“Sách ít chữ”: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

“Sách ít chữ”: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học
"Sách ít chữ" thực chất là sách điện tử (ebook). Bằng phương pháp mô phỏng các kiến thức trong sách giáo khoa nhờ các phần mềm đồ họa của máy tính, "sách ít chữ" được xem là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học là một vấn đề rất cấp thiết ở Việt Nam, đã được nhiều nhà giáo dục học và cả các nhà chuyên môn tâm huyết đề cập đến rất nhiều trong các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây.

Ngoài việc đầu tư nhiều tiền bạc, công sức và xã hội hóa ngành giáo dục, để trang bị cơ sở hạ tầng như trường lớp, phòng thí nghiệm, các điều kiện học tập và nghiên cứu cho giáo viên và sinh viên. Nhưng thực tế, việc đầu tư đó không phải là nhỏ và chưa thể tiến hành ngay được trong điều kiện của Việt Nam và cũng chưa thể phát huy ngay được hiệu quả như chúng ta mong đợi, vì những lý do sau:

Chúng ta không có nhiều tiền để đầu tư đồng bộ cho tất cả các trường, các địa phương, các ngành học, hơn nữa việc tiếp nhận và quản lý, vận hành các cơ sở vật chất đó còn rất khác nhau ở các trường.

Vì vậy, tôi mạnh dạn đưa ra một giải pháp là biên soạn một loại sách điện tử tạm gọi là “Sách ít chữ” cho giáo viên và sinh viên các trường đại học và cao đẳng, để giảm thiểu việc học lý thuyết quá nhiều của sinh viên và đặc biệt là làm cho các giáo trình đó dễ hiểu hơn, hấp dẫn hơn, để nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng.

Vậy thực chất của “Sách ít chữ” là gì? Đó là một cuốn sách điện tử (ebook) được làm ra nhờ việc mô phỏng các kiến thức trong sách giáo khoa nhờ các phần mềm đồ họa đơn giản của máy tính như: Powerpoint, Flash, Autocad,… nhưng nó khác biệt hẳn với sách giáo khoa truyền thống và sách điện tử thông thường là nó sử dụng rất ít chữ để diễn tả nội dung (nó gần giống với các quyển truyện tranh của thiếu nhi).

Tất cả nội dung của cuốn sách sẽ được biểu diễn bằng hình ảnh động 2D và 3D. Người dạy chỉ việc dựa vào đó để thuyết giảng và sinh viên chỉ việc theo dõi các hình ảnh minh họa sống động kết hợp với việc nghe để hiểu bài.

Theo các nghiên cứu về giáo dục đã cho chúng ta thấy rằng tỷ lệ phần trăm tri thức thu nhận qua các giác quan ở người học là 11% qua đường thính giác và 83% qua đường thị giác. Như vậy, việc biên soạn “Sách ít chữ” là một cách thức khá đơn giản, nhưng rất hiệu quả cho việc cải tạo giáo trình giảng dạy, cách học, cách dạy ở bậc đại học.

Đặc biệt là việc biên soạn các kiểu sách như thế, sẽ giúp cho bộ đại học quản lý được chương trình khung, cũng như nội dung của việc giảng dạy. Chi phí cho việc biên soạn kiểu sách này cũng ít tốn kém, nhanh.

Hơn nữa, các loại sách như thế có thể giúp ít rất lớn cho người tự học từ xa và qua mạng hoặc hệ thống Internet, mà không có nhiều sự trợ giúp của người dạy.

Đặc biệt “Sách ít chữ” rất phù hợp với các môn học cơ bản như: vật lý, sinh học, kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc,… Những nội dung trừu tượng của khoa học và kỹ thuật sẽ được mô tả một cách không mấy khó khăn bằng các hình ảnh động.

Từ trước đến nay, việc học các môn học cơ bản và các môn kỹ thuật là rất khó đối với nhiều sinh viên, vì các kiến thức trong đó chỉ được mô tả bởi các nhà khoa học qua các nghiên cứu hoặc suy diễn của người viết, mà không có các hình ảnh minh họa đi kèm, hoặc nếu có đi chăng nữa thì các hình ảnh đó không được miêu tả cụ thể như thế nào.

Vì thế, người dạy cũng như người học phải tưởng tượng và hình dung ra các kiến thức mà người viết cần diễn đạt. Để có thể hiểu thấu đáo được các vấn đề thì yêu cầu người học phải đọc rất kỹ và nghe giảng bài.

Tôi hy vọng rằng, với gợi ý nhỏ bé trên sẽ được các nhà quản lý giáo dục nghiên cứu và có những chủ trương xây dựng các loại sách và giáo trình kiểu như thế phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và sinh viên Việt Nam trong tương lai gần.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.