Sách Tình huống giáo dục công dân 10: Nhiều lỗi ngớ ngẩn

Sách Tình huống giáo dục công dân 10: Nhiều lỗi ngớ ngẩn
Hàng nghìn, hàng vạn học sinh lớp 10 trên cả nước năm nay có nguy cơ phải thâu nạp thứ triết học "kinh khủng" từ cuốn "Tình huống Giáo dục công dân 10" do NXB Giáo dục phát hành.

Bởi đây là cuốn sách tham khảo chính thức do "nhà" của "Bộ" làm ra, có thể dùng cho cả giáo viên và học sinh khi học theo chương trình cải cách.

"Sai một ly", "đi" cả quá trình tiến hóa loài người!

Thực hiện chương trình cải cách giáo dục, năm nay là năm đầu tiên, tất cả các trường học trên toàn quốc đều dạy và học theo cuốn SGK Giáo dục công dân 10 mới do Mai Văn Bính chủ biên. Cuốn sách gồm những bài giảng "nhập môn" về triết học và đạo đức học với những thí dụ rất sinh động và có tính sư phạm cao.

Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình mới được triển khai, rất nhiều nơi đã tự biên tự diễn ra các cuốn sách hướng dẫn, bồi dưỡng, tham khảo, hoặc nâng cao để bán cho các trường; trong đó đáng kể nhất là cuốn Tình huống GDCD 10 của NXB Giáo dục.

Đáng kể nhất không phải chỉ vì đây là "nhà của Bộ" như đã nói, mà còn vì đã "vời" được hai tác giả SGK là Nguyễn Thị Thanh Mai và Lưu Thu Thủy cùng tham gia!

Năm học mới bắt đầu được nửa tháng, thì chúng tôi liên tiếp nhận được phản ứng từ các giáo viên và học sinh vì hàng chục, hàng trăm chỗ sai trong cuốn Tình huống... kể trên.

Trang 12 cuốn sách có bài viết về các sự kiện quan trọng trong quá trình phát sinh loài người, với "sự kiện" đầu tiên là "Bàn tay trở thành công cụ lao động".

Chỉ cần một kiến thức phổ thông thôi, ta cũng biết rằng, công cụ lao động là vật trung gian truyền dẫn sức lao động của con người đến đối tượng lao động, chứ không phải là một bộ phận nào đó trên cơ thể con người.

Con người tiến hóa được chính là vì đã không mãi dùng bàn tay hay một bộ phận nào đó trên cơ thể mình để làm "công cụ lao động" như dùng tay chân/ răng để bẻ/ tước cây... mà đã sử dụng các công cụ lao động như dao/ rìu/ cưa...

Tại sao lại có cái sai căn bản như vậy? Bài viết trên được chú thích là "theo sách Sinh học lớp 12, NXB GD, tái bản năm 2005". Chẳng nhẽ sách Sinh học 12 cũng sai như thế sao?

Cẩn thận, tôi đã mua cuốn "Sinh học lớp 12", thì trời ơi, trang 125 của cuốn này ghi nguyên văn "Bàn tay trở thành cơ quan chế tác công cụ lao động".

Đúng quá rồi. Hỏi ra mới biết, người làm sách Tình huống... đã tự tiện "cắt bớt" mấy chữ "cơ quan chế tác" cho gọn! Sai một ly, nhưng biến con người thành... con vật!

Chưa chuẩn ở nhiều chỗ

Cuốn sách có rất nhiều lỗi về nội dung, kiến thức cơ bản.

Trang 24 có sử dụng một câu chuyện khá kinh điển trong văn học: Vua Salomon xử kiện. Hai người đàn bà cùng tranh nhau đứa con. Nhà Vua bèn nói: "Gươm đây, chặt đứa bé ra làm đôi cho mỗi người một nửa". Dĩ nhiên, người mẹ thực sự không đồng ý. Nhờ đó nhà Vua biết ai là ai.

Tác giả cuốn sách dẫn ra câu chuyện này để minh chứng cho khái niệm "mâu thuẫn" trong triết học.

Tác giả hiểu sai nội dung câu chuyện cũng như kiến thức về mâu thuẫn trong sách giáo khoa.

Mấu chốt của cách giải quyết trong câu chuyện này dựa vào bản năng của người mẹ chứ không phải là vấn đề mâu thuẫn biện chứng. Vì vậy, tất cả những câu hỏi liên quan đến tình huống trên là không trúng. Rất nhiều những tình huống bị hiểu không trúng như vậy (thí dụ tình huống 2- tr.25)

Có rất nhiều cái sai mà các cậu học sinh trung học thường mắc phải khi học triết học, thì lại xuất hiện khá phổ biến trong cuốn sách này.

Tình huống 1 và Câu hỏi 1 (tr.42), tác giả đã dẫn ra một thông tin kinh tế về việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, con người của công ty Ôbayshi tại Hà Nội. Trong phần đặt câu hỏi, người viết sách đã đồng nhất một khái niệm triết học trừu tượng (khái niệm tồn tại xã hội) với những yếu tố cụ thể trong một tình huống cụ thể.

Các em học sinh sẽ trả lời thế nào về câu hỏi của tác giả: "Những yếu tố nào được gọi là tồn tại xã hội ở công ty Ôbayshi?"

Lại nữa: "Trong những tồn tại ấy, cái nào quan trọng nhất?", lấy đâu ra nhiều tồn tại xã hội mà có "những tồn tại ấy"?

Bởi "Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất.... " rồi kia mà!

Cẩu thả

Trang 17, sách dẫn ra một đoạn trong phần mở đầu của Thần thoại Hy Lạp. Đùng một cái tác giả đặt ra những câu mà đoạn trích trên cũng như toàn bộ Thần thoại Hy Lạp không đề cập đến.

Thí dụ như câu: Tại sao hai vị thần trong đoạn trích trên lại... lấy nhau!

Việc đó, hỏi các cụ tổ người Hy Lạp viết ra Thần thoại này cũng không biết và không lý giải được.

Chưa hết, tác giả lại bắt học sinh lấy kiến thức của Thần thoại làm kiến thức triết học: Em hãy lí giải vì sao Thế giới lúc đầu là một khối hỗn mang, chỉ có hỗn loạn, thế rồi từ đó đã sinh ra thế giới với bao điều kỳ lạ? Vậy là tác giả không những theo lập trường duy tâm mà còn viết sách tuyên truyền cho lập trường duy tâm.

Có thể kể đến hàng chục tình huống vừa ngớ ngẩn, vừa đặt không đúng với nội dung của bài học.

Câu hỏi 3, câu hỏi 4 (tr.19) đề cập đến mối liên hệ phổ biến trong khi chương trình Giáo dục công dân 10 không học về các nội dung này. Học sinh lấy đâu kiến thức mà trả lời?

Còn những lỗi sai về từ ngữ, chính tả cũng rất nhiều. Tr.34, tác giả sử dụng cụm từ "phủ định tình bạn" vừa sai về triết học vừa sai về ngữ pháp tiếng Việt. Người ta không nói/viết "phủ định tình bạn" mà chỉ nói/viết "phủ nhận tình bạn" thôi.

Những chỗ sai cơ bản mà chúng tôi liệt kê trên đây là chưa đầy đủ nhưng chỉ bằng chừng ấy lỗi thôi cũng đủ để biết được giá trị của cuốn sách này thế nào rồi.

Theo Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.