Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT 2006

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT 2006
TP- Ngày mai, HS lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT. Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD & ĐT) cho biết, đến thời điểm này, tất cả công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều đã sẵn sàng.
Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT 2006 ảnh 1
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT 2006 sẽ được giám sát chặt chẽ

Theo lịch làm việc trong kỳ thi do Bộ GD&ĐT quy định, hôm nay (30/5) là ngày làm việc đầu tiên của các Hội đồng coi thi. Từ ngày mai (31/5) đến 2/6 là những ngày diễn ra kỳ thi.

Đề thi chưa công bố là tài liệu tối mật

Với mỗi môn thi, có đề thi riêng cho HS học chương trình THPT không phân ban, phân ban thí điểm và giáo dục thường xuyên (bổ túc THPT).

Đề thi (cho tất cả đối tượng HS dự thi) do Cục KT&KĐCLGD đảm nhiệm khâu ra đề. Từ tuần trước, đề thi đã được gửi về các Sở GD&ĐT để sao in đủ số lượng để phát cho thí sinh khi bắt đầu làm bài thi.

Trong văn bản chỉ đạo, Cục KT&KĐCLGD đã yêu cầu các đơn vị “Cần nhận thức rõ: đề thi, đáp án (chưa công bố) là tài liệu tối mật... Triệt để chấp hành nguyên tắc bảo mật đề thi: Nơi in sao đề phải thực hiện 3 vòng cách ly; những người trực tiếp tiếp xúc với đề thi phải được cách ly triệt để”.

Nét đặc biệt của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với môn Ngoại ngữ. Một phòng thi sẽ có nhiều mã đề khác nhau.

Khâu coi thi: Quy định rõ trách nhiệm cá nhân

Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, vấn đề kỷ luật ở khâu coi thi được xem là khâu khó khăn nhất và bị dư luận phàn nàn nhiều nhất.

Hàng năm, trong công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, Bộ GD&ĐT đều nhắc nhở các Sở GD&ĐT tập trung làm tốt khâu này. Năm nay, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục yêu cầu “các đơn vị cần tập trung chỉ đạo công tác coi thi”.

Trong công tác coi thi, các Sở GD&ĐT phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tạo điều kiện cần thiết để người làm công tác coi thi thực hiện đúng chức trách của mình đồng thời kiên quyết ngăn chặn hiện tượng vi phạm quy chế. Chủ tịch Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm về những sai sót trong khâu coi thi tại Hội đồng mình phụ trách.

Với môn Ngoại ngữ, các cán bộ tham gia coi thi không chỉ phải đảm bảo kỷ luật phòng thi mà còn phải có trách nhiệm hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng quy trình làm bài thi trắc nghiệm: Điền thông tin vào 10 mục trên phiếu trả lời trắc nghiệm, cách giữ phiếu trả lời phẳng phiu, sạch sẽ... (để máy chấm được bài), cách tô đậm phương án trả lời.v.v...

Để giám sát việc tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra kiểm tra thi đột xuất ở một số Hội đồng coi thi ở các địa phương khác nhau. Đồng thời, tại mỗi tỉnh/ thành phố đều có đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT để giám sát và đôn đốc việc thực hiện quy chế thi.

Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD - Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra ở những địa phương nào năm ngoái có “vấn đề”.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ Đại học Quốc gia TPHCM, số lượng thí sinh thi khối D vào ĐHQG năm 2006 xấp xỉ 16.000.

Để phục vụ cho số lượng thí sinh dự thi khổng lồ như thế, ĐHQG đã chuẩn bị sẵn 4 máy phục vụ công tác thi trắc nghiệm. Tổng cộng 4 máy trung bình chấm khoảng 10.000 bài/lần.

Ngoài ra, các cán bộ coi thi của ĐHQG đã được phát tài liệu, tổ chức tập huấn về công tác thi trắc nghiệm. ĐHQG tuyên bố sẽ tổ chức kỳ thi trắc nghiệm ngoại ngữ lần đầu tiên đảm bảo đúng quy chế và an toàn. Theo đó, trường nào có ý định hợp tác tổ chức thi, chấm thi, ĐHQG cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Thí sinh được phép mang vào phòng thi

- Bút viết (không có gắn đèn phát ra ánh sáng), thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, com pa, ê ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

- Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học và Bảng tính tan (trong giờ thi môn Hóa học), Atlat Địa lý Việt Nam (trong giờ thi môn Địa lý). Các tài liệu này do NXB Giáo dục ấn hành và không được đánh dấu hoặc viết thêm bất kỳ nội dung gì.

Tại Đại học Ngân hàng, dù chỉ có ngành tiếng Anh Thương mại tổ chức thi khối D với số lượng thí sinh nộp đơn vào khoảng 2.000 (trên tổng số khoảng 13.000 toàn trường) nhưng trường cũng quyết định đầu tư gần 100 triệu để mua máy chấm thi trắc nghiệm, phục vụ môn thi Ngoại ngữ.

Với số lượng thí sinh nộp đơn không nhiều, lãnh đạo trường đã từng lên phương án kết hợp cùng một đơn vị khác chấm thi nhưng lo ngại phát sinh nhiều vấn đề nên quyết định tự đầu tư và chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm ngoại ngữ ngay tại trường.

Đại học Ngoại thương lại quyết định chọn phương án đưa tất cả bài làm môn Ngoại ngữ để Cục khảo thí tổ chức chấm. Đây có lẽ là phương án tối ưu nhằm giải quyết tình trạng bài thi “kẻ Nam người Bắc” tại trường này.

Số lượng thí sinh đăng ký thi vào khối D ĐH Ngoại thương năm 2006 là 3.200 (tại Hà Nội) và 2.000 (tại TP HCM). Kỳ thi bị phân tán tại hai nơi như thế, nên việc quyết định đưa bài thi về Cục khảo thí chứ không tổ chức chấm tại 2 nơi xem ra cũng là điều dễ hiểu.

Bị cảnh cáo trước hội đồng coi thi nếu vi phạm một trong các quy định sau:

1. Dùng mọi hình thức để chép bài của bạn, đã bị nhắc nhở đến lần thứ 2 mà vẫn tiếp tục vi phạm.
2. Cho bạn xem bài hoặc chuyển giấy nháp cho bạn, bị nhắc đến lần thứ 2

Bị đình chỉ thi hoặc hủy bài thi  nếu vi phạm một trong các điểm sau:

1. Mang tài liệu phục vụ cho nội dung thi, các vật dụng trái phép vào phòng thi, dù đã sử dụng hay chưa sử dụng. Một số địa phương (như Hà Nội) còn quy định rõ: Kể cả trường hợp HS vứt tài liệu thi trong khu vực thi sau khi thi xong nếu bị phát hiện thì vẫn bị xử lý.
2. Nhận bài giải sẵn của người bên ngoài đưa vào dưới bất kỳ hình thức nào.
3. Dùng bài làm hoặc giấy nháp của người khác để nộp bài thi của mình hoặc bài làm giống nhau do chép bài của nhau bị giám khảo phát hiện trong khi chấm.

Cấm thi từ 1 đến 2 năm nếu vi phạm vào một trong các khuyết điểm sau:

1. Hành hung cán bộ, GV và những người thi hành công vụ.
2. Gây rối làm mất trật tự an ninh tại khu vực thi.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.