Phương án thi THPT quốc gia 2016-2017: Khách quan, giảm áp lực?

Với phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016-2017, Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ nhẹ nhàng, khách quan hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Với phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016-2017, Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ nhẹ nhàng, khách quan hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố chính thức phương án thi THPT quốc gia 2016-2017. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, kỳ thi năm nay sẽ đảm bảo nhẹ nhàng, thuận lợi, khách quan nhờ phương thức thi trắc nghiệm. Thí sinh có nhiều cơ hội vào các trường ĐH, CĐ do Bộ cho phép thí sinh đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng.

Đã tiếp thu ý kiến góp ý

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, sau 20 ngày ra dự thảo phương án thi năm nay, Bộ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo, dư luận xã hội bằng nhiều kênh khác nhau. Tiếp thu các ý kiến đóng góp hợp lý, khả thi, Bộ có điều chỉnh vào phương án chính thức. Ông Ga khẳng định, phương án thi chính thức không có thay đổi lớn so với dự thảo. Bộ vẫn giữ nguyên hình thức thi trắc nghiệm hầu hết các môn, trừ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, kỳ thi 2017 được rút gọn từ 4 ngày xuống còn 2 ngày diễn ra trong tháng 6. “Kỳ thi năm năm nay sẽ tăng tính nghiêm túc, đảm bảo công bằng, có nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ cho thí sinh vì Bộ cho thí sinh đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng”, Thứ trưởng Ga khẳng định.

Điểm mới của phương án thi chính thức là Bộ điều chỉnh cho phép thí sinh có thể làm 4 hoặc 5 bài thi (gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Trong đó, điểm thi môn tự chọn nào cao hơn sẽ được lấy để xét tốt nghiệp. Cũng theo ông Ga, phương án thi chỉnh sửa đã giải tỏa được 3 vấn đề mà dư luận còn băn khoăn tại dự thảo ban đầu liên quan đến bài thi tổ hợp, hình thức trắc nghiệm và tính nghiêm túc của kỳ thi khi giao sở chủ trì: “Phương án thi chúng ta không thể làm cùng lúc, gây sốc cho thí sinh mà phải có lộ trình. Năm 2015-2016, Bộ đã từng bước thay đổi phương thức thi”, ông Bùi Văn Ga nói.

“Việc thi tự luận hay trắc nghiệm đều phải nắm vững kiến thức thì mới làm được bài thi. Tuy nhiên, trong các hướng dẫn nhiệm vụ năm học trước đây, Bộ GD&ĐT đều có chỉ đạo các trường xây dựng phương án dạy học, đánh giá học sinh theo phương thức tự luận và trắc nghiệm. Vì vậy, phương án thi năm nay học sinh không có gì lo lắng. Khi Bộ công bố đề thi minh họa học sinh sẽ thấy bình thường”. 

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học

Năm nay, Bộ tổ chức thi bằng phương thức trắc nghiệm ở 4 môn. Mỗi môn trong bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH) sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài các môn KHTN, KHXH cũng được điều chỉnh từ 90 phút lên thành 150 phút. Riêng môn ngoại ngữ được điều chỉnh từ 40 câu hỏi lên 50 câu nhưng thời gian làm bài vẫn giữ nguyên là 60 phút. Mỗi câu có 4 đáp án trả lời và chỉ 1 đáp án trả lời đúng.  Từ năm 2007, Bộ đã thi trắc nghiệm 4 môn Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Năm 2013, bộ giao ĐHQG thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực. Kết quả được đánh giá rất tốt.

Vì thế, kỳ thi năm nay Bộ thi trắc nghiệm với hàng rào kỹ thuật đảm bảo tính công bằng, khách quan là chấm điểm bằng máy quét, thí sinh có mã đề riêng, không quay cóp được. Đầu tháng 10 bộ sẽ công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo, ôn tập. Sau khi thi trắc nghiệm trên giấy, có điều kiện thí sinh sẽ tiệm cận dần với bài thi trên máy cũng như bài thi tổ hợp dần dần sẽ được thay thế bằng bài thi tích hợp trong năm 2018.

Phương án thi THPT quốc gia 2016-2017: Khách quan, giảm áp lực? ảnh 1

Thí sinh vui vẻ sau khi làm xong môn thi Hóa học, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại hội đồng thi trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Đề thi cho phép 20% câu hỏi trùng lặp

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về đội ngũ ra đề gồm những ai, kiến thức, nội dung các câu hỏi liệu có trùng lặp, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng) cho rằng: Không riêng kỳ thi THPT quốc gia 2017, mà trong tất cả các kỳ thi, công tác ra đề luôn được coi trọng. Năm nay, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài trên giấy, chấm trên máy. Hàng năm đã có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi đánh giá kiến thức THPT với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Với mục đích và quy mô của kỳ thi thì hình thức thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp. Hình thức thi trắc nghiệm được Bộ áp dụng từ năm 2007, các trường THPT cũng được hướng dẫn dạy học, kiểm tra theo phương thức trắc nghiệm, tự luận nên đã được làm quen.

Ngay sau khi ra bản dự thảo, lực lượng làm đề thi lần này được Bộ huy động là các giáo viên THPT, chuyên gia ở các viện nghiên cứu, giảng viên ĐH am hiểu THPT, xét tuyển ĐH, có trình độ, kinh nghiệm để phân nhóm ra đề. Hầu hết các môn thi trắc nghiệm, Bộ không tiến hành từ con số 0 mà kế thừa ngân hàng đề thi của ĐHQG Hà Nội. Theo tính toán, mức độ trùng lặp các câu hỏi trong đề thi khoảng 20%.

