“Sữa học đường” giúp cải thiện chiều cao, cân nặng của trẻ

“Sữa học đường” giúp cải thiện chiều cao, cân nặng của trẻ
TP - Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Chương trình “Sữa học đường”. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa “Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng đề án Chương trình “Sữa học đường” dành cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học để góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

 
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai chương trình “Sữa học đường” như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan với kết quả chiều cao trẻ em được cải thiện rõ rệt. Tại Thái Lan, sau 7 năm triển khai, chiều cao trẻ em tăng được gần 5 cm so với chuẩn.

Năm học 2014 - 2015 là năm thứ 8 và cũng là giai đoạn 2 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) thực hiện chương trình “Sữa học đường” nhằm cung cấp sữa miễn phí cho hơn 270.000 trẻ em trên toàn tỉnh trong suốt 5 năm (2012-2016) với tổng kinh phí là 113 tỷ đồng. 

Theo đó, trẻ em tại 100% trường mầm non đều được uống sữa miễn phí 2 lần/tuần trong mỗi năm học (9 tháng). Các trẻ em 3-5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) ngoài cộng đồng sẽ được uống sữa miễn phí 4 lần/tuần trong cả năm. 

Mức kinh phí này cao hơn 30 tỷ đồng so với giai đoạn I (2007-2011) và đã giúp hơn 197.000 trẻ em trên toàn tỉnh được uống sữa miễn phí. Kết quả là tỷ lệ SDD ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 15,6% xuống còn 12%, lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ 66,2%; tỷ lệ trẻ thoát SDD đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm SDD trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước. 

Sau một năm thực hiện thí điểm chương trình “Sữa học đường” tại 24 trường mầm non, từ năm học 2014- 2015 này, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức triển khai chương trình “Sữa học đường” tại trường mầm non trên toàn tỉnh với tổng số 158 trường, không phân biệt trường công lập hay dân lập. Bắc Ninh đã dành 178 tỷ đồng trong 5 năm đầu tiên. 

Theo đó, trong năm học 2013-2014, 24 trường mầm non với tổng số hơn 11.600 trẻ đã được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này. Cụ thể, trẻ tăng cân và tăng chiều cao đạt tỷ lệ 98%, trung bình tăng trưởng về cân nặng là 1,07kg; chiều cao 2,67cm/trẻ. Tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân giảm 3,6% so với đầu năm học; tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm còn 4,3%, giảm 3,6%.

Nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình gồm 50% từ ngân sách tỉnh và phần còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ SDD cân nặng và SDD chiều cao tại tất cả các trường mầm non của tỉnh sẽ giảm xuống còn 3,5% và 4%. 

Chương trình dự kiến đầu tư khoảng 54 tỷ đồng, dành cho hơn 73 ngàn trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi và định mức được thụ hưởng là 3 lần/tuần/trẻ. 

MỚI - NÓNG