Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2015:

Sĩ tử kiệt sức vì nắng nóng

Nắng nóng kéo dài khiến các thí sinh dự thi THPT Quốc gia mệt mỏi (ảnh chụp lúc 14h chiều ngày 3/7/2015 tại hội đồng thi trường ĐH Thủy Lợi, Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Nắng nóng kéo dài khiến các thí sinh dự thi THPT Quốc gia mệt mỏi (ảnh chụp lúc 14h chiều ngày 3/7/2015 tại hội đồng thi trường ĐH Thủy Lợi, Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Mặc dù đã qua đợt đỉnh điểm nắng nóng, nhưng Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn nóng hầm hập, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của thí sinh, người nhà và các tình nguyện viên.

Không ngủ được vì nóng

Trong không khí bỏng rát của nắng tháng 7 trước điểm Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, như nhiều phụ huynh thí sinh khác, ông Lê Văn Thanh (41 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngồi chờ con Lê Xuân Thịnh. Ông Thanh cho biết, phòng trọ nhỏ chưa đầy 10m2 có mái lợp bờ rô xi măng và chỉ có một cái quạt điện nhưng có tới 8 người thuê, giá 50.000 đồng/người/ngày. “Đêm không ngủ được, tôi toàn cầm quạt giấy ra ngoài sân. Bọn nhỏ cũng trải chiếu ra trước cửa phòng tranh thủ xem lại bài cho môn thi hôm sau. Gần sáng, trời dịu hơn mới ngủ được thì 5h30 lại dậy đưa con đi thi”, ông Thanh nói.

Bà Tống Thị Phương (43 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) và con trai thi tại điểm Trường ĐH Xây dựng thuê được phòng ở KTX ĐH Bách khoa. Điện nước đầy đủ, phòng rộng rãi, nhưng vẫn không tránh được sự khắc nghiệt của nắng nóng. Bà Phương cho hay: “Phòng ở tầng hai, trước cửa có cây xanh rồi mà vẫn nóng. Tôi phải thuê thêm cái quạt điện dành riêng cho con”. Bà Phương lo lắng vì con ốm từ hôm lên Hà Nội đến giờ.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và việc sinh hoạt, thời tiết nắng nóng còn giảm sự tập trung làm bài thi của các thí sinh. Tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, không ít thí sinh như Bùi Xuân Hoàng (SN 1997, Thanh Trì, Hà Nội), Đinh Thị Thúy Hằng (SN 1997, Xuân Trường, Nam Định) cho rằng nắng nóng khó tập trung cao độ khi làm bài thi. “Thời tiết nắng nóng, phòng thi của em lại là nhà cấp 4 nên rất oi bức. Nhiều lúc phải lấy giấy quạt cho đỡ nóng. Thời tiết này làm giảm một nửa sự tập trung”, Thúy Hằng nói.

Dù không bị tác động mạnh của hiệu ứng bê tông hóa, thiếu cây xanh như Hà Nội nhưng cụm thi Thái Bình (do ĐH Y Thái Bình chủ trì) dành cho thí sinh hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên cũng phải chịu cảnh ngày nắng nóng khủng khiếp.

Nguyễn Thị Huyền Trang, Trường THPT Nguyễn Siêu (Khoái Châu, Hưng Yên) dự thi tại THPT Nguyễn Trãi (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, liên tiếp hai đêm nay em chỉ chợp mắt được khoảng hơn 1 tiếng mỗi đêm vì thời tiết nóng bức. “Trời nóng cộng với lo lắng, hồi hộp nên khoảng 4h sáng em mới ngủ được. 5h, em đã phải dậy để chuẩn bị đi thi”.

Dù được dự thi trong tỉnh, nhưng từ huyện Đông Hưng sang Vũ Thư (Thái Bình) xa hơn 30km nên chị Phạm Thị Vân ở nhờ nhà người quen trên thành phố, cách điểm thi 5km. 5h30 sáng, hai mẹ con chị đã rời khỏi nhà để tránh nắng.

Vì nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện - nước tăng cao. Chỗ thuê trọ của mẹ con chị Nguyễn Thị Oanh (Văn Giang, Hưng Yên) trên đường Hoàng Công Chất (TP Thái Bình) hay bị mất điện, nước. “Không điện, không nước khổ lắm, con học không được mà ngủ cũng chẳng xong”, chị Oanh nói.

Sáng 3/7, thi xong môn Địa lý, nhiều nhóm các phụ huynh, thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi quyết định không về nhà trọ mà nán lại khu khuôn viên của trường để tránh nóng.

Thí sinh Nguyễn Thị Thảo, quê Hà Nam, cùng mẹ lên Hà Nội được mấy ngày nhưng em vẫn chưa quen được cái nắng khắc nghiệt nơi đây. Khuôn mặt tái nhợt, Thảo cho biết, cô được mẹ thuê cho 1 căn phòng trọ trên tầng 4 gần điểm Trường ĐH Thủy lợi với mức giá 120.000 đồng/người/ngày. “Em với mẹ chỉ về phòng ngủ buổi tối, ban ngày ăn uống ở quán, rồi ngồi ôn bài ở khuôn viên trường”, Thảo cho biết.

Dưới tán cây xà cừ ở khuôn viên ĐH Thủy lợi, thí sinh Hoàng Văn Nam, quê Hà Nam đang ngủ thiêm thiếp. Ông Hiếu, bố Nam cho biết: “Đem con đi thi về muốn tắm rửa cho mát cũng khó, vì téc nước gia đình chủ để ngoài trời nắng làm nước nóng pha được cả mỳ tôm. Phải đợi đến đêm, nước mát lại mới tắm được. Đêm qua hai bố con nằm đến hơn 1h sáng mà không tài nào ngủ nổi vì nóng”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, quê Hà Nam còn chuẩn bị sẵn cả chiếu, để con trai tranh thủ ngủ trưa tại chỗ. “Hai bố con tôi thuê phòng trọ mỗi ngày mất 200.000 đồng nhưng mấy ngày qua nắng quá có ở được trong phòng đâu. Buổi tối, hai bố con lại mang chiếu lên sân thượng và ngủ trên đó luôn cho có gió, chứ nằm ở phòng không tài nào ngủ được”, ông Hùng nói.

Sĩ tử kiệt sức vì nắng nóng ảnh 1

Thí sinh mệt mỏi vì nắng nóng trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Sốt, tụt huyết áp vì nắng nóng

Ngồi chờ con gái làm bài thi môn Hóa ở quán nước tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN) bà Nguyễn Thị Thanh, quê Nam Định cho biết: “Xong hai ngày thi đầu tiên, thấy con gái sốt cao đột ngột, chân tay lạnh buốt nhưng toát mồ hôi. Đem con ra phòng khám gần chỗ trọ thì được biết do nắng nóng không chịu ăn uống gì, mất nước nên bị tụt huyết áp phải truyền bổ sung nước”.

Tại các điểm thi khác như: THPT Sơn Tây, Trung tâm giáo dục Thường xuyên Thường Tín… cũng tăng cường quạt, mái che, cho thí sinh đem nước vào phòng thi, đổi phòng nóng sang phòng mát. Theo điểm trưởng các điểm thi, kỳ thi đại học lâu nay luôn vào dịp nắng nóng đỉnh điểm nên không chỉ người nhà, thí sinh khổ mà cán bộ phục vụ thi cũng kiệt sức. Ông Phan Văn Hoan, điểm trưởng THPT Sơn Tây nói: “Những người có tuổi, đi vài vòng trong sân trường cũng đầm đìa mồ hôi”.