Về khả năng phân hóa khi thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh giải thích: Hai năm trước, đề thi thiết kế ở mức độ cơ bản chiếm 60% để xét tốt nghiệp, phân hóa, nâng cao khoảng 40% để xét tuyển ĐH. Tương tự, năm nay, bộ cũng sẽ có ma trận các câu hỏi được tính toán hợp lý.

Theo tính toán, ở các môn KHTN, KHXH mỗi môn được điều chỉnh từ 20 câu hỏi lên thành 40 câu hỏi với thời gian làm bài là 50 phút (3 môn là 150 phút). Do đó, môn Ngoại ngữ sau khi nhận góp ý, Bộ điều chỉnh từ 40 câu hỏi lên thành 50 câu nhưng tính toán thấy thời gian 60 phút làm bài là hợp lý nên giữ nguyên. Trên thực tế hai năm qua, với thang điểm 10, Bộ tính toán mức điểm liệt 1 điểm là hợp lý.

“Năm nay, Bộ cho phép thí sinh đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng vào ĐH, CĐ. Có thí sinh cùng lúc đăng ký 10-20 nguyện vọng, làm sao Bộ có thể giúp các trường lọc thí sinh ảo?”, một phóng viên chất vấn. Ông Mai Văn Trinh trả lời: Năm nay Bộ cho phép thí sinh cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng. Tuy nhiên, Bộ có phần mềm lọc thí sinh ảo để hỗ trợ các trường. Về tổng thể, phần mềm vẫn gọi là phần mềm tuyển sinh như năm qua nhưng có nhiều phân hệ. Bộ đã thiết kế phân hệ lọc thí sinh ảo, chạy thử thành công.

Năm nay, Bộ chỉ cần nâng cấp lên một chút để giúp các trường đưa ra dữ liệu danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển. Các trường căn cứ danh sách đó để lọc thí sinh trúng tuyển, khắc phục thí sinh ảo. Tuy nhiên, hiện tại Bộ đang công bố phương án tổng thể, không thể nói hết các vấn đề kỹ thuật. Bộ sẽ có quy chế quy định cụ thể từng việc. Trước khi ra quyết định, Bộ đã làm việc với các sở giáo dục, các trường ĐH để đi đến thống nhất. “Hiện nay không có phương án nào trọn vẹn mà phải lựa chọn phương án tối ưu nhất”, ông Trinh cho hay.

Lộ trình phải ổn định ít nhất 5 năm

Thầy Vũ Đức Thọ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng: “Thi trắc nghiệm môn Toán ngay trong năm 2017 không có gì đáng lo. Vì ngay từ lớp 10, học sinh cũng đã có những bài kiểm tra trắc nghiệm và cả những bài tự luận. Tuy nhiên, cái chúng tôi cần là một lộ trình cụ thể. Lộ trình đó phải ổn định ít nhất 5 năm thì học sinh mới có thời gian chuẩn bị. Trước kỳ thi THPT quốc gia, trường chúng tôi đã xây dựng ngân hàng đề thi trong 5 năm liền. Đùng một cái, Bộ tổ chức thi 2 trong một, thế là ngân hàng đề thi của chúng tôi vỡ. Giờ đến thi trắc nghiệm và tổ hợp. Đúng là về mặt nội dung kiến thức không thay đổi. Nhưng từ  khi các em vào lớp 10, chúng tôi đã xây dựng lộ trình. Năm lớp 10 giải quyết một số nội dung, năm lớp 11 giải quyết một số nội dung khác, năm lớp 12 cũng thế. Giờ thay đổi cũng thật khó. Hơn nữa, phải nói thật, để có được đề thi trắc nghiệm hay thì không đơn giản.

Khâu ra đề cực kỳ quan trọng

Ông Hoàng Văn Phú, Phó hiệu trưởng THPT Chu Văn An (Hà Nội) nói: Trong bài thi trắc nghiệm, thí sinh không viết ra lập luận của mình để tìm câu trả lời đúng, nhưng thí sinh vẫn phải thực hiện các thao tác tư duy, lập luận ở trong đầu rằng tại sao lại chọn phương án này mà không chọn phương án kia. Trong giờ học trên lớp, khi chữa bài tập trắc nghiệm, giáo viên cũng diễn đạt, trình bày (bằng lời nói hoặc chữ viết) để học sinh hiểu tại sao chọn phương án này mà không chọn phương án khác. Như vậy, học sinh vẫn phát triển kĩ năng trình bày (trình bày bằng lời nói hoặc chữ viết).

Về đề thi, so với đề thi tự luận môn Toán, đề thi trắc nghiệm có tính phân loại không kém. Tuy nhiên, đề thi trắc nghiệm không ra được các bài toán sâu sắc. Tóm lại, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán hoàn toàn phù hợp chức năng tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, công tác ra đề thi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Đào Tuấn Đạt cho rằng, phương án thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn Toán để tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là chưa ổn. Với lượng thí sinh trung bình xấp xỉ 1 triệu em/ năm, Bộ trưởng khẳng định chỉ có khoảng 15% số câu hỏi trùng nhau là điều rất khó. Việc ra đề thi tự luận dễ hơn rất nhiều so với đề thi trắc nghiệm còn gây tranh cãi như đề Ngữ văn năm 2015-2016. Trong khi đó, để ra đề thi trắc nghiệm đòi hỏi người ra đề phải có kiến thức, kinh nghiệm mới làm được đề với 50 câu hỏi. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào ngân hàng đề của ĐHQG Hà Nội để cho gần 1 triệu thí sinh dự thi là điều khó thành công. Chưa kể, phương án thi này sẽ không có tuổi thọ quá 1 năm bởi chỉ sau 1 năm, các dạng đề lộ ra, học sinh sẽ luyện đề dạng như bộ 450 câu hỏi thi lý thuyết về lái xe và học sinh học mẹo để tìm đáp án đúng.       

                            Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG