Sách giáo khoa lạc hậu, xa rời thực tế

Số liệu môn Địa lớp 5 có từ năm 2004.
Số liệu môn Địa lớp 5 có từ năm 2004.
TP - Số liệu trong sách giáo khoa (SGK) nhiều môn học quá cũ, nhiều kiến thức quá lỗi thời, không còn hợp với thực tiễn thế, nhưng nhiều năm nay, thầy và trò vẫn đang phải bám sát SGK.

Số liệu lạc hậu

Nhiều năm dạy môn Địa lý, thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho rằng, “Trong số các môn học, Địa lý lạc hậu nhất hiện nay”. Thầy Lê dẫn chứng, SGK lớp 12 ghi thu nhập trung bình của Việt Nam là 500 USD/ người/ năm, thuộc nhóm nước có thu nhập thấp nhưng nay đã là 1.000 USD/ người/ năm và đã thuộc vào nhóm nước có nền kinh tế đang phát triển ở mức trung bình.

Về dân số, thầy Lê chỉ ra: Năm 2015 - 2016 Việt Nam đã đạt 91 triệu người, vậy mà theo SGK học sinh vẫn phải học các con số của năm 2006 là 84 triệu. Theo thầy, trong sách còn ghi “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”, trong khi Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khẳng định Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”…

Sách Địa lý lớp 11 cũng xa rời thực tiễn về kiến thức khi vẫn đề cập đến các nước có nền kinh tế phát triển nhưng… từ năm 2004 với thứ tự là Mỹ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức… “Nhiều năm qua vị thứ này đã liên tục thay đổi, Trung Quốc đã vượt mặt nhiều quốc gia khác để leo lên vị trí thứ hai nhưng vẫn chưa được cập nhật…”, thầy Lê nói.

Thầy Trần Văn Quang - Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT Trần Đại Nghĩa, TPHCM cũng cho rằng cần phải nhanh chóng thay đổi cho hợp lý SGK. Ông dẫn chứng ở SGK lớp 12, một số nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay, trong khi Atlat vẫn viết “còn đang xây dựng” như thủy điện Sơn La, Bản Vẽ, Xê xan 3, Xre Pok 3, 4… Cảng Đà Nẵng là cảng biển quốc tế từ lâu mà Atlat cũng như SGK vẫn chưa ghi là cảng biển quốc tế. Thậm chí, ở trang 133 SGK ghi có 5 sân bay quốc tế trong khi thực tế Việt Nam đã có 11 sân bay quốc tế…

Với môn Địa lớp 5, nội dung lại trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Chẳng hạn với bảng số liệu thống kê diện tích và dân số các châu lục,  các số liệu được đưa từ năm 2004 trong khi dân số các quốc gia hiện nay đã có sự chênh lệch rất lớn.

Trong sách Khoa học lớp 5 có hẳn nội dung về chăm sóc phụ nữ có thai. Cụ thể như chế độ dinh dưỡng, sinh nở, tuy nhiên những nội dung này đều được giáo viên đánh giá không phù hợp với độ tuổi của học sinh tiểu học.

Là môn học có tính thực tiễn hóa các môn khoa học như Vật lý, hóa học, sinh học... bởi vậy môn Công nghệ yêu cầu phải thực tế và có tính thời đại nhưng theo nhiều giáo viên giảng dạy thì đó lại là môn học lạc hậu nhất và ít được quan tâm nhất. Ví dụ: “Chương trình môn công nghệ lớp 12”, ở bài máy thu hình, SGK có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng. Hầu hết đã sử dụng đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số.

Sách giáo khoa lạc hậu, xa rời thực tế ảnh 1

Về tên gọi, thầy Quang cũng cho rằng SGK nên quốc tế hóa thay vì phiên âm. Ví dụ Oa sinh tơn - nên ghi Washington, Nữu ước rồi Niu- Óoc nên ghi New York… cần ghi đúng nguyên bản tiếng nước ngoài, nếu cần ghi phiên âm thì mở đóng ngoặc.

Theo các giáo viên, để học sinh không tụt hậu theo SGK, giáo viên phải cập nhật kiến thức mới cho học sinh nhưng cái khó là quy định lại yêu cầu giáo viên lấy SGK làm pháp lệnh, đề thi phải bám sát SGK. Thầy Lê trăn trở dù cập nhật thì không phải giáo viên nào cũng có nguồn tin chính xác. Và theo ông, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có khuyến cáo nào cho giáo viên nên lấy thông tin, số liệu của chỗ này, chỗ kia, dẫn đến mỗi người lấy một nguồn tin khác nhau.

Còn thầy Quang thì cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cập nhật kịp thời khi tái bản mỗi năm, chí ít là sau 5 năm, vì nhiều khi số liệu trong SGK hay trong Atlat đã lạc hậu, hay thời thế, chính sách, thể chế, kinh tế… đã thay đổi.

Xa rời thực tế

Ở SGK môn Kỹ thuật lớp 5 có dành chương II để nói về Kỹ thuật nuôi gà khiến cả giáo viên lẫn học sinh đều băn khoăn khi dạy và học. Tại chương này, học sinh được học đầy đủ từ việc chăm sóc, tìm kiếm thức ăn và phòng trừ dịch bệnh cho gà.

