Quay như đèn cù

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời báo chí. Ảnh; Giáo dục.net
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời báo chí. Ảnh; Giáo dục.net
TP - “Ma trận” là từ mà Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dùng để mô tả về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT năm 2014, theo đó, hướng ra đề mở, tăng khả năng yêu cầu học sinh về vận dụng kiến thức, kỹ năng vào trong việc học môn này.

Có nghĩa đây là hướng đi được kỳ vọng xóa bỏ dần cách học kiểu “bài văn mẫu”. Đề thi “ma trận” có thể thoát ra khỏi các tác phẩm được dạy trong chương trình nhằm tới việc tránh học vẹt.

Nghe thì có vẻ rất hay, tuy nhiên trong khi thí sinh một, hai năm trở lại đây đã bước đầu làm quen với dạng đề thi kiểu này thì sự đổi mới trong cách dạy và học ngữ văn chắc chắn cần một khoảng thời gian dài để theo kịp thực tiễn. Có nghĩa là đề thi mở nhưng đáp án và nhất là cách dạy chưa thể “mở” ngay được.

Mùa thi năm 2014 còn chứng kiến những “ma trận” khác. Trong thực tế, rất nhiều học sinh, thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm nay đang rất bối rối trước hình thức tuyển sinh “chung-riêng” lần đầu được áp dụng. Có trường tuyển sinh chung (cùng đề, cùng đợt), lại có trường tuyển riêng, lại có trường vừa chung vừa riêng.

Nhiều học sinh rất băn khoăn khi chỉ cách kỳ thi vài tháng mới được biết trường mình thích nay chuyển qua tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, kết quả thi không thể áp dụng cho trường khác.

Với những thay đổi xoành xoạch như thế, không khó hiểu khi cuốn cẩm nang Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm nào cũng xuất bản nhưng hầu như năm nào cũng có sai sót vì ngay cả những người thực hiện của Bộ GD&ĐT cũng chưa cập nhật thông tin kịp.

Nói về “sáng kiến” tuyển chung-tuyển riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng “Bộ rất “mở” trong đợt tuyển sinh này, để tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh riêng. Có thể được chọn môn thi, không theo khối, theo ngành, tùy thuộc vào yêu cầu của trường”.

Nhưng cần nhớ rằng cách đây một số năm, chính Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề án thi một lần và dựa trên kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học để xét tuyển đại học. Và để tiến dần đến mục tiêu này, sau đó là phương án “ba chung”. Nay lại có “chung-riêng”. Cho dù các quan chức Bộ GD&ĐT có giải thích rằng “giao quyền tự chủ tuyển sinh là bước đi đầu tiên phù hợp với Luật Giáo dục đại học”.

Nhưng trong số 62 trường đăng ký tuyển riêng có rất ít trường công lập và trừ một số nhỏ trường đào tạo chuyên biệt (ví dụ nghệ thuật), đa số là các trường cao đẳng, đại học vùng, nhiều trường trong số này tuyển được rất ít sinh viên trong năm vừa qua. Không khó để đoán trước sự “tăng trưởng” trong tuyển sinh của nhóm trường này trong năm 2014.

Với những “ma trận” trong cách dạy, cách học, cách tuyển sinh như vậy, người học không quay như đèn cù mới là lạ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.