Sinh viên thất nghiệp do thiếu phân luồng

Năm 2018, học sinh Việt Nam sẽ áp dụng chương trình đổi mới toàn diện. Ảnh: Như Ý
Năm 2018, học sinh Việt Nam sẽ áp dụng chương trình đổi mới toàn diện. Ảnh: Như Ý
TP - Lâu nay, học sinh đi học để thi cử, cả nền giáo dục chỉ phục vụ việc vượt cấp, không vì mục đích đào tạo con người để làm việc.  

Ngày 23/10, góp ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, chương trình đổi mới đang bỏ ngỏ vấn đề phân luồng, đào tạo giáo viên. Hậu quả của việc không phân luồng khiến hàng nghìn sinh viên học xong đại học rồi thất nghiệp.

TS Lê Viết Khuyến, Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Đại học thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cho rằng, khi nhận được thông tin ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã học tập kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia mới làm chương trình ông thấy vừa mừng, vừa lo. 

Theo ông Khuyến, mỗi quốc gia có đặc điểm kinh tế, xã hội khác nhau, nếu không xác định được nền giáo dục của nước mình đi theo luồng nào thì lại học tập theo kiểu chắp vá sẽ không đạt hiệu quả. Ông Khuyến cho rằng chương trình chưa thấy rõ việc phân luồng học sinh. “Việc phân luồng rất quan trọng vì nó giúp học sinh sớm định hướng được tương lai, nghề nghiệp chứ không phải cứ học mãi một con đường lên đại học rồi thất nghiệp như những năm qua”, ông Khuyến nói.

Ông Khuyến ví dụ, ở Đài Loan, học sinh tốt nghiệp THCS trong năm khoảng 33.000 học sinh thì chỉ có 1/3 học tiếp vào THPT để thi vào ĐH, 2/3 số còn lại đã lựa chọn đi học nghề. Điều này, khiến xã hội cân bằng được nguồn lực lao động, vừa có lực lượng tri thức, nghiên cứu vừa có lực lượng làm thợ, làm nghề. 

Ông Hồ Quang Diệu, ủy viên Hội đồng đào tạo giáo dục THPT chia sẻ, khi nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông thấy, chương trình vẫn chưa rõ việc phân luồng như cũ, chương trình đổi mới nhưng giáo viên vẫn cũ. Việc dạy học tích hợp và phân hóa sẽ khiến giáo viên vừa thiếu, vừa thừa…

PGS Văn Như Cương cho rằng, xã hội đang gánh chịu hậu quả của việc học tập không phân luồng của những năm trước chính là việc học sinh cố học bằng được đại học để rồi thất nghiệp. Theo ông Cương, lâu nay, học sinh đi học để thi cử, cả nền giáo dục chỉ phục vụ việc vượt cấp, không vì mục đích đào tạo con người để làm việc.

Chưa chú trọng đào tạo giáo viên

Chiều 5/8, Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó, chia làm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS; giáo dục định hướng nghề nghiệp là 3 năm THPT. 

Trong chương trình mới, học sinh được lựa chọn môn học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo…Chương trình lấy ý kiến rộng rãi của nhiều tổ chức xã hội sau đó hoàn thiện và sẽ áp dụng vào thực tiễn năm 2018. Trên thực tế, hiện nay một số phương pháp đổi mới giáo dục đã được Bộ GD&ĐT triển khai vào các cơ sở trường học như: bàn tay nặn bột, dạy học tích hợp... 

Tuy nhiên, góp ý vào chương trình đổi mới, nhiều ý kiến cho rằng, dường như Bộ GD&ĐT “vừa chạy vừa xếp hàng” khi chưa có chương trình đề án đào tạo giáo viên, chưa lấy ý kiến rộng rãi của dư luận về chương trình mới.

Theo các chuyên gia giáo dục, trước hết ban soạn thảo cũng như các nhà quản lý giáo dục phải xác định được hệ thống giáo dục Việt Nam trong những năm tới. Sau đó mới phân định ra các đề án nhỏ như: đào tạo giáo viên mới, bồi dưỡng giáo viên cũ, xây dựng các môn học cụ thể… 

Một trong những vấn đề khiến các chuyên gia lo lắng khi Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo viên cũ khó có thể dạy liên môn tích hợp. Ông Lê Viết Khuyến nói: “Không thể đòi hỏi giáo viên Toán phải dạy Vật lý, Hóa học hay giáo viên Văn dạy Sử, Địa vì đào tạo 4 năm trong trường ĐH chỉ dạy một môn chất lượng còn chưa rõ đừng nói chuyện tập huấn vài ba ngày là xong”.

TS Nguyễn Như Ý, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị có thể bớt những môn học không cần thiết, thay vào đó là những môn học sinh đang thiếu, yếu. Muốn thực hiện đổi mới, trước hết phải chú trọng đào tạo giáo viên, lập ủy ban giáo dục để có nghiên cứu, rút ra kinh nghiệm đúng, sai trong quá trình đổi mới.

 “Giáo dục là để chuẩn bị nhân lực cho cả xã hội về sau. Nếu không tính toán, phân luồng thì hệ thống giáo dục phổ thông có tốt đến mấy cũng không có nguồn nhân lực phù hợp cho xã hội”, ông Ý nói.

Ông Trần Đức Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp ý, nội dung môn học thế nào chưa được nói đến, bối cảnh nền giáo dục Việt Nam, thế giới hiện nay như thế nào để đi đến việc xây dựng chương trình mới là chưa có. 

Ông Tuấn cho rằng, theo xu thế của giáo dục thế giới, ban soạn thảo chương trình phải xác định được 3 nội dung: lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ dạy học và giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững. Trong chương trình đổi mới, ba yếu tố này khá mờ nhạt, thiếu tính định hướng cho các giai đoạn tiếp theo.  

Theo PGS Văn Như Cương, xã hội đang gánh chịu hậu quả của việc học tập không phân luồng của những năm trước chính là việc học sinh cố học bằng được đại học để rồi thất nghiệp. Lâu nay, học sinh đi học để thi cử, cả nền giáo dục chỉ phục vụ việc vượt cấp, không vì mục đích đào tạo con người để làm việc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.