Sinh khí dạy học - bàn chuyện tiếp lửa học đường

Sinh khí dạy học - bàn chuyện tiếp lửa học đường
TP - Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa, Hà Nội vừa tổ chức một cuộc hội thảo đặc biệt. Những người tâm huyết với nghề đã bàn luận sôi nổi về sinh khí dạy và học - điều đang thiếu vắng hiện nay .

> Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học
> Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa

Ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, cô giáo Ngô Thị Thành (môn Lịch sử) coi sinh khí là “mắt xích đầu tiên”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh dạy môn Tin học lại cho rằng đó là cái đạt đến sau cùng với một sơ đồ minh chứng đầy thuyết phục, có cô giáo dạy văn lại cho sinh khí là tiếp lửa.

Còn cô giáo dạy Giáo dục công dân lại nhấn mạnh sinh khí là tâm thế của người thầy. Dù theo cách nghĩ nào thì Sinh khí cũng là điều không thể thiếu trong mỗi giờ dạy.

Là một cô giáo rất say nghề, cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Hoàng Cầu đã khẳng định đầy thuyết phục về “Âm nhạc - Hiệu ứng khơi nguồn sinh khí cho giờ dạy và học văn”.

Cô Lan giải thích bằng những clip âm nhạc mà tổ văn trường cô vẫn đem đến cho học trò để giờ văn có sinh khí.

Đứng ở góc độ của một người làm quản lý, phụ trách hoạt động chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa đặt câu hỏi: Ai sẽ là người khơi dậy và tiếp thêm lửa nhiệt tình, say mê, để giáo viên cháy hết mình” trong giờ dạy, để mỗi giờ học luôn tràn đầy sinh khí?

Cô Hà nói: Tôi nhớ một câu nói của nhà văn Nam Cao thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, câu nói thể hiện ý thức trách nhiệm công dân của một nhà văn trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước: “Sống rồi hãy viết. Làm công việc không nghệ thuật lúc này là để chuẩn bị cho tôi một nghệ thuật cao hơn”.

Nhưng, ngày hôm nay, câu nói đó được một số giáo viên vận dụng và đọc “lái” thành: “Sống đã rồi mới say nghề. Làm công việc không sư phạm lúc này là để chuẩn bị cho tôi một nghệ thuật sư phạm cao hơn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG