Chương trình tiên tiến trong đào tạo đại học:

Sẽ tăng học phí để tồn tại?

Sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Thủy lợi với giảng viên nước ngoài.
Sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Thủy lợi với giảng viên nước ngoài.
TP - Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015” được Bộ GD&ĐT giao cho 23 trường ĐH thực hiện. Đến nay, đề án đã kết thúc, các trường nếu tiếp tục chương trình tiên tiến sẽ phải tự chủ tài chính.

Khởi đầu khó khăn

Năm 2010, ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo chương trình tiên tiến ngành Khoa học và quản lý môi trường. Đây là chương trình liên kết với ĐH California Davis, Mỹ. Ông Hà Xuân Linh, Phó chánh văn phòng ĐH Thái Nguyên, kể: “Những ngày đầu khó khăn lắm. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên rất thấp. Khóa đầu tiên, chúng tôi tuyển sinh được 56 sinh viên. Nhưng rất nhiều sinh viên, trình độ tiếng Anh bằng 0”.

PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, cho biết, đối với các trường khối kỹ thuật, ngoại ngữ không phải là điểm mạnh của sinh viên. Chính vì vậy, khó khăn của chương trình tiên tiến là trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên khá thấp.

Hết hỗ trợ, sẽ tăng học phí

Một trong những thành công của chương trình tiên tiến là chất lượng đầu ra của người học. Lãnh đạo ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên cho biết, tuy mới có 1 khóa ra trường, nhưng nhìn chung, phản hồi của thị trường lao động, các cơ quan… nơi có sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến làm việc là khá tốt. “Sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến sau khi tốt nghiệp thường có 3 hướng đi chính: làm việc tại các đơn vị tư nhân, công tác tại các trường ĐH, học thạc sĩ trong nước và nước ngoài. Trong số 30 sinh viên đã tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường có 10 người làm việc tại các trường ĐH, CĐ công lập, 7 người làm việc tại cơ quan liên doanh với nước ngoài...”, vị lãnh đạo nói.

Một thành công khác của chương trình này là thu hút được sinh viên nước ngoài đến học. Tại ĐH Nông lâm Thái Nguyên, đã có 73 sinh viên đến từ Philippines, Indonesia, Lào và Campuchia nhập học. Nhà trường còn tiếp nhận 20 lượt sinh viên đến từ Thụy Điển, Slovenia, Thái Lan, Indonesia sang học tập. Tại ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, trong 5 năm triển khai chương trình, đã có 11 sinh viên quốc tế đến học toàn khóa và 10 sinh viên Mỹ đến học một phần…

Tuy nhiên, năm 2015, đề án chương trình tiên tiến của Bộ GD&ĐT kết thúc, thách thức của các trường chính là thu hút được thí sinh và đảm bảo kinh phí để đào tạo, nhất là đối với các trường khu vực miền núi. Ông Phan Quang Thế, Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, cho biết, hiện tại, học phí của trường là 1,7 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với học phí đại trà. Tại ĐH Thủy lợi, ông Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng đào tạo, cho biết, chương trình tiên tiến của trường sẽ vẫn tiếp tục. Không còn sự hỗ trợ từ phía ngân sách nhà nước nên trường dự kiến tăng học phí để đảm bảo kinh phí đào tạo.

Về chương trình này, ông Nguyễn Văn Hựu, Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết, đến nay đã có 15/23 trường thực hiện đề án tổng kết. Về cơ bản, các mục tiêu của đề án đặt ra đều đạt được. Riêng mục tiêu thu hút 3.000 sinh viên quốc tế nhập học vào năm 2015 là khó khả thi nhất. Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết đề án sau khi các trường tổng kết xong và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT. Về kinh phí, khi tham gia đề án, các trường đều biết Chính phủ chỉ hỗ trợ đào tạo 3 khóa. Thời gian tới,  có hỗ trợ tài chính tiếp hay không không phải do Bộ GD&ĐT quyết định.

Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015” đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2015 triển khai thực hiện được ít nhất 30 chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam; có khoảng 4.000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo theo các chương trình đào tạo tiên tiến; thu hút khoảng 3.000 sinh viên quốc tế đến học tập; đào tạo được 1.000 giảng viên đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.