Nên thay đổi thời điểm thi

Nhiều phụ huynh khi được hỏi cho biết, năm nào con đi thi cũng đúng vào đợt nắng nóng. “Kể lùi lại được một chút thì tốt, thí sinh và phụ huynh đỡ quay quắt chống chọi với nắng nóng”, bà Tống Thị Phương, một phụ huynh đưa con đi thi nói.

Chị Nguyễn Thị Tú (xã Đoan Hùng, Hưng Hà, Thái Bình) mong kỳ thi diễn ra vào thời điểm mát mẻ hơn.

Theo anh Nguyễn Bá Quỳnh (Khoái Châu, Hưng Yên), kỳ thi THPT Quốc gia nên có sự dịch chuyển thời gian để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh và phụ huynh.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Mạnh, một phụ huynh bày tỏ: “Tôi chẳng thấy quốc gia nào việc thi cử lại vất vả như thế này. Năm nào kỳ thi cũng diễn ra vào thời điểm nắng nóng, thí sinh, phụ huynh vất vả mà không có sự thay đổi thời điểm cho hợp lý. Cũng là mùa hè, nhưng có những thời điểm hợp lý hơn về thời tiết mà vẫn đảm bảo chất lượng học cho các cháu”.

Nắng nóng, thí sinh ngất xỉu phải nhập viện 

Tin từ Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế chiều 3/7 cho biết, bệnh viện này vừa cấp cứu một trường hợp thí sinh nhập viện trong tình trạng ngất xỉu do nắng nóng, căng thẳng.

Bệnh nhân nhập viện trưa 3/7 là thí sinh Võ Thị Hằng (đến từ xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), dự thi THPT quốc gia tại cụm 26 do ĐH Huế chủ trì. Trong lúc làm bài thi môn Địa lý tại điểm thi trường THCS Phạm Văn Đồng (thành phố Huế), Hằng bất ngờ bị đột quỵ do quá căng thẳng, nắng nóng. Được biết, đây là trường hợp thí sinh thứ 3 tại cụm thi Huế nhập viện cấp cứu do đột quỵ vì nắng nóng, căng thẳng hoặc phát bệnh đột xuất.

Ngọc Văn

Vượt gần 70 km từ Hương Khê, Hà Tĩnh ra TP Vinh, Nghệ An tham gia kỳ thi, mẹ con chị Trần Thị Duyên cho biết: “Thời tiết quá nắng, bữa đầu ra cứ tưởng con không thể tiếp tục thi được vì sức khỏe yếu, cảm sốt tôi phải đi mua thuốc cho con và động viên để con tiếp tục thi”. Chạy quanh các điểm thi và công viên trên địa bàn TP Vinh, không khó để bắt gặp cảnh thí sinh ngồi trên ghế đá trốn nóng để tranh thủ ôn lại bài. Em Đặng Thị Hiền (Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết, ở trong phòng nóng quá, không thể nào tập trung được, ra chỗ có bóng cây dù hơi ồn ào nhưng đỡ nóng còn ôn bài được. Nhiều phụ huynh mang theo võng, chiếu. Võng mắc vào gốc thân cây, thêm tờ báo phủ kín đầu, có người quá mỏi mệt nên ngủ thiếp đi bất chấp cái nóng hừng hực.

Ngay cả khi vào trong phòng thi mặc dù có đầy đủ quạt mát nhưng nắng nóng vẫn làm cho chất lượng làm bài của thí sinh giảm đi rất nhiều, nhất là những môn tự luận. Chia sẻ với chúng tôi, em Nguyễn Thị Hương (Nghĩa Đàn, Nghệ An) nói: “Sáng hôm qua thi Văn em chỉ muốn làm bài thật nhanh để ra khỏi phòng thi, chứ trong đó nóng quá, em làm không thực sự được như ý muốn. Bao nhiêu kiến thức học được, làm bài chưa thỏa mãn vì trời quá nóng!”.

Cảnh Huệ - Quang Long - Văn Bình

MỚI - NÓNG