Diễn đàn: “Sách giáo khoa nên một hay nhiều bộ?”:

Sự lệch pha trong giáo dục

Sự lệch pha trong giáo dục
Có thể nói với một bộ sách giáo khoa (SGK) hiện nay của Bộ GD&ĐT không còn phù hợp với tất cả các đối tượng dạy và học.
Sự lệch pha trong giáo dục ảnh 1

Giáo viên và học sinh ở các vùng miền khác nhau, không chỉ không đồng đều về trình độ nhận thức và chuyên môn giảng dạy, mà còn khác nhau về văn hoá tiếp thu.

Một thực tế là học sinh ở nông thôn, miền núi hiểu biết văn hóa, truyền thống, kinh tế xã hội, danh lam thắng cảnh ở xã, huyện, tỉnh mình không nhiều bằng hiểu kinh tế xã hội, danh lam thắng cảnh, truyền thống… ở cấp trung ương, vì học sinh chỉ được tiếp thu một nội dung đã thống nhất trong một bộ SGK.

Nói như vậy, không có nghĩa là bộ SGK chỉ biên soạn những danh lam thắng cảnh, truyền thống, kinh tế xã hội ở địa phương mình, nhưng trước hết phải hướng vào biên soạn những văn hoá, giá trị truyền thống… tại quê hương nơi học sinh đang sống, để học sinh hiểu về giá trị văn hoá làng xã nơi mình sinh ra.

Đó là nền tảng, là cốt lõi để xây dựng nhân cách văn hoá cho mỗi người. Nói cách khác, trước khi đưa giáo dục hiện đại cho học sinh học, trước hết phải giáo dục văn hoá làng xã để tạo dựng tinh thần yêu nước từ gốc cho người học.

Chúng ta đang áp dụng một bộ SGK cho tất cả các đối tượng ở miền núi, miền xuôi, nông thôn, đô thị là sự lệnh pha trong giáo dục. Điều ấy không chỉ thiếu sinh động mà còn mang tính áp đặt. Trong khi trình độ nhận thức của đối tượng người học ở miền núi khác miền xuôi, nông thôn khác đô thị, không lẽ gì chỉ có một bộ SGK lại áp dụng cho mọi đối tượng.

Chúng ta đang ưu tiên cho phát triển giáo dục, đưa giáo dục hiện đại lan tỏa đến mọi vùng miền trên cả nước. Để rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí cho miền núi theo kịp miền xuôi, nông thôn sánh vai đô thị, sự cần thiết phải đa dạng hoá bộ sách giáo khoa là đòi hỏi khách quan của nền giáo dục hiện nay.

Hoàng Ninh
(Vũng Tàu)

Phải chú ý đặc thù từng vùng

Khi vào học tập tại TPHCM (trước đó tôi học ở Hà Nội) nhiều khi nói chuyện hoặc phát biểu xây dựng bài, một số bạn sinh viên miền Nam tỏ ra khó hiểu với giọng miền Bắc của tôi.

Có sinh viên miền Tây nói rằng, khi lên thành phố học đại học, sau một thời gian dài họ mới được nói chuyện với một số người Bắc. Tôi nhận ra rằng, trong giáo dục cần phải chú ý vấn đề ngôn ngữ giao tiếp – vùng miền.

Lâu nay sách giáo khoa (SGK) cũng như chủ trương giáo dục nước ta có phần duy ý chí khi chủ yếu lấy quy chuẩn giáo dục của Thủ đô Hà Nội áp đặt cho nền giáo dục cả nước. Đây là hạn chế cần khắc phục.

Muốn giải quyết được vấn đề này, Bộ GD&ĐT cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều người, nhiều vùng miền, địa phương đặc thù để điều chỉnh.

Tuy vậy, tôi không hoàn toàn đồng tình quan điểm mở cửa cho tất cả mọi người đều có thể biên soạn SGK vì xu hướng này thái quá, có thể làm SGK bị méo mó. Tuy nhiên nếu cứ khép cửa trung thành với một bộ SGK đến 20 năm nữa thì làm sao có thể đổi mới và tiếp nhận cái mới để điều chỉnh?

Theo tôi Bộ GD&ĐT cần tiến hành xây dựng thử nghiệm những chương SGK mới. Trước hết, Bộ nên xây dựng chương trình khung từng lớp, từng bậc học rồi cùng với các khu vực văn hó đặc thù phối hợp xây dựng ra các bộ SGK tạm thời để vận dụng cho từng khu vực.

Các bộ môn khoa học xã hội (như lịch sử, văn học) phải tăng cường phần giáo dục truyền thống địa phương. Về cơ bản Bộ phải quy định tỷ lệ chung thống nhất và phần dành cho các địa phương, nhất là với những địa phương có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng như TPHCM.

Tôi cho rằng 20 năm sau, trên cơ sở những bộ sách tạm thời có đặc thù của từng địa phương nêu trên, chúng ta sẽ có được một bộ SGK hoàn chỉnh.

Cao Ngọc Quỳnh
(TP. HCM)

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.