Tạo diện mạo mới cho trường học

Tạo diện mạo mới cho trường học
TP- Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sơ kết 2 năm vận động xây dựng phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào đã tạo nên một diện mạo mới cho các trường học.
Tạo diện mạo mới cho trường học ảnh 1

Thay đổi

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất ở các nhà trường khi tham gia phong trào là cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt; khuôn viên trường học được xây dựng mới xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn trước.

Nếu như năm học 2008-2009, học sinh các trường trồng được hơn 2,2 triệu cây xanh thì tới cuối năm học 2009-2010, con số này đã tăng lên gấp gần 9 lần.

Mỗi trường học có môi trường xanh, sạch, đẹp không thể thiếu công trình vệ sinh sạch sẽ là một trong những nội dung mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các nhà trường triển khai ngay từ năm đầu tiên.

Lần đầu tiên, vấn đề nhà vệ sinh trong trường học được đưa vào nhiệm vụ năm học với những yêu cầu, lộ trình cụ thể như mỗi trường học phải có nhà vệ sinh và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, có người dọn dẹp thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, HS...

Nếu như trước đây trung bình cả nước mới chỉ có chưa đầy 70% số trường có công trình vệ sinh. Sau hai năm triển khai, tỷ lệ này là 96%, trong đó có gần 84% số công trình đạt tiêu chuẩn.

Qua 2 năm thực hiện, hầu hết các trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xã hội hoá, tranh thủ được sự quan tâm đầu tư về CSVC của các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm để làm mới hoặc cải tạo lại khuôn viên nhà trường khang trang, sạch đẹp, an toàn. Các công trình vệ sinh, đường vào, khuôn viên đã được chỉnh trang; tạo được không khí thân thiện trong mỗi thành viên của nhà trường, giữa nhà trường và gia đình, học sinh.

Đến nay đã có 31.486 trường học trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học; 38.484 trường xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa. Quy tắc này đã có tác dụng trực tiếp đến các học sinh trong việc rèn luyện lối sống, đạo đức, tác phong.

Nhiều trường học đã tổ chức các CLB, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều nội dung thiết thực mang tính giáo dục như: giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích.

Ngoài ra, các trường học cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chính quyền địa phương tổ chức tốt các hoạt động vui chơi lành mạnh giúp các em xa rời các tệ nạn xấu của xã hội tác động.

Công tác chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương cũng đã được các nhà trường, các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay đã có 1.842 di tích cấp quốc gia được các em tích cực tham gia tìm hiểu, chăm sóc; 20.460 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình TB-LS được nhận chăm sóc…

Môi trường giáo dục không phải ốc đảo

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mô hình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do UNICEF đưa ra năm 2004. Mô hình này đã được nhiều nước thực hiện. Từ đó có thể thấy, mô hình này có cơ sở khoa học, lý luận vững chắc và đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Xuân Tế, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP. HCM cho rằng việc hiện thực hóa mô hình này không phải chỉ đơn giản là thực hiện các nội dung của phong trào thi đua theo những tiêu chí nhất định mà còn đòi hỏi phải có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn chuyên sâu, cụ thể…

Môi trường giáo dục thời nào cũng có những vấn đề phải giải quyết nhưng một môi trường giáo dục đúng nghĩa phải là môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ, tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

“Càng ngày, chúng ta càng thấm thía một điều, môi trường giáo dục không phải là “ốc đảo”, giáo dục và đào tạo không phải chuyện riêng của một ngành, càng không phải chuyện riêng của một trường học mà là vấn đề của cả xã hội.

Quyết tâm triển khai mô hình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của Bộ GD&ĐT là một bước đột phá để thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” – PGS. TS Nguyễn Xuân Tế nói.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ những việc làm đơn giản, phù hợp lứa tuổi trong nhà trường và trong thực tiễn xã hội, sau hai năm triển khai, phong trào đã tạo nên một diện mạo mới trong các trường học góp phần gắn bó thầy - trò trong học tập, rèn luyện, trau dồi cho học sinh những kỹ năng sống và ý thức tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Trong hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra một số kinh nghiệm, sáng kiến giải pháp hay để thực hiện phong trào hiệu quả hơn: cần có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Các nội dung của phong trào cũng cần được cụ thể hoá cho phù hợp với điều kiện ở những vùng khác nhau của tỉnh, thành phố…

Ngoài ra, các trường học cần thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, cơ quan, đoàn thể để xử lý các việc có liên quan, tạo điều kiện cho các em hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi lành mạnh, hạn chế bỏ học.

Theo Viết
MỚI - NÓNG