Robot thi vào Đại học Tokyo, điểm cao hơn 80% thí sinh khác nhưng vẫn trượt

Đồng thời đây cũng là hồi chuông báo động về những vấn đề còn tồn tại trong giáo dục tại đất nước mặt trời mọc.

Tại buổi TED Conference diễn ra vào hồi tháng 4 vừa qua, chuyên gia trí tuệ nhân tạo người Nhật Noriko Arai đã xuất hiện để chia sẻ về Robot Todai. Đây là sản phẩm được lập trình để tham gia vào bài kiểm tra đầu vào của một trong những trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản - trường đại học Tokyo.

Mặc dù Robot Todai không đạt đủ điểm số để trúng tuyển vào trường học, nhưng nó vẫn đạt thành tích tốt hơn 80% số học sinh tham gia vào kỳ thi này. Kỳ thi vào trường đại học Tokyo bao gồm 7 phần khác nhau, trong đó có thể kể đến Toán học, Khoa học, Tiếng Anh, cũng như cần phải viết một bài luận 600 từ.

Robot thi vào Đại học Tokyo, điểm cao hơn 80% thí sinh khác nhưng vẫn trượt ảnh 1

Bà Noriko Arai trong buổi chia sẻ.

Nói về kết quả này, bà Arai cho biết: "Tôi cảm thấy rất lo ngại."

Khi bà nghĩ về những bằng chứng cho thấy rằng máy móc sẽ khiến rất nhiều người mất việc - đầu tiên là ở những công việc tay chân và những công việc đòi hỏi ít kỹ năng, rồi sau đó là đến những công việc bàn giấy - bà Arai nhận ra rằng: "Có lẽ vấn đề nằm ở giáo dục chứ không phải nằm ở máy móc".

Thay vì trực tiếp "hấp thụ" kiến thức, bà Arai nhận thấy những đứa trẻ ngày nay đang có cách học chẳng khác gì robot Todai cả. Chúng học được thế nào thì viết ra y hệt thế, chứ không hề có sự nghiền ngẫm để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Mà nếu học theo kiểu này thì con người sẽ thua kém máy móc rất xa, do khả năng ghi nhớ của con người khó có thể bằng được với máy móc.

Robot thi vào Đại học Tokyo, điểm cao hơn 80% thí sinh khác nhưng vẫn trượt ảnh 2

Xét về khả năng ghi nhớ thì chúng ta sẽ khó có thể nào bì lại được với máy móc.

Con người giỏi nhất trong việc nhận ra quy luật, sáng tạo, cũng như giải quyết vấn đề. Bởi vì chúng ta có khả năng đọc hiểu, còn robot thì không - ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Đương nhiên Robot Todai vẫn có thể mắc sai lầm. Mặc dù trong thư viện của chúng chứa đến 15 tỉ câu, nhưng Todai đã trả lời sai một câu hỏi trắc nghiệm hết sức đơn giản. Tuy nhiên, Arai nhận ra rằng, rất nhiều người cũng không trả lời đúng được một câu hỏi đọc hiểu đơn giản - vậy nên những câu hỏi dễ đôi khi cũng đánh lừa được não bộ con người. 

"Quan trọng nhất là chúng ta phải nghĩ ra phương pháp giáo dục hiệu quả hơn. Chẳng hạn như cần phải rèn luyện khả năng phân tích kiến thức, cũng như tư duy phản biện," bà Arai chia sẻ. "Cách mà con người có thể tồn tại cùng với AI là điều chúng ta cần phải suy nghĩ một cách cẩn trọng, dựa vào những bằng chứng rõ ràng. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần phải nhanh lên vì không còn có nhiều thời gian nữa."

Theo Theo Trí Thức Trẻ
MỚI - NÓNG