Sợ quyền uy hiệu trưởng, giáo viên không dám phản biện

Thầy và trò Trường Ernst Thalmann (quận 1, TP HCM) sáng chế đèn chiếu sáng cho dân nghèo Ảnh: ĐẶNG TRINH
Thầy và trò Trường Ernst Thalmann (quận 1, TP HCM) sáng chế đèn chiếu sáng cho dân nghèo Ảnh: ĐẶNG TRINH
Tình trạng thiếu dân chủ trong không ít nhà trường hiện nay khiến cho việc phản biện của giáo viên về những vấn đề bất hợp lý ngày càng ít đi, nhiều người phải im lặng để được yên thân

“Tại hội nghị thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định đang tồn tại một thực tế là “quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to” trong lĩnh vực giáo dục”, điều đó nói lên tình trạng thiếu dân chủ trong không ít nhà trường hiện nay.

Quyền giáo viên chưa thực hiện đầy đủ

“Quyền của giáo viên” quy định trong Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không được hiệu trưởng nhà trường thực hiện đầy đủ.

Thực trạng hiện nay cho thấy trong nhiều trường học, không ít hiệu trưởng “liên kết” được xung quanh mình một “tập thể lãnh đạo” gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư Đoàn, chủ tịch Công đoàn, các tổ trưởng chuyên môn. Ban lãnh đạo này chỉ đạo và quyết định mọi hoạt động nhà trường.

Nếu như tất cả thành viên trong tập thể lãnh đạo có năng lực quản lý, có chuyên môn vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho hiệu trưởng trong công tác quản lý trường học, trong việc thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ trong nhà trường. Thế nhưng, có những hiệu trưởng tài năng quản lý kém cỏi nhưng “được lòng” cấp trên, từ đó tạo ra một tập thể lãnh đạo rất “ăn ý” và “kết nối” thêm không ít giáo viên trong trường làm hậu thuẫn. Thế là hiệu trưởng tự cho mình có “quyền hành” tuyệt đối trong tay và tận dụng thế mạnh đó để mạnh tay nhằm vào những giáo viên dám có ý kiến trái chiều với chỉ đạo của mình.

Do vậy, “những việc cán bộ, giáo viên được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường” (điều 7 Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường ban hành kèm theo Quyết định số 04/2000/QĐ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không được thực hiện đầy đủ trong nhà trường.

Việc hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị kỷ luật, bị cách chức mới đây là một minh chứng cho quyền uy của hiệu trưởng trong trường phổ thông.

Im lặng để không mất danh hiệu thi đua

“Quy chế chi tiêu nội bộ” trong nhiều trường học có quy định phân chia cho cán bộ, giáo viên, nhân viên khoản tiền “tăng thu nhập” sau khi nhà trường tiết kiệm các khoản chi hoạt động trong năm. Đây là khoản thu nhập thêm mà tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên đều quan tâm.

Có trường căn cứ vào danh hiệu thi đua của giáo viên đạt được trong năm học (thực hiện theo Thông tư số 12/2012/TT của Bộ GD-ĐT) để chia khoản tiền này. Theo đó, nếu như không đạt các danh hiệu thi đua từ lao động tiên tiến trở lên thì sẽ không được hưởng khoản thu nhập này.

Thế nên, không ít cán bộ, giáo viên, nhân viên phải im lặng để không bị mất danh hiệu thi đua. Họ có thể bị hiệu trưởng, hội đồng thi đua - khen thưởng nhà trường nhận xét: “Không chấp hành tốt nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; không có tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp…” (tiêu chuẩn chung của danh hiệu lao động tiên tiến theo Thông tư 12), mà hội đồng thi đua - khen thưởng nhà trường là “tập thể lãnh đạo” đồng thuận theo ý kiến của hiệu trưởng.

Có trường căn cứ vào việc đánh giá, phân loại cán bộ - viên chức hằng năm (thực hiện theo Nghị định 56/2015/ NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức) để chia khoản tiền này. Theo đó, nếu như bị phân loại không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ không được chia khoản tăng thu nhập.

Bởi thế, không ít cán bộ, giáo viên, nhân viên không dám có ý kiến phản biện với ý kiến chỉ đạo của hiệu trưởng dù bất hợp lý. Họ đành im lặng để cuối năm không bị hiệu trưởng phân loại viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, do có thể bị quy có hành vi chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị (điều 28 Nghị định 56) và tất nhiên được “tập thể lãnh đạo” của trường thống nhất với ý kiến của hiệu trưởng.

