởng hãng hàng không Emirates (Mỹ), một trong những người Việt Nam đầu tiên được đào tạo sửa chữa máy bay Airbus 380,… 

 Đầy trách nhiệm

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và những quyết định khác người ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống dạy ngoài giờ cho sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM      

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống là một trong những chuyên gia phản đối việc triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành. Ông nói mọi vấn đề cần phải được xem xét thấu đáo bằng tư duy khoa học biện chứng. Chừng nào những cứ liệu các Bộ, Ngành chức năng đưa ra còn mập mờ thì thầy vẫn không ủng hộ.

Thầy Tống là vậy. Ngay như chuyện hồi còn học lớp đệ tứ (lớp 9), chỉ đứng nhì lớp, thầy được chọn trao giải thưởng toàn trường, vượt qua 5 người đứng nhất, xếp trên thầy đến nay còn làm thầy trăn trở.

Hay như lúc đang học đệ nhất (lớp 12) trường Quốc học Huế năm 1963, căm ghét chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, thầy Tống tham gia bãi khóa và bị bắt giam. Hết cảnh sát đến mật vụ lần lượt sử dụng nhiều đòn tra khảo, khủng bố tinh thần nhưng vẫn không khuất phục được, cuối cùng chúng tống thầy vào nhà lao Thừa Phủ.

Thầy Tống nói nếu Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, có thể cuộc đời thầy đã rẽ sang hướng khác. Đang chờ được xét học bổng du học, thầy Tống vẫn tham gia các hoạt động phản chiến như tuần hành, rải truyền đơn, viết báo, biểu tình vì căm ghét chính quyền Thiệu - Kỳ - Hương.

Có lần trường đại học Bách khoa TPHCM quyết định trao huy chương vàng cho sinh viên đạt kết quả học tập cao nhất các khoa. Khi ấy, bộ môn kỹ thuật hàng không đã sáp nhập khoa kỹ thuật giao thông. Các sinh viên xuất sắc nhất đang học ngành hàng không lại không được chọn để trao huy chương.

Thay vào đó, lãnh đạo khoa đề cử một sinh viên ngành giao thông có kết quả kém hơn. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không đã phản đối kịch liệt.

Tư duy logic, sai - đúng, yêu - ghét rạch ròi, không thỏa hiệp để vừa lòng ai, nên có người bảo thầy Tống không phù hợp với chốn quan trường, dù thầy có bằng thạc sỹ quản trị hành chính công của Viện Đại học Harvard.

Ba tháng trước ngày nghỉ hưu, thầy Tống bị miễn nhiệm chức vụ chủ nhiệm bộ môn. Đến nay, quyết định này vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn.

MỚI - NÓNG