Tại sao chất lượng dạy học cứ ì ạch trong “vùng trũng”

Thi giáo viên dạy giỏi lâu nay gây không ít sức ép lên giáo viên vì thành tích. Ảnh mang tính minh họa
Thi giáo viên dạy giỏi lâu nay gây không ít sức ép lên giáo viên vì thành tích. Ảnh mang tính minh họa
TPO - Theo Ngân hàng thế giới, chất lượng giáo dục của Việt Nam đạt 3,79 điểm, xếp hạng thứ 11/12 nước mà tổ chức Bloomberg khảo sát đánh giá. Trong khi đó, đã nhiều năm, ngành giáo dục đẩy mạnh giải bài toán chất lượng nhưng vẫn chưa tạo được sự bứt phá.  

Trong các yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, người thầy đóng vai trò quyết định. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”. Vấn đề then chốt này không phải đến nay mới thấy. Nhưng đã nhiều năm các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu quả chưa cao. Do đó, có hô hào đổi mới bao nhiêu chăng nữa, hàng năm triển khai nhiều chuyên đề chăng nữa, và từ 2018 sẽ thực hiện chương trình GDPT mới được biên soạn rất công phu - mà không tìm ra giải pháp hữu hiệu để “thay máu” đội ngũ giáo viên thì khó hi vọng một sự thay đổi về chất cho giáo dục phổ thông

Vậy, thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông những năm qua và trước thời điểm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ra sao?

Theo thống kê của Bộ năm 2016, số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn: Tiểu học 99,9%; THCS và THPT 99,49%. Với tỉ lệ đạt chuẩn gần tuyệt đối đó, tại sao chất lượng dạy học cứ ì ạch mãi trong “vùng trũng”?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nhận xét: “nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là cách thức quản lý, đánh giá một cách thực chất, chứ không phải giữa hợp đồng và biên chế”. Lâu nay, cách thức quản lí của ngành còn nặng về hành chính. Cứ làm hết công việc theo kiểu “cơ học”, cứ lo đủ hồ sơ thì gần như giáo viên nào cũng “hoàn thành nhiệm vụ”.

Nếu làm tốt công tác quản lý thì không cần bàn đến biên chế hay hợp đồng. Luật viên chức cũng đã quy định: nếu công chức viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ đưa ra khỏi biên chế. Vậy mà từ khi có luật đến nay, chưa thấy giáo viên nào bị đưa ra khỏi biên chế vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi, chỉ cần thống kê kết quả các kỳ thi, trừ trường chuyên lớp chọn, thì gần như trường nào cũng có những số liệu để xếp loại giáo viên “không hoàn thành nhiệm vụ”. Thống kê qua từng năm số liệu càng xác đáng. Vấn đề phát sinh là những môn không thi, những cấp không thi (cấp Tiểu học), thì lấy số liệu nào để xếp? Rồi những lớp có chất lượng đầu vào quá thấp thì sao v.v...Tất cả đều có lí nhưng đó là cái lí rất tai hại theo kiểu “không gỡ được rối trong mớ bòng bong”!

Cũng từ những lý đó, rất nhiều năm các nhà trường đã không đánh giá xếp loại giáo viên được chính xác dẫn đến... hòa cả làng (!). Chung quy, vẫn do công tác quản lý.

Nghề giáo là nghề đặc thù phải học hỏi không ngừng. Nhưng với cách quản lí tồn tại cố hữu lâu năm như thế, căn bệnh “trung bình chủ nghĩa” đã “làm tổ” trong giáo viên. Trừ số ít giáo viên giỏi năng động, còn lại ý thức học hỏi, rèn luyện chuyên môn trở nên của hiếm.

Năm học nào Bộ cũng có chương trình bồi dưỡng thường xuyên nhưng các nhà trường chỉ kiểm tra đánh giá chiếu lệ nên chẳng mấy ai học; vậy mà cuối năm gần như ai cũng xếp loại khá, giỏi.

Nhiều năm nay, giáo viên chủ yếu soạn bài bằng cách tải từ internet về rồi chỉnh sửa để đối phó; Làm nghề dạy học nhưng nhiều giáo viên rất xa lạ với sách, tài liệu. Cứ thế, kiến thức, phương pháp già nua, cằn cỗi đi rất nhanh. Theo đó tiết dạy rơi vào tình trạng sáo mòn, đơn điệu, hời hợt; học sinh nhàm chán, cảm xúc trơ lì. Không ít giáo viên đã không còn khả năng tự giải một bài toán khó, làm một bài văn nếu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa...

Muốn đổi mới nâng cao chất lượng, không thể điệp khúc mãi cung cách quản lý hành chính lỗi thời mà đòi hỏi những giải pháp có tính đột phá nhằm “thay máu” cho đội ngũ.

Theo chúng tôi, để giáo viên có ý thức tự học, tự trau dồi chuyên môn mà không cần một mệnh lệnh nào, xin được đề xuất một vài giải pháp:

1. Cứ 3 năm, Bộ tổ chức kiểm tra năng lực chuyên môn giáo viên một lần – tổ chức nghiêm túc, quy mô tương tự kỳ thi THPT quốc gia. Để gọn nhẹ, có thể tổ chức luân phiên mỗi năm 1 cấp (Tiểu học - THCS - THPT);

2. Xây dựng phần mềm quản lý chất lượng từng giáo viên. Phần mềm này được quản lý ở tất cả các cấp từ trường đến Bộ. Phải xây dựng được quy trình chặt chẽ trong kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào và chất lượng sau mỗi năm học của từng giáo viên. Người quản lý cấp dưới phải chịu trách nhiệm về tính xác thực chất lượng đối với cấp trên (ở mức cao nhất).

3. Giảm bớt những loại hồ sơ không cần thiết để giáo viên có thời gian đầu tư dạy học; giảm hành chính sự vụ để hiệu trưởng tập trung làm chất lượng.

4. Xây dựng được tiêu chí xếp loại cán bộ quản lí và giáo viên – trong đó điểm kiểm tra năng lực định kỳ và hiệu quả giảng dạy sau mỗi năm học có tính quyết định đến xếp loại.

Biết rằng, những giải pháp quản lý trên có thể đang ở một góc nhìn hạn hẹp nhưng chỉ có những giải pháp tương tự hoặc một sự đột phá nào đó mới “thay máu” được chất lượng đội ngũ – đó là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời bạn đọc đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Mọi ý kiến xin gửi về hộp thư : online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).