Một giáo viên, cho biết: “Thời đại hiện nay, các em học sinh thành phố ít được tiếp xúc với gà, thậm chí khi học các em cũng không thể thực hành, do đó việc dùng nguyên một chương sách để nói về kỹ thuật nuôi gà là không cần thiết và thiếu thực tế”. Anh Vũ Duy Sáu, phụ huynh em Vũ Thị Thùy Trang, học sinh tiểu học ở TPHCM nói rất bất ngờ đọc sơ qua về nội dung sách Kỹ thuật lớp 5. Theo anh Sáu tất cả học sinh đều ở thành phố hết thì lấy đâu gà cho các cháu tập nuôi hay thực hành.

Còn trong sách Khoa học lớp 5 có hẳn nội dung về chăm sóc phụ nữ có thai. Cụ thể như chế độ dinh dưỡng, sinh nở, tuy nhiên những nội dung này đều được giáo viên đánh giá không phù hợp với độ tuổi của học sinh tiểu học.

“Có nhiều bệnh như Viêm gan A, Viêm não được dạy rất kỹ trong sách Khoa học lớp 5 nhưng những bệnh này thường không thực sự phổ biến với học sinh. Trong khi những bệnh như cận thị, quai bị hay tay chân miệng là những bệnh thường xuyên xảy ra với các em lại không được nhắc tới. Do đó, không ít em dù mắc các bệnh lây lan như quai bị vẫn đi học bình thường”- một giáo viên phân tích.

'Do giáo viên không chịu cập nhật số liệu mới' (?!)

Ông Đỗ Ngọc Thống, Bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Bộ GD&ĐT), cho rằng, SGK hiện hành đã xuất bản được 14 năm đối với lớp 1, lớp 6 và 11 năm đối với lớp 10. Vì thế, những số liệu trong một số cuốn SGK hiện hành đã quá cũ là tất yếu. Tuy nhiên, SGK hàng năm không thể viết lại hoặc sửa chữa thay vào đó các số liệu phù hợp để in mới.

Giải quyết điều đó thế nào, theo ông Thống, giải pháp của Bộ GD&ĐT là phát huy tính chủ động tích cực của cán bộ chỉ đạo chuyên môn các cấp, các nhà trường và giáo viên bộ môn được phép chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo viên được linh hoạt phát triển chương trình môn học, trong đó có việc rà soát, xem xét loại bỏ các số liệu cũ, cập nhật số liệu mới. Chủ trương và giải pháp này đã được thể hiện rõ trong công văn 791, đã triển khai trong 3- 4 năm nay.

Theo ông Thống, SGK chỉ cập nhật được số liệu thời điểm xuất bản, sau đó, các trường, giáo viên phải biết tự phát triển chương trình môn học từ các nguồn thông tin chính thống để giảng dạy trên lớp.

Ông Thống cho rằng, sở dĩ một số giáo viên kêu ca, phàn nàn về những khó khăn trên hoặc là chưa tiếp cận được thông tin và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hoặc là “không chịu khó”, “quen lối bao cấp”, “không chịu tự chủ mà chỉ trông chờ Bộ, Sở giao cho cái gì thì dạy cái đấy”…

Tuy nhiên, về những bất cập nêu trên, theo ông Thống, với cách thi và ra đề hiện nay theo định hướng kiểm tra, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… nên không sa đà vào việc yêu cầu học sinh kể lể số liệu cụ thể vì vậy học sinh không phải lo lắng. 

Nguyễn Hà

Phải cấp thiết đổi mới SGK

SGK từng được coi là “khuôn vàng thước ngọc” đối với thầy cô và học sinh. Bởi vậy, Luật Giáo dục đã quy định “SGK là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học”.

Tuy nhiên, chất lượng SGK hiện nay như thế nào? Trong 15 năm trở lại đây, SGK đã thay đổi toàn diện về nội dung và hình thức. Nhưng trải qua thời gian với sự phát triển thay đổi của đất nước và thế giới, đặc biệt là những thay đổi trong hình thức thi cử của chúng ta thì SGK xuất hiện nhiều nội dung bất cập và lạc hậu gây nhiều khó khăn và bối rối cho thầy cô và các em học sinh.

Dù theo kế hoạch SGK được bổ sung chỉnh sửa định kì 5 năm một lần nhưng ở rất nhiều bộ môn nội dung SGK bị coi là lạc hậu quá sâu, có những nội dung lạc hậu tới hơn 10 năm như ở môn Sinh học, Địa lý, Kỹ thuật, Tin học...

Theo tôi, đổi mới SGK phải là việc làm đầu tiên và cấp thiết nhất trong đổi mới giáo dục. Để đưa đất nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp thì trước tiên phải bắt đầu từ đổi mới giáo dục mà trong đó đổi mới SGK phải được coi là việc đầu tiên.

Bùi Gia Nội 
(giáo viên Bộ môn Vật lý, TP Việt Trì, Phú Thọ)

MỚI - NÓNG