Quá nhiều học sinh khá, giỏi là bệnh thành tích

TPO - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận nói rằng, Bộ không khuyến khích lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi làm thành tích đánh giá nhà trường, thầy cô giáo.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có 19 nội dung chất vấn của đại biểu (ĐB) gửi đến Bộ trưởng trước phiên chất vấn, tập trung vào những vấn đề nóng: Sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp và xóa bệnh thành tích trong giáo dục, vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tạo việc làm cho sinh viên ra trường…

ĐB Thân Đức Nam cho rằng, chương trình đào tạo còn bất hợp lý, đào tạo không đúng như cầu xã hội. “Chúng ta xây dựng quá nhiều đại học nhưng lại đào tạo lệch, thiên về các ngành khoa học xã hội, không tập trung khoa học kỹ thuật, dẫn đến méo mó về nhu cầu đào tạo?” – ĐB Nam nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) phản ánh, mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm, phải đào tạo lại, phải làm trái ngành nghề, gây lãng phí xa hội.

Nêu những yếu kém của ngành giáo dục chậm được khắc phục, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) chất vấn: “Tình trạng nhiều học sinh không đọc thông, viết thạo vẫn lên lớp khá phổ biến, có phải nguyên nhân bệnh thành tích trong giáo dục, trách nhiệm của Bộ là gì? Tỷ lệ khá giỏi quá nhiều có phản ánh đúng chất lượng giáo dục hiện nay không?”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn, học sinh không đọc thông, viết thạo vẫn lên lớp có liên quan bệnh thành tích và sự đánh giá thầy cô, đánh giá cơ sở giáo dục. Để chữa căn bệnh này, Bộ đã rà soát, loại bỏ quy định đánh giá giáo viên, nhà trường qua việc đánh giá thành tích của học sinh.

Không khuyến khích thành tích

Về tỷ lệ học sinh khá giỏi quá cao, Bộ trưởng Luận nói rằng, Bộ không khuyến khích lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi làm thành tích đánh giá nhà trường, thầy cô giáo. Để khắc phục việc này, toàn ngành phải tiếp tục có sự chấn chỉnh, chất lượng khá giỏi phải thực chất thì mới có ý nghĩa.

“Chúng ta đổi mới theo hướng chuyển sang chú trọng phát triển năng lực, thể chất, phát triển toàn diện cho các em; chú trọng khả năng thực hành, thực tiễn chứ không trọng truyền đạt kiến thức một chiều thì bệnh thành tích sẽ không có chỗ tồn tại nữa”, Bộ trưởng Luận cho biết.

ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) và các ĐB cũng cho rằng, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay rất đáng lo ngại.

“Học sinh đánh nhau, học sinh đánh cả thầy giáo rồi tung lên mạng”, ĐB Thủy nêu thực trạng và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.

Bộ trưởng Luận nói, vấn đề giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên được Bộ quan tâm hơn, ngoài giáo dục ở nhà trường, còn gắn với các hoạt động khác để các em hoàn thiện kỹ năng, phát triển mọi mặt. Bộ xin tiếp thu để có những giải pháp tốt hơn nữa trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG