Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD Trần Văn Nghĩa:

Phạm vi và yêu cầu của đề thi trắc nghiệm tương tự như đề tự luận

Phạm vi và yêu cầu của đề thi trắc nghiệm tương tự như đề tự luận
TP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một nét khác biệt so với những năm trước: thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm.
Phạm vi và yêu cầu của đề thi trắc nghiệm tương tự như đề tự luận ảnh 1
Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2005  ảnh: Hồng Vĩnh

Trước ngày diễn ra kỳ thi, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD&ĐT.

Ông có thể giới thiệu về hình thức câu hỏi trắc nghiệm được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

Năm nay, cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều sử dụng hình thức thi trắc nghiệm với môn Ngoại ngữ. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi sẽ sử dụng kiểu câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn có hai phần, phần đầu (được gọi là phần dẫn) nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là các phương án để chọn (được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D).

Trong các phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng; các phương án khác được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với thí sinh. Không nắm vững kiến thức về vấn đề đã nêu, thí sinh sẽ khó nhận biết được trong các phương án để chọn đâu là phương án đúng.

Nhiều người hy vọng rằng hình thức thi trắc nghiệm sẽ đạt hiệu quả cao trong việc chống gian lận thi cử ở khâu coi thi. Theo ông thì thế nào? Đề thi trắc nghiệm có khó hơn so với đề thi tự luận?

Mỗi đề thi có 50 câu trắc nghiệm (thời gian làm bài 60 phút). Tính ra bình quân thời gian lựa chọn phương án để trả lời câu hỏi cho mỗi câu chỉ hơn 1 phút. Vì vậy, muốn đạt điểm tốt, thí sinh phải khẩn trương trong quá trình làm bài.

Lượng thời gian đó không đủ cho các em tìm cách quay cóp. Đề thi được in sẵn và có nhiều phiên bản, do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D.

Vì thế, trong một phòng thi sẽ có nhiều mã đề khác nhau. Trong túi đựng đề thi, các đề thi được xếp lần lượt theo mã số từ nhỏ đến lớn và không có chuyện 2 đề thi cùng một mã số nằm cạnh nhau.

Khi ghi số báo danh lên bàn thí sinh trong phòng thi, giám thị chỉ có một cách làm duy nhất: ghi từ số nhỏ đến lớn (theo danh sách phòng thi), ghi theo hàng ngang và lần lượt từ trên xuống dưới phòng thi. Điều này đảm bảo cho các thí sinh ngồi cạnh nhau không có mã đề thi giống nhau.

Để đề phòng việc thí sinh có thể đánh tráo mã đề khác trong quá trình làm bài thi, sau khâu phát đề thi, giám thị 1 sẽ lần lượt đến từng thí sinh (trong khi giám thị 2 bao quát trật tự phòng thi) để cho thí sinh tự điền mã đề thi của mình vào 2 danh sách thí sinh nộp bài.

Việc đáp ứng các yêu cầu của đề thi, phạm vi kiến thức, thang điểm cũng như yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận. Trong khâu chấm thi, các hội đồng chấm sẽ phải thực hiện quy đổi thang điểm 100 sang thang điểm 10 đối với đề thi trắc nghiệm.

Cảm ơn ông!

Vài lời khuyên khi làm đề thi trắc nghiệm

Trong phòng thi, trước khi nhận đề thi, thí sinh được phát phiếu trả lời trắc nghiệm (được in sẵn). Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới là bài làm của thí sinh. Bài làm này sẽ được chấm bằng máy. Vì thế, thí sinh tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh không được quên việc điền đầy đủ thông tin vào 10 mục ở phần đầu của phiếu. Đặc biệt có 2 mục thí sinh sẽ dễ điền sai, đó là số báo danh (SBD) và mã đề thi. Với mục SBD (mục 9), thí sinh dùng bút mực ghi đầy đủ SBD của mình với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu SBD, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột khung SBD.

Sau đó dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột. Cách điền thông tin vào mục mã đề thi (mục 10) cũng tương tự, nhưng mục này chỉ điền sau khi thí sinh được phát đề thi.

Khi thi trắc nghiệm thí sinh lưu ý: cần phải mang theo bút chì đen (loại mềm, 2B,..., 6B), dụng cụ gọt bút chì, tẩy chì, bút mực hoặc bút bi (không được dùng bút có mực màu đỏ). Thí sinh nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.

Có một lời khuyên khác, trong khi làm bài, các em không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua (nếu còn thời gian).

Quý Hiên
(thực hiện)

MỚI - NÓNG