Chính các quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ trong nhà trường cùng với việc hành xử của hiệu trưởng dựa vào “tập thể lãnh đạo” được gắn kết vì quyền lợi của họ nên có thể nói giờ đây, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường học phần nhiều là an phận. Hiệu trưởng nói gì họ cũng... im lặng và dân chủ trong trường học chỉ còn là hình thức.

Họp hội đồng sư phạm, chỉ hiệu trưởng… độc thoại

Vấn đề dân chủ trong trường học đang được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết. Từ sau vụ Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vi phạm quy chế dân chủ trong việc “bưng bít” tiếng nói phản biện, tố cáo của giáo viên, câu hỏi liên tục được đặt ra: Dân chủ trong trường học có thật sự chỉ mang tính hình thức và lý thuyết suông?

Điều này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to”. Điều ấy quả không sai. Hạnh phúc cho giáo viên và học sinh khi có một người thủ trưởng đơn vị có tài, có tâm, có tầm. Và cũng bất hạnh thay khi người đứng đầu đơn vị trường học mang tư tưởng bảo thủ, gia trưởng, độc đoán.

Khi quyền lực quản lý, điều hành công tác giáo dục tập trung vào tay hiệu trưởng kết hợp với cơ chế tự chủ về tài chính, không hiếm trường hợp hiệu trưởng biến thành “ông trời con”. Mọi mệnh lệnh của hiệu trưởng phải chấp hành tuyệt đối. Mọi kế hoạch, chủ trương đưa ra đều phải răm rắp thực hiện. Bất kỳ tiếng nói phản biện nào đi ngược với quan điểm của nhà trường đều bị “để ý” và “chăm sóc đặc biệt”.

Kết thúc mỗi kỳ họp hội đồng sư phạm bao giờ cũng là một câu hỏi mang tính gợi mở “Các thầy cô có ý kiến gì không?”. Cuộc họp nào mà phần thảo luận càng sôi nổi thì càng chứng tỏ dân chủ được phát huy. Tất nhiên là có những lúc ý kiến của giáo viên vẫn được ban giám hiệu lắng nghe, ghi nhận nhưng thay đổi vẫn là điều không tưởng. Nhưng không ít trường hợp họp hội đồng sư phạm mà hiệu trưởng “độc thoại” từ đầu đến cuối và giáo viên im lặng lắng nghe, gật đầu, ghi chép rồi cứ thế triển khai nhiệm vụ.

Tại sao ư? Bởi lẽ, lời góp ý chân tình của giáo viên đã nhiều phen bị gạt sang một bên, vì ý kiến phản biện biến chủ nhân của nó thành người được “quan tâm săn sóc đặc biệt”. Chỉ cần sự phân biệt đối xử trong phân công công tác giảng dạy hay chủ nhiệm thôi cũng đủ khiến giáo viên phải “lên bờ xuống ruộng” và thầm trách mình sao lắm chuyện để rước họa vào thân. Chính vì vậy, nhiều người chọn giải pháp “im lặng là vàng” làm phương châm sống để an thân, giữ nghề.

Bản tự nhận xét đánh giá công chức bao giờ cũng có mục đánh giá tinh thần tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, đây lại là “phao cứu sinh” cho nhiều người vô tình hoặc cố ý không tìm ra nhược điểm nào của bản thân khi hạ bút ghi: “Tinh thần đấu tranh phê và tự phê chưa cao”.

Quả là chưa cao thật khi người ta luôn ngần ngại góp ý và phản biện vì tâm lý an phận cùng tư duy “vuốt mặt nể mũi” đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Thế nhưng, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình lắm lúc bị triệt tiêu bởi chính những người lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán và một tập thể “không dám đấu tranh”.

Tiếng nói dân chủ trong trường học bị vi phạm sẽ là mảnh đất màu mỡ cho cái xấu có cơ hội nảy mầm. Những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, điều hành của ban giám hiệu sẽ sinh sôi, tình trạng mất đoàn kết trong tập thể sẽ gia tăng… Tất cả sẽ đục khoét dần niềm tin, nỗ lực phấn đấu và sáng tạo của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Tăng cường dân chủ trong trường học là một việc làm cấp thiết hiện nay nhằm chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực và củng cố khối đoàn kết tập thể. Muốn vậy thì sự quản lý của các sở, ban, ngành cần đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần công khai và chặt chẽ hơn nhằm tìm ra những người lãnh đạo thật sự có tài, có tâm và có tầm. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm khích lệ tiếng nói phản biện của giáo viên, phụ huynh, học sinh cho các vấn đề giáo dục thông qua những diễn đàn về dân chủ…

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.