Thầy cô băng rừng, lội suối tìm trò đi học

Học sinh trường PTCS Cao Phạ. Ảnh: N.H.
Học sinh trường PTCS Cao Phạ. Ảnh: N.H.
TP - Nằm lưng chừng đèo Khau Phạ, trường phổ thông cơ sở (PTCS) Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái chênh vênh bên sườn núi. Bởi thế, để những con chữ đến được với trẻ em ở vùng này rất cần cái tâm của những thầy cô giáo. Đường đến trường của trò xa bao nhiêu thì quãng đường của thầy cô lặn lội đến từng nhà học sinh, vận động các em đi học cũng vất vả và xa xôi không kém.

Cô Đào Mai Hiên, giáo viên dạy thể dục gắn bó với  trường PTCS bán trú Cao Phạ đã 9 năm. Cô cho biết ở nơi đây không chỉ khi có thiên tai, bão lũ mà ngay cả sau những dịp nghỉ lễ, tết, mùa gặt đều có những học sinh không đến trường. Phụ huynh thường xin cho các em nghỉ 1-2 buổi, nhưng có khi tiện đó sẽ bỏ học luôn nếu như thầy cô cũng bỏ mặc. Vì thế, vận động học sinh đi học là một nhiệm vụ sống còn của tất cả thầy cô ở vùng cao.

Sau mỗi đợt nghỉ dài ngày hoặc bất lúc nào trong năm học, cứ 5h15 chiều khi ngày học kết thúc, tất cả giáo viên của trường đều lên đường. “Với chúng tôi, vận động được một học sinh trở lại trường cũng là điều quý giá nên phải chia nhau để đi. Có khi vài cây số nhưng cũng có học sinh nhà cách trường 20 cây số. Đoạn nào đi được bằng xe máy thì đi, còn không sẽ đi bộ. Người Mông thường đi làm nương xa, đến 8h-9h tối mới về. Chính vì vậy có khi 10h, 11h đêm chúng tôi mới trở về” – cô Hiên cho hay.

 Có những đợt cao điểm, cô và các giáo viên phải đi liên tục đến 20 ngày trong một tháng. Rào cản lớn nhất của giáo dục nơi đây ngoài hoàn cảnh gia đình còn có cả điều kiện kinh tế. Trong lúc chờ đợi phụ huynh đi làm nương về, cô Hiên cũng coi mình như một thành viên trong gia đình học sinh,  làm đủ thứ việc, từ nấu cơm đến băm bèo cho lợn. Thế nhưng không phải sự cố gắng đó lúc nào cũng có kết quả. Có những gia đình vừa thấy cô đến cửa đã nói: “Tao đã nói rồi, tao không cho con đi học, mày về đi”. Hoặc có người mời vào nhà nhưng lý sự: “Tao cho con tao đi học, nhưng mày có đến làm thay nó được không? Mày có cho tao cơm, gạo hằng ngày được không?”. Tùy theo từng trường hợp cụ thể cô phải lựa để thuyết phục, có khi còn phải nhờ trưởng bản, bí thư, chủ tịch xã giúp sức.

“Với chúng tôi, nhất là các cô giáo, thì một khó khăn luôn phải cố gắng vượt qua là việc phải uống rượu. Chúng tôi đi vận động học sinh thì phải hiểu những tập tục, thói quen của người dân địa phương và tối kỵ việc làm trái với những tập tục, thói quen của họ, nhất là thời gian làm quen, gây dựng niềm tin. Bởi thế, uống rượu là điều không tránh khỏi” - Cô Hiên chân thành
chia sẻ.

Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận, ở trường, người vận động học sinh giỏi nhất phải kể đến thầy Phan Tiến Dũng, giáo viên dạy Giáo dục công dân. Vì theo cô Hiên, thầy Dũng rất giỏi tiếng dân tộc, không chỉ giỏi tiếng Mông, mà thầy còn nói được tiếng Thái, Khơ Mú.

Chia sẻ với Tiền Phong, thầy Phan Tiến Dũng cho biết mình từng  có một học sinh ở Ngài Thầu, cách trường hơn 20 cây số. Từ trường, thầy chỉ đi xe máy được khoảng 4 cây số, còn đi bộ 16-17 cây số mới đến được nhà học sinh. Có lần đến nhà học sinh bị đuổi luôn, hứng những lời nói khó nghe, có khi họ mặc kệ thầy cô. “Chúng tôi phải tự kiếm việc gì đó làm, rồi lân la nói chuyện. Kết thúc một ngày như thế đã rất khuya. Vì phải về trường để dạy vào sáng hôm sau nên nhiều khi tôi lại đi bộ ngần ấy cây số về trường. Với em học sinh ở Ngài Thầu đó, tôi mất 4 tháng để vận động. Kết thúc một đợt vận động, thường tôi trở về trường cùng học sinh. Nhưng được vài hôm, em đó lại biến mất và tôi lại đi tìm, bất cứ nơi đâu có thể tìm được em là tôi đi” – thầy Dũng nói.

Suốt 9 năm công tác tại trường PTCS Cao Phạ, điều cô Đào Mai Hiên thấy hạnh phúc nhất đó là mang được cơ hội đến trường đối với em học sinh tên Lý A Ly, người dân tộc Mông. Năm nay Ly đang học lớp 12 ở một trường THPT của huyện Mù Cang Chải. Ngày Ly vào lớp 6, cô Hiên không phải là giáo viên chủ nhiệm nhưng cô ấn tượng với Ly vì em rất ngoan. Một lần tình cờ đi đến khu vực nhà Ly sinh sống, cô Hiên mới biết hoàn cảnh gia đình Ly khá đặc biệt, bố mất, mẹ đi lấy chồng, chỉ có hai anh em đùm bọc lấy nhau. Chính vì hoàn cảnh như thế nên Ly không muốn đi học. Cô Hiên đã động viên Ly ra trường và nhận đỡ đầu, có gì khó khăn thì gặp cô. Bây giờ Ly đã học lớp 12, nhưng suốt hai năm học qua, kỳ nghỉ hè nào cũng thế, Ly chưa về nhà vội mà qua trường thăm cô.

Ông Hoàng Văn Đồng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, cho biết tỷ lệ học sinh càng học lên lớp cao thì bỏ học càng cao, nhất là những năm cuối THCS và THPT. Nguyên nhân  học sinh bỏ học một phần do điều kiện gia đình nhưng phần lớn do điều kiện kinh tế. Tâm lý của phụ huynh không muốn con đi học vì không có người đi làm. Chính vì vậy, những thầy cô ở vùng cao nơi đây, ngoài nhiệm vụ dạy còn phải lo một nhiệm vụ quan trọng và gian nan không kém, đó là đến từng nhà vận động phụ huynh cho học sinh đến trường.

“Với chúng tôi, nhất là các cô giáo, một khó khăn luôn phải cố gắng vượt qua là việc phải uống rượu. Chúng tôi đi vận động học sinh thì phải hiểu những tập tục, thói quen của người dân địa phương và tối kỵ việc làm trái với những tập tục, thói quen của họ, nhất là thời gian làm quen, gây dựng niềm tin. Bởi thế, uống rượu là điều không tránh khỏi”.

             Đào Mai Hiên, giáo viên trường PTCS Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.