Sẽ kiên quyết xử lý 681 ngành cao đẳng không đảm bảo chất lượng

Thi đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thi đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra thông báo danh sách 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước “không đảm bảo điều kiện” tuyển sinh vì các lý do chính: “không có sinh viên trong 3 năm”, “không đủ 4 thạc sĩ” để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về đội ngũ của điều kiện mở ngành. Theo quy định, các ngành đào tạo nói trên sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.

Theo bảng thống kê của Bộ GD&ĐT, dư luận không khỏi giật mình trước những con số báo động: khoảng 300 ngành đào tạo CĐ liên tiếp không tuyển được sinh viên, hàng trăm ngành đào tạo không có giảng viên trình độ thạc sĩ, thậm chí không có giảng viên; không ít ngành của nhiều trường không có giảng viên nào là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, hoặc tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành. Nhiều ngành đào tạo rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” vì không thầy, không trò, hoặc chỉ có 1 giáo viên cơ hữu có trình độ ĐH.

Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề.

Ông nhận xét gì về bảng thống kê về 681 ngành không đủ điều kiện theo khảo sát của Bộ GD&ĐT vừa qua?

Kết quả xử lý số liệu thống kê cho thấy còn nhiều ngành đào tạo của nhiều trường CĐ chưa đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ GD&ĐT đã thông báo kết quả xử lý ban đầu đối với 681 ngành thuộc 147 trường cao đẳng chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng; trong đó có 182 ngành của 46 trường không tuyển sinh được từ năm 2012 đến nay. Còn lại là không đảm bảo điều kiện mỗi ngành đào tạo phải “có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký”.

Trách  nhiệm của Bộ GD&ĐT ở đâu khi để xảy ra tình trạng này và Bộ sẽ xử lý các trường không đủ điều kiện trong danh sách như thế nào?

Đây mới chỉ là con số dự kiến ban đầu. Rút kinh nghiệm từ thực tế các lần rà soát, kiểm tra trước đây có không ít trường lấy số liệu từ các báo cáo có sẵn chưa được cập nhật nên không đúng thực trạng của chính trường mình.

Để bảo đảm độ tin cậy của cơ sở dữ liệu và tránh việc có trường bị xử lý do báo cáo chưa cập nhật, lần này Bộ GD&ĐT có “dự lệnh” cho các trường trước khi quyết định dừng tuyển sinh. Từ ngày được thông báo, 13/2/2015, đến 6/3/2015, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường CĐ có ngành bị cảnh báo dừng tuyển sinh phải kiểm tra lại báo cáo thống kê của trường mình, kiểm tra số lượng sinh viên hiện có và đội ngũ giảng viên cơ hữu theo ngành đào tạo.

Nếu thấy cần thiết, trường gửi báo cáo thống kê bổ sung kèm theo các minh chứng liên quan về Bộ để kiểm tra; nếu đủ độ tin cậy, Bộ sẽ cập nhật lại cơ sở dữ liệu.

Sẽ kiên quyết xử lý 681 ngành cao đẳng không đảm bảo chất lượng ảnh 1  Ông Bùi Anh Tuấn.

Các em đã thi vào những ngành bị đình chỉ sẽ học ở đâu?

Nếu các ngành hoặc một số ngành trên chính thức bị đình chỉ tuyển sinh năm 2015 thì sinh viên đang học vẫn tiếp tục học tại trường của mình (dừng tuyển sinh chủ yếu là để thu hẹp quy mô, củng cố điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, không phải là dừng đào tạo).

“Sau ngày 6/3/2015, nếu những trường đã được cảnh báo không gửi lại báo cáo về Bộ kèm theo các minh chứng liên quan theo quy định hoặc có gửi báo cáo bổ sung nhưng không có minh chứng hoặc minh chứng không đủ điều kiện chấp nhận, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết xử lý đình chỉ tuyển sinh năm 2015 đối với ngành đào tạo theo quy định”.

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

Các thí sinh năm 2015 có nguyện vọng vào học các ngành của trường bị dừng tuyển sinh vẫn có thể lựa chọn vào học tại các trường khác đang đào tạo ngành đó. Thực tế, mỗi ngành học thường có một số hoặc nhiều trường cùng đào tạo, trừ những trường hợp thật đặc biệt hoặc ngành đào tạo thí điểm. Khi xử lý chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc thêm để có chính sách thỏa đáng đối với các ngành đặc thù hoặc đối với các cơ sở đào tạo ở các vùng còn thiếu nhân lực như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Dư luận đồng tình với việc rà soát lại hệ thống để đảm bảo chất lượng trong thời gian vừa qua của Bộ GD&ĐT. Năm 2015, Bộ sẽ làm gì tiếp để nâng cao chất lượng đào tạo?

Năm 2015, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các trường trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, cân đối quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Sắp tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết thu hồi quyết định mở ngành đối với một số ngành của cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ đã hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh.

Cuối năm 2015, đến hạn rà soát lại các ngành đào tạo trình độ ĐH đã bị dừng tuyển sinh, chúng tôi tiếp tục kiểm tra việc khắc phục nguyên nhân để quyết định cho tiếp tục tuyển sinh hay không.

Đồng thời, cũng trong năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên của các trường để kiểm tra lại ngay từ trước khi quyết định cho phép mở ngành.

 Cám ơn ông!

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.