Về vụ làm giả hồ sơ trúng tuyển NV2:

Quy chế và quy trình chặt nhưng thực hiện chưa nghiêm

Quy chế và quy trình chặt nhưng thực hiện chưa nghiêm
Trong thời gian qua, báo Tiền Phong và một số cơ quan thông tấn khác đã phản ánh về tình trạng một số thí sinh “lọt” được vào các trường ĐH nhờ giấy báo điểm giả.
Quy chế và quy trình chặt nhưng thực hiện chưa nghiêm ảnh 1

Ngày 9/4/2005, lãnh đạo Vụ ĐH & Sau ĐH (Bộ GD & ĐT) đã có cuộc gặp với PV các báo để trả lời những băn khoăn của dư luận về nguy cơ để lọt những “SV rởm” này. PGS TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH & SĐH khẳng định:

Việc những “SV rởm” này vào ĐH nhờ những giấy báo điểm giả thể hiện tình trạng gian lận trong thi cử chứ không thể nói đó là do “kẽ hở của quy chế”. Trong Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ đã quy định rõ ràng và chặt chẽ việc kiểm tra đối với thí sinh trúng tuyển NV2, NV3.

Mục 3 của điều 36  quy định: “Các trường xét tuyển thí sinh không dự thi tại trường mình cần gửi danh sách thí sinh trúng tuyển cho Bộ GD&ĐT 1 bản, gửi cho trường chấm thi 1 bản để các trường chấm thi kiểm tra - đối chiếu, ký xác nhận kết quả thi của thí sinh và gửi lại cho trường xét tuyển”.

Ngoài ra, ngày 26/11/2004, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 10543/ TTr để đôn đốc các trường việc này và báo cáo với Bộ trước ngày 31/12/2004.  Như vậy, quy trình để kiểm tra việc sử dụng kết quả thi là chặt chẽ.

Vậy tại sao vẫn có sự gian lận?

Trước hết, tính kỷ luật, chấp hành luật pháp của một số người dân không cao – chỉ nhăm nhăm tìm mọi cách dù không hợp pháp để vào ĐH. Thứ hai, tinh thần chấp hành các quy định của các trường cũng chưa đầy đủ. Khoảng gần 150 trường ĐH, CĐ cần báo cáo về các kết quả xét tuyển NV2, NV3 nhưng cho đến nay vẫn còn 61 trường diện này chưa gửi báo cáo về cho Bộ.

Một lý do nữa, về phía Bộ GD&ĐT cũng chưa có những biện pháp mạnh bắt buộc các trường phải gửi báo cáo đúng thời hạn như công văn 10543/ TTr đã yêu cầu. Ngay trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn nhắc nhở tất cả những trường còn chưa thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ. Thứ trưởng Bành Tiến Long sẽ yêu cầu phải xác định trách nhiệm cá nhân của ai trong việc chậm trễ báo cáo.

Cũng trong tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với bên công an để có danh sách cụ thể những trường hợp gian lận. Chúng tôi sẽ tiến hành tập trung kiểm tra ngay ở những trường “có vấn đề” trong khi họ chưa hề có báo cáo gửi cho Bộ GD&ĐT.

"Đừng nghĩ rằng những gian lận có thể qua mắt được tất cả mọi người. Nó không bị phát hiện ra khi này thì sẽ bị phát hiện ra khi khác".

Đây là một quy trình tiên tiến và thế giới vẫn đang áp dụng. Vấn đề là quy chế chặt, quy trình chặt nhưng thực hiện chưa nghiêm. Bây giờ chúng tôi sẽ làm nghiêm. Mặt khác, trong kỳ thi tới đây, chúng tôi sẽ nâng cấp chương trình máy tính để khi các trường gửi kết quả kiểm tra cho Bộ rồi, Bộ vẫn có thể trực tiếp kiểm tra lại được.

Việc kiểm tra đối với các trường hợp gian lận có thể diễn ra suốt cả quá trình học ĐH, CĐ của SV. Không phải cứ trường kiểm tra, báo cáo là không phát hiện ra (dù có hiện tượng gian lận) mà đối tượng sử dụng kết quả gian lận có thể ung dung học 4 – 5 năm ĐH được.  

Kết quả của 80 trường đã báo cáo cho thấy có vấn đề gì không, thưa bà?

Với những trường này nói chung không có vấn đề gì. Nhưng qua đó cho thấy sự phối hợp trao đổi kết quả giữa các trường chưa tuân thủ đúng quy định. Có những trường gửi đi xin kết quả thi của 64 trường thì chỉ có 30 trường phản hồi, còn 34 trường kia vẫn chưa phản hồi cho họ. Vậy con số gian lận nhiều hay ít chúng tôi chưa trả lời được.

Hiện nay, Bộ đang có một đoàn thanh tra đi xác minh các kết quả này nhưng chưa về. Vì thế, cần có thêm một thời gian nữa mới có con số thống kê (dự kiến cuối tháng 5/2005).

Với các trường đã báo cáo, nếu theo báo cáo mà không có trường hợp gian lận nào nhưng kết quả điều tra của công an hoặc kiểm tra của chúng tôi là ngược lại thì những trường đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Với SV thì đuổi học; cấm 2 năm không được dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; và xử lý theo pháp luật với hành vi đã phạm pháp.

Cấm thi nhưng việc này khó mà thành hiện thực vì những năm sau thí sinh vẫn tiếp tục dự thi mà các trường không biết. Bộ GD&ĐT có định công khai những trường hợp này?

Đây là việc phải cân nhắc. Sự gian lận này nhiều khi là hậu quả của những suy nghĩ đơn giản hoặc không phải do thí sinh trực tiếp gây nên (do bố mẹ, người thân). Trong khi áp lực xã hội đối với những trường hợp gian lận bị đưa công khai trước dư luận rất nặng nề, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của thí sinh.

Theo tôi, để ngăn chặn việc này thì danh sách những trường hợp gian lận chúng tôi sẽ gửi cho các trường để các trường biết khi nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Nhân đây, chúng tôi mong báo chí sẽ là một kênh thông tin hiệu quả giúp thí sinh và các vị phụ huynh hiểu rằng, sự gian lận rốt cục sẽ bị phát hiện.

Những người đi học cũng như các vị phụ huynh phải thấy một điều, đừng nghĩ rằng những gian lận có thể qua mắt được tất cả mọi người. Nó không bị phát hiện ra khi này thì sẽ bị phát hiện ra khi khác. Càng bị phát hiện chậm thì sự trả giá về thời gian và tiền bạc của người gian lận càng lớn